5 hãng hàng không muốn vay 25.000 tỷ, lãi suất ưu đãi: NHNN nói gì?
5 hãng hàng không kiến nghị được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất 4%), thời hạn 4-5 năm...
Tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với Hiệp hội Hàng không, 5 hãng hàng không lớn, Hiệp hội ngân hàng, 20 tổ chức tín dụng và các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không ngày 28/9, các hãng hàng không có kiến nghị NHNN ba vấn đề.
Đó là: Xem xét kéo dài thời hạn áp dụng các chính sách về tái cơ cấu nợ vay, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không, tiếp tục hỗ trợ cho vay các khoản vay mới, giảm lãi suất vay với các doanh nghiệp và Có ý kiến về việc tháo gỡ khó khăn đối với khoản vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ để trả lương người lao động tại Ngân hàng chính sách.
Các hãng hàng không kiến nghị được tháo gỡ về vốn và lãi suất để khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19
Tiếp tục duy trì hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp hàng không
Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế về hỗ trợ tín dụng giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản, đảm bảo nguồn lực để duy trì và phát triển sau cuộc họp nói trên, NHNN đã trả lời cụ thể từng nội dung kiến nghị của các hãng hàng không.
Cụ thể, về kiến nghị xem xét kéo dài thời hạn áp dụng các chính sách về tái cơ cấu nợ vay, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, NHNN cho biết đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 cho phép mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí đến ngày 30/6/2022.
“NHNN sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh và khi cần thiết sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn áp dụng chính sách cơ cấu nợ vay, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phù hợp với thực tế”, NHNN cho hay.
Với kiến nghị NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không, tiếp tục hỗ trợ cho vay các khoản vay mới, giảm lãi suất vay với các doanh nghiệp, NHNN cho biết đã nhiều lần tổ chức họp và ngày 8/10 vừa qua đã có công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phù hợp với chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN như: Duy trì hạn mức tín dụng đối với doanh nghiệp hàng không theo quy định; Tiếp tục cân đối, xem xét giảm lãi suất đối với các khoản cho vay của doanh nghiệp hàng không...
Còn đối với kiến nghị tháo gỡ khó khăn vay vốn theo Nghị quyết 68/NQ-CP để trả lương người lao động, NHNN cho biết đã có công văn gửi Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tham gia góp ý đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Theo đó, NHNN nhất trí với đề xuất bỏ điều kiện người sử dụng lao động phải có thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020; Sửa quy định nợ xấu theo hướng người sử dụng lao động không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm 23/1/2020. Trường hợp khách hàng có nợ xấu tại thời điểm 23/1/2020 nhưng đã trả được nợ tại thời điểm đề nghị vay vốn thì vẫn đủ điều kiện được tiếp cận chính sách cho vay này.
NHNN cho biết, trên cơ sở này, ngày 8/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP tháo gỡ khó khăn trên.
“Đến nay việc xử lý các kiến nghị thuộc thẩm quyền của NHNN không có vướng mắc gì. NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thuộc thẩm quyền để hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 phù hợp với thực tế diễn biến dịch bệnh”, NHNN thông tin.
Kiến nghị Chính phủ bảo lãnh vay vốn
Ngoài ra kiến nghị đối với NHNN, các hãng hàng không có kiến nghị một số nội dung liên quan tới vấn đề vay vốn và lãi suất.
Cụ thể, các doanh nghiệp hàng không kiến nghị NHNN tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng để cho vay các hãng hàng không với lãi suất 0%, thời hạn tối đa 3 năm, không có tài sản bảo đảm. Đối với kiến nghị này, NHNN cho biết cơ quan này thực hiện hỗ trợ Vietnam airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thông qua tái cấp vốn là thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
NHNN cũng cho hay, việc nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ biện pháp tái cấp vốn hỗ trợ Vietnam Airlines do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đầu mối thực hiện.
“Vì vậy, trường hợp hãng hàng không đề nghị NHNN tái cấp vốn để hỗ trợ với các ưu đãi tương tự như Vietnam Airlines, NHNN không có cơ sở để thực hiện mà cần được Bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu, báo cáo rõ các khó khăn, vướng mắc và khả năng phục hồi của doanh nghiệp để đề xuất chính sách với Chính phủ, Quốc hội”, NHNN cho biết.
Cơ quan này cũng khẳng định: “Trong phạm vi thẩm quyền, NHNN sẽ phối hợp có ý kiến cụ thể về các đề xuất của Bộ chuyên ngành, đánh giá tác động trong tổng thể các giải pháp, kể cả việc hiện nay NHNN đang trình các cấp có thẩm quyền đề xuất tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, đảm bảo không chủ quan với lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”.
Còn đối với kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp hàng không thua lỗ, không có tài sản bảo đảm, khó khăn trong việc trả nợ được vay vốn tại các tổ chức tín dụng và cho các hãng hàng không được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất 4%), thời hạn 4-5 năm, NHNN cho biết các kiến nghị này thuộc chức năng quản lý của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tuy nhiên, NHNN cũng thông tin, để giải quyết vấn đề thanh khoản, bổ sung vốn cho hoạt động, các hãng hàng không cần huy động từ nhiều nguồn khác nhau như: Bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu; Tiết giảm chi phí; Làm việc với các nhà cung cấp, đối tác để giãn, hoãn các khoản thanh toán; Thu xếp vốn vay; Nhà nước hỗ trợ (cơ chế chính sách, miễm giảm thuế, phí...).
“Do đó, các hãng hàng không cần tích cực huy động mọi nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh. Bộ quản lý chuyên ngành về hàng không cần có báo cáo đánh giá, xây dựng các giải pháp tổng thể, đề xuất xử lý các kiến nghị nêu trên của các hãng hàng không trình Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, NHNN khuyến nghị.
Về tổng thể, để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không, NHNN đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan (Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, NHNN, Uỷ ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp...) nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không và xử lý các kiến nghị trên của doanh nghiệp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nữ CEO Đại Nam tiết lộ bà đã thế chấp tài sản để vay 300 tỷ để xây nhà máy oxy. Thông tin này khiến nhiều người...
Nguồn: [Link nguồn]