19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước mất bao nhiêu vì COVID-19?

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước sụt giảm doanh thu, thua lỗ.

“Do tác động của dịch COVID-19, cuộc chiến tranh thương mại và giá dầu lửa giảm khiến một số doanh nghiệp phải chịu tác động kép. Dự kiến, doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 7/19 doanh nghiệp bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỉ đồng…”.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây gọi là Ủy ban) vừa báo cáo với Thủ tướng như trên về ảnh hưởng dịch COVID-19 tới 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc đơn vị.

Doanh thu lớn nhưng vẫn lỗ

Theo Ủy ban, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA) là đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất trong 19 tổng công ty, tập đoàn. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2020 doanh thu hợp nhất của VNA dù đạt 19.212 tỉ đồng, nhưng giảm 6.712 tỉ đồng so với cùng kỳ 2019, lỗ 2.383 tỉ đồng.

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu của VNA ước đạt 38.140 tỉ đồng, giảm 72.411 tỉ đồng so với kế hoạch 2020, ước lỗ 19.651 tỉ đồng.

VNA hiện triển khai dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì mức tối thiểu các đường bay nội địa. Ngay từ tháng 3-2020, VNA buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.

Vào đầu năm 2020, VNA có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỉ đồng, nhưng đến nay đã cạn kiệt. VNA đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Tuy nhiên, dư nợ vay ngắn hạn của VNA tính đến ngày 20-3 đã lên tới 3.568 tỉ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền của VNA dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm 2020.

“Với tình hình tài chính trong thời gian tới, nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho VNA và các công ty con vay, ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỉ đồng. Để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, VNA cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỉ đồng và phải bắt đầu giải ngân từ tháng 4-2020…”- Ủy ban cho hay.

Đứng thứ hai trong danh sách gặp khó khăn trên là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Cụ thể, trong quý 1/2020, doanh thu đơn vị ước đạt 28.449 tỉ đồng, giảm 1.706 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ 572 tỉ đồng. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu giảm 12.517 tỉ đồng, ước lỗ 1.143 tỉ đồng so với kế hoạch 2020, nộp ngân sách nhà nước dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỉ đồng so với kế hoạch 2020, nếu dịch kéo dài đến quý IV.

Theo Ủy ban, nguyên nhân trên là do Petrolimex có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Trong khi, quý 1/2020 giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex.

“Trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp, các hãng hàng không trong và ngoài nước sẽ tiếp tục tạm dừng các chuyến bay trong nước, quốc tế, nhu cầu vận tải đường thủy, đường bộ sụt giảm mạnh khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp. Trong khi xăng dự trữ tồn kho tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đến tình hình sản xuất kinh doanh của Petrolimex…”- Ủy ban dự báo.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng là cái tên tiếp theo gặp khó khăn khi 3 tháng đầu năm tổng doanh thu ước đạt 9.757 tỉ đồng, giảm 640 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2.019, ước lỗ 187 tỉ đồng. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu là 27.697 tỉ đồng, giảm khoảng 10.000 tỉ đồng, ước lỗ 4.379 tỉ đồng.

Nguyên nhân do Vinachem thiếu nguồn cung: “Nếu dịch bệnh kéo dài thì khả năng doanh nghiệp phải dừng sản xuất do không còn vật tư, nguyên vật liệu. Bên cạnh khó khăn trong sản xuất, Vinachem còn gặp khó trong việc đẩy mạnh xuất khẩu tới các quốc gia, vùng lãnh thổ do dịch bệnh…”- Ủy ban thông tin.

Tiếp đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải hành khách dự kiến 527,88 tỉ đồng, giảm 65 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ khoảng 100 tỉ đồng. Dự kiến cả năm 2020 công ty mẹ doanh thu giảm từ 700-1.000 tỉ đồng so với kế hoạch 2020 và lỗ từ 694-935 tỉ đồng.

Trong khi, quý 1/2020 giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex. Ảnh minh họa

Trong khi, quý 1/2020 giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex. Ảnh minh họa

Giúp doanh nghiệp tiếp cận gói 250.000 tỉ đồng

Với khó khăn trên, Ủy ban kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Công thương xem xét, phương án giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón, xăng dầu sản xuất trong nước để Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể xuất khẩu các sản phẩm này, giảm lượng hàng tồn kho, tăng nguồn vốn lưu động.

Bên cạnh đó, xem xét miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường các sản phẩm xăng, dầu trong năm 2020 cho doanh nghiệp vận tải như: VNA, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam...

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, đồng thời được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ.

“Ngoài ra, được tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh, doanh cho tập đoàn, tổng công ty”- Ủy ban kiến nghị.

Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban đề xuất sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỉ đồng. Thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động. “Riêng VNA cần được hỗ trợ 12.000 tỉ đồng, bắt đầu từ tháng 4-2020 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản cho doanh nghiệp…”- Ủy ban nhấn mạnh.

Ủy ban cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét phương án giảm thuế VAT, lùi thời hạn nộp thuế, miễn giảm khoản chậm nộp thuế, tiền thuê đất bị truy thu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản đóng góp ngân sách. Tiếp tục giảm 50% mức phải trích khấu hao tài sản cố định hàng năm đối với một số dự án yếu kém ngành công thương.

“Cho phép VNA không tính chi phí khấu hao đối với máy bay sở hữu và thuê tài chính trong thời gian dừng bay do dịch bệnh và điều chỉnh tăng thời gian khấu hao lên tương ứng. Không thực hiện phân bổ các chi phí chờ phân bổ gắn với đội bay trong thời gian máy bay dừng khai thác…”- Ủy ban nêu đề xuất.

Với Bộ GTVT, Ủy ban đề xuất phối hợp với Bộ Tài chính, xem xét giảm mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đối với VNR tương đương với 8% doanh thu vận tải. Ngoài ra giảm phí cất, hạ cánh, điều hành bay đối với hoạt động bay của VNA; kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển đối với doanh nghiệp vận tải biển...

Bộ KH&ĐT sớm hướng dẫn cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu với các dự án cấp bách sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước (theo phương án chỉ định thầu với điều kiện giảm 5% giá trị dự toán xây dựng) để đẩy nhanh tiến độ, giảm ách tắc nguồn vốn, nhất là các dự án ngành điện, hạ tầng hàng không…

“Bên cạnh đó, có chính sách khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển trong nước và nước ngoài, để doanh nghiệp thuộc Ủy ban có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, phục vụ tốt hơn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…”- Ủy ban đề xuất.

Dự báo doanh thu cả năm sụt giảm mạnh

Ủy ban cho rằng nếu cả năm 2020, dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỉ đồng so với kế hoạch. 8/19 tổng công ty bị thua lỗ, số tổng thua lỗ khoảng 26.324 tỉ đồng. Nộp ngân sách nhà nước giảm 32.836 tỉ đồng so với kế hoạch.

Trong đó, do tác động từ cuộc chiến thương mại, giảm giá dầu lửa, nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô có thể giảm khoảng từ 3.111 tỉ đồng đến 18.600 tỉ đồng, tùy theo mức độ phục hồi của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, việc giảm giá xăng, dầu (nguyên liệu chính của các doanh nghiệp vận tải, nhiệt điện khí...), đối với một số ngành lại là những thuận lợi để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ đầu ra, mang lại yếu tố tích cực cho nền kinh tế.

Giá vàng hôm nay 2/4: Mỹ hoảng loạn do Covid-19, vàng tăng mạnh rồi giảm nhanh

Giá vàng thế giới nhảy số “điên loạn“ khi các thị trường chứng khoán toàn cầu chịu sức ép mới trong bối cảnh lo ngại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VIẾT LONG ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN