Livestream bán hàng có thể bị siết thuế ra sao?
Doanh thu tính thuế qua livestream bán hàng có thể kiểm soát qua yêu cầu xuất hoá đơn điện tử, đối chiếu dữ liệu với ngân hàng, sàn, bên vận chuyển.
Sau 17 tiếng livestream (ngày 4/5 – 5/5), kênh TikTok Quyền Leo Daily thu về 100 tỷ đồng, mức kỷ lục của một phiên livestream bán hàng ghi nhận được trên nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam. Trước đó, kênh này cũng thu về hơn 72 tỷ đồng trong phiên livestream 12 tiếng hồi tháng 3.
Không chỉ Quyền Leo, thời gian qua, những phiên livestream bán hàng với doanh thu tới hàng chục tỷ đồng nhiều lần xuất hiện. Ngay các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada cũng xem đây là hình thức bán hàng chủ lực.
"Có phiên livestream tới 350.000 người cùng xem tại một thời điểm, thu hút trung bình khoảng 5-20 triệu người xem", ông Nguyễn Thanh Lâm, đại diện TikTok Việt Nam, nơi tạo ra những phiên livestream có doanh số khủng cho biết. "Giả sử chỉ 1% người xem mua hàng, doanh số 100 tỷ đồng không phải lớn", ông nói thêm.
Livestream bán hàng là kinh doanh bằng cách phát video trực tuyến trên các phương tiện như nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch, website thương mại điện tử, kênh truyền hình. Hãng dữ liệu NielsenIQ cho biết, trong quý đầu năm, tới 95% khách hàng trực tuyến mua sản phẩm qua kênh này. Theo Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 nhà bán tham gia.
Trong các phiên livestream thường có tổ chức, cá nhân bán hàng cho chính họ hoặc các blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội được trả hoa hồng từ livestream bán hàng.
Theo quy định, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng một năm.
Cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng do thực hiện livetream bán hàng sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc, thuế suất từ 5-35%. Trường hợp hoa hồng nhận được trả cho hộ kinh doanh, họ sẽ phải khai nộp thuế theo mức 7%, gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thu nhập cá nhân.
Theo đại diện TikTok Việt Nam, những người có phát sinh thu nhập trên TikTok Shop gồm nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đều phải đăng ký mã số thuế, tài khoản ngân hàng gắn với căn cước công dân và chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
Song, ông Thanh thừa nhận với số người bán hàng nhiều, lượng giao dịch lớn, việc chấp hành các quy định về thuế sẽ "đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các bên".
Đánh giá thu thuế với lĩnh vực này còn thất thoát, tại hội nghị mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính sửa quy định về hóa đơn điện tử, để kiểm soát các giao dịch này.
Cơ quan thuế đang rà soát, kiểm tra đồng bộ việc sử dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh online, livestream bán hàng. Nghị định 123 dự kiến sửa theo hướng các ngành bán lẻ, sẽ phải sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối với cơ quan thuế. Tức, bán hàng online, livestream cũng sẽ nằm trong diện này.
Hóa đơn loại này sẽ có thông tin người bán, người mua (nếu yêu cầu), tên hàng hóa dịch vụ, đơn giá, số lượng, giá thanh toán, thời điểm lập. Mã của cơ quan thuế hoặc mã vạch hai chiều (QR Xcode) cũng kèm theo để người mua truy xuất thông tin.
Một đơn vị cung cấp dịch vụ cho hay, để sử dụng người bán sẽ cài phần mềm cho phép xuất hóa đơn tự động sau khi đơn đã hoàn thành hoặc giao cho bên vận chuyển. Người bán có thể chủ động gửi dữ liệu đến cơ quan thuế hoặc đặt tự động gửi theo khung giờ cố định. Các thao tác này không mất nhiều thời gian thao tác, chờ đợi lâu và được lưu trữ online để tiện tra cứu.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, yêu cầu xuất hóa đơn điện tử sẽ đảm bảo minh bạch trong hoạt động livestream. "Người bán sẽ không thể khai khống số liệu, hạn chế gian lận thuế", ông nói, thêm rằng đề xuất này cũng giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về tính hợp pháp, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Tuy nhiên, ông cho rằng cá nhân, tổ chức nhỏ lẻ có thể gặp khó khi áp dụng do thiếu kiến thức, kỹ năng và công nghệ. Ngược lại, việc kiểm soát để tất cả cùng tuân thủ có thể là thách thức lớn với cơ quan chức năng.
"Con số doanh thu trên livestream chưa chắc đã là số tiền thu về thực tế do tỷ lệ trả hàng cao", ông nói, đề xuất nhà chức trách có chính sách hỗ trợ kỹ thuật để người bán nhỏ lẻ có thể xuất hóa đơn điện tử. Cùng đó, ông cho rằng pháp luật về thuế, quản lý thương mại điện tử, livestream bán hàng cũng phải hoàn thiện để áp dụng xuất hóa đơn điện tử hiệu quả, công bằng.
Đối chiếu doanh thu từ các sàn có thể là một giải pháp khác, bên cạnh hóa đơn điện tử, để kiểm soát các nguồn thu từ livestream bán hàng. Hiện có 258 sàn cung cấp thông tin cho cơ quan thuế qua Cổng thông tin thương mại điện tử được vận hành từ cuối 2022. Dữ liệu cung cấp cho thấy, có gần 14.900 tổ chức và 53.200 cá nhân đăng ký bán hàng trên sàn. Số lượt giao dịch hơn 14,5 triệu, tương ứng 4.500 tỷ đồng.
Chưa kể, ngành thuế cũng chia sẻ thông tin với Bộ Công Thương về 929 sàn thương mại điện tử, đối chiếu dữ liệu từ 361 sàn; ghi nhận trên 663.000 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an.
Chia sẻ với VnExpress, đại diện Shopee, Lazada khẳng định đã và đang cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan thuế định kỳ hàng quý. Họ cam kết sẽ duy trì việc này một cách minh bạch, đúng trình tự.
Tương tự, đại diện TikTok Việt Nam đánh giá thu thuế trên các sàn thương mại điện tử có đăng ký, được cấp phép chặt chẽ hơn so với không qua sàn như các hội nhóm, mạng xã hội. Bởi, cá nhân hoặc tổ chức doanh nghiệp khi tham gia giao dịch trên nền tảng này đều được yêu cầu cung cấp các thông tin, hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân.
Qua nhà mạng, các sàn thương mại điện tử, cơ quan thuế định danh được người bán hàng, doanh thu thực hiện qua nền tảng. Bước đầu, theo Tổng cục Thuế, qua rà soát, tuyên truyền, một số cá nhân có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ livestream bán hàng đã tự giác đăng ký, kê khai và nộp thuế tới hàng tỷ đồng.
Để tăng hiệu quả của kênh này, Bộ Tài chính mới đây đề xuất chủ sở hữu sàn phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên đó.
Bình luận về đề xuất này, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty tư vấn thuế Trọng Tín, nói các sàn nắm được đầy đủ thông tin về người mua, giao dịch bán hàng thành công, doanh thu, chi phí của các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ. "Đây là cơ sở để họ có thể làm thay người bán hàng", ông nói, cho rằng quá trình này sẽ giúp giảm chi phí tuân thủ thuế của hộ, cá nhân kinh doanh khi họ ủy quyền cho sàn kê khai, nộp thuế thay.
Nhân viên tại một shop thanh lý đồ hiệu đang livestream bán hàng qua nền tảng Facebook. Ảnh: Phương Dung
Xác định dòng tiền, thu nhập qua ngân hàng có thể là cách thứ ba để cơ quan thuế tránh thất thu từ những cá nhân kinh doanh online không qua sàn thường sử dụng các chiêu như xóa bài sau khi livestream, chốt đơn qua inbox, nhận chuyển khoản không ghi rõ nội dung, thanh toán bằng tiền mặt.
Với các trường hợp không tự giác kê khai này, cơ quan thuế có thể phối hợp với ngân hàng để xác định dòng tiền, thu nhập. Sau đó, họ mời những cá nhân này lên làm việc trực tiếp để hướng dẫn, xử lý.
Hiện, Bộ Tài chính nắm thông tin từ 144 triệu tài khoản thanh toán, tăng hơn 20 triệu so với cuối tháng 4. Trong đó, khoảng 10 triệu tài khoản của tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân tại 96 của ngân hàng.
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đối chiếu với ngân hàng sẽ thu được nguồn thuế rất lớn, nhất là với livestream, bán hàng qua mạng xã hội. Song, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, dữ liệu về tài khoản thanh toán của người nộp thuế là các thông tin nhạy cảm.
"Việc xử lý, tổng hợp cẩn thận, đáp ứng quy định về bảo vệ bí mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân", bà Hồng nói, thêm rằng Bộ Tài chính cần có hướng dẫn chuẩn hóa về dữ liệu, phương thức kết nối, chia sẻ thông tin để chống thất thu thuế nhưng vẫn bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ngoài ra, đối soát với bên vận chuyển, bưu chính cũng là phương án được giới chuyên môn nhiều lần nhắc tới.
Theo ông Nguyễn Văn Được, tình trạng khi bán hàng thu tiền mặt qua chuyển phát của hệ thống bưu điện hoặc shipper khó thu đủ thuế. Bởi, nhiều trường hợp việc khó truy vết thành công do chưa đủ cơ sở để chứng minh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ thành công, phát sinh nghĩa vụ thuế.
Đa phần các giao dịch này là cung cấp cho người tiêu dùng trực tiếp không có nhu cầu lấy hóa đơn. Qua đó, người bán có động cơ và cơ hội để gian lận thuế, nhất là với trường hợp thu tiền mặt qua chuyển phát bưu điện hoặc shipper, vì họ cho rằng cơ quan thuế sẽ khó phát hiện được gian lận.
Từ đó, ông cho rằng ngành thuế cần phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để quản lý, thu nộp thuế. "Tùy từng điều kiện cụ thể, cơ quan thuế có thể làm việc với bên viễn thông, các bưu điện, công ty giao hàng để trao đổi, cung cấp các thông tin về vận đơn", ông đề xuất.
Đồng thời, cơ quan thuế cần bổ sung các quy định về trao đổi, cung cấp thông tin nêu trên tương tự các sàn thương mại điện tử. "Đây sẽ là mảnh ghép quan trọng trong tổng thể bức tranh quản lý thuế, chống thất thu thuế với thương mại điện tử", ông nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 64/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024.