2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam trước dịch Corona

Trong bối cảnh nông, lâm, thủy sản vẫn nhắm đến Trung Quốc như một thị trường lớn, chúng ta cần theo dõi sát ngay từ bây giờ các biện pháp mà Trung Quốc sẽ áp dụng.

Bộ KH&ĐT ngay từ đầu tháng 2 đã chủ động đánh giá sơ bộ tác động của dịch Corona đối với kinh tế - xã hội. Có hai kịch bản tăng trưởng đã được đưa ra và kèm theo đó là những giải pháp bảo đảm tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương (ảnh) nhấn mạnh: “Trong mọi tình huống, Chính phủ luôn sẵn sàng các giải pháp để ứng phó. Bộ KH&ĐT trong báo cáo gửi Chính phủ cũng đã kiến nghị hai nhóm giải pháp”.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Có thể nói từ đầu tháng 2-2020 đến nay, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp. Xin Thứ trưởng khái quát những giải pháp chủ yếu, có tác động bảo đảm tăng trưởng ở mức cao nhất có thể?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Chúng ta thấy ngay từ đầu, các bộ, ngành đã triển khai các giải pháp rất đồng bộ, từ y tế đến nông nghiệp, thông tin, tài chính, công thương, giáo dục… Những hoạt động về y tế có thể được chú ý nhiều hơn vì liên quan chặt chẽ đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, những vấn đề về kiểm soát, bình ổn giá hay các biện pháp kinh tế. Đơn cử như việc Bộ Tài chính mới đây quyết định miễn thuế nhập khẩu cho khẩu trang, nước rửa tay sát trùng, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch… Đây là những hành động nhắm đến mục tiêu kép, tức là vừa phục vụ công tác phòng, chống dịch, vừa góp phần hỗ trợ cho sản xuất và phát triển.

Đến nay, chúng ta chưa thể đoán định được khi nào thì dịch bệnh Corona sẽ chấm dứt. Nhưng chắc cũng đã phải sơ bộ đề ra các phương án, giải pháp bảo đảm phát triển kinh tế, thưa Thứ trưởng?

Để đánh giá chính xác các tác động của dịch bệnh Corona đến nền kinh tế thì chúng ta phải có những số liệu sát thực tế hơn. Tuy vậy, Bộ KH&ĐT đã chủ động bám sát, nắm bắt thông tin, phân tích, dự báo, báo cáo Chính phủ hai kịch bản dự kiến, tương ứng với dự báo dịch sẽ chấm dứt vào cuối quý I-2020 và cuối quý II-2020. Tuy nhiên, dù là kịch bản nào thì các giải pháp đều nhắm đến việc khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân ngay sau khi kết thúc dịch.

Chẳng hạn, đối với nông nghiệp cần phải có các giải pháp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thúc đẩy thị trường nội địa, đồng thời nghiên cứu cơ hội chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh các ngành hàng nông, lâm, thủy sản. Trong bối cảnh nông, lâm, thủy sản vẫn nhắm đến Trung Quốc như một thị trường lớn, chúng ta cần theo dõi sát ngay từ bây giờ các biện pháp mà Trung Quốc sẽ áp dụng.

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã khuyến khích các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất, cơ cấu lại nợ, cho vay mới… để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Đây là một trong những biện pháp có tính lâu dài.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT gửi Chính phủ cũng đề cập đến tình trạng thiếu lao động trong giai đoạn này. Vậy ông nghĩ cần có giải pháp gì vì lao động vẫn là lực lượng sản xuất quan trọng.

Chúng ta biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Corona, một số lượng lớn lao động cả trong nước và nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc, chưa thể quay lại làm việc. Hơn nữa, khi các lao động Trung Quốc quay lại Việt Nam làm việc trong các công ty Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất tại Việt Nam cũng chưa thể bắt tay vào làm việc ngay vì phải tuân theo quy định cách ly, theo dõi y tế để phòng dịch.

Bởi thế, Bộ KH&ĐT đã đề nghị giải pháp tận dụng lao động dôi dư trong các khu vực dịch vụ, du lịch cho các doanh nghiệp sản xuất đang thiếu hụt nhân công; tuyển chọn lao động phù hợp nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh;... góp phần bảo đảm cung cầu lao động, giảm thất nghiệp.

Khách du lịch từ các quốc gia khác đến Việt Nam giảm khá mạnh trong thời gian qua.  Trong ảnh: Các công ty du lịch phát khẩu trang miễn phí cho du khách. Ảnh: TÚ UYÊN

Khách du lịch từ các quốc gia khác đến Việt Nam giảm khá mạnh trong thời gian qua.  Trong ảnh: Các công ty du lịch phát khẩu trang miễn phí cho du khách. Ảnh: TÚ UYÊN

Nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế . Thưa Thứ trưởng, dịch bệnh Corona như Bộ KH&ĐT xác định sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng năm 2020 và có thể khó đạt được chỉ tiêu như Quốc hội giao. Vậy phải làm gì để giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới tăng trưởng?

Trong mọi tình huống, Chính phủ xác định rằng phải ổn định vĩ mô. Đó là điều kiện tiên quyết. Bởi chỉ khi kinh tế vĩ mô ổn định thì mới tạo được niềm tin vào nền kinh tế nơi các nhà đầu tư cũng như toàn dân.

Mặt khác, chúng ta cũng có thể giải quyết ngay các thủ tục hành chính, các vướng mắc khác có liên quan để có thể khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng, miền và ngành, lĩnh vực.

Nếu làm được việc này thì chúng ta còn có thể tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

Về lâu dài, có lẽ cần phải có những giải pháp nền tảng để nền kinh tế Việt Nam có sức đề kháng tốt hơn, phản ứng hiệu quả hơn đối với những diễn biến như bệnh dịch Corona lần này?

Đúng vậy, nhưng đây không phải là công việc một sớm một chiều. Chúng ta đã và đang tiếp tục có các giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu… bằng cả phương pháp chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm, thị trường.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Từ đó, nền kinh tế mới tăng được khả năng thích ứng, sức đề kháng trước các diễn biến khó lường trong thế giới hôm nay. Năng lực nội tại của nền kinh tế như Chính phủ xác định là điều kiện tiên quyết bảo đảm hội nhập quốc tế hiệu quả.

Bởi vậy, cá nhân tôi vẫn cho rằng đây là một trong những cơ hội để chúng ta nhìn nhận một cách tổng thể để tìm ra các giải pháp căn cơ hơn, lâu dài hơn cho nền kinh tế.Xin cám ơn Thứ trưởng.

Nhiều ông lớn cũng bị ảnh hưởng

Bộ KH&ĐT đã có đánh giá sơ bộ và đề ra hai kịch bản tác động của dịch Corona đối với kinh tế. Báo cáo nhận định mức độ tác động của dịch bệnh Corona đến kinh tế - xã hội được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường. Phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và lan tỏa lâu dài.

Trong đó, bộ này cho rằng những ngành như xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải... là những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong những ngành bị ảnh hưởng gián tiếp thì sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản được coi là ảnh hưởng nặng nề nhất.

Sản xuất công nghiệp có lẽ bị tác động nhiều nhất do ngành chế biến, chế tạo, những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT dẫn thông tin từ một số doanh nghiệp cho hay: LG thông tin nếu dịch Corona không được ngăn trong vòng hai tuần tới sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh. Hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan có thể giảm tới 50% doanh số của Samsung trong năm 2020.

Tương tự, Apple dự kiến tăng xuất khẩu ở Việt Nam 30% trong năm 2020. Tuy nhiên, sản lượng của Apple lại phụ thuộc vào các công ty gia công (OEM) như Samsung, Foxconn, LG… Do đó sản lượng của các công ty này giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Apple tại Việt Nam. 

Lương của bác sĩ - lực lượng chính đang ”chiến đấu” chống dịch Corona là bao nhiêu?

Liệu mức lương của nghề này có thật sự cao ngất ngưởng như chúng ta vẫn nghĩ?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Châu Luận ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN