1001 chiêu “bêu” xấu, uy hiếp để khủng bố con nợ tín dụng đen (kỳ 2)
Để đòi tiền, chủ nợ “chế” tin nhắn với hình ảnh con nợ đang cầm giấy chứng minh nhân dân, ghi rõ “đối tượng lừa đảo” gửi cho tất cả số điện thoại trong danh bạ điện thoại, thậm chí cả Zalo, Viber… của con nợ.
Người thân, bạn bè hay bất cứ ai liên quan đến người vay tiền đều nhận được thông điệp trên và hoảng hồn... với số nợ bị thổi phồng lên gấp hàng chục lần. Không ít người đã rơi vào bi kịch khi trót vay tiền trên các app (ứng dụng điện thoại - PV).
Bêu xấu con nợ
Điểm chung của không ít con nợ trót vay tiền của các app là để lấy tiền trả cho app này, họ phải tải app khác về để vay một khoản khác. Đến hạn trả nợ của áp thứ hai, họ tiếp tục đăng ký app thứ ba. Đến khi cả ba app cùng đến hạn thanh toán, không biết xoay xở tiền bằng cách nào, con nợ đành phải... bỏ trốn.
Chia sẻ với PV, anh Huỳnh Minh Ng. (quê tỉnh Vĩnh Long) cho biết anh đang vay tiền của gần 20 app (ứng dụng trên điện thoại - PV). “Do cần tiền làm ăn nên tôi làm thủ tục vay qua các app. Khi đến hạn trả cho app này, tôi tiếp tục tải app khác về và vay tiền của họ để trả cho app trước. Đến lúc gần 20 app này liên tục đòi nợ thì tôi mới hiểu rằng mình đang “đùa với lửa”. Mỗi ngày, có cả trăm cuộc điện thoại “giã” vào máy cầm tay của tôi khiến tôi hoảng hồn”.
Gọi điện là chiêu thức phổ biến nhất hiện nay của các chủ cho vay tiền qua app. Việc con nợ nhận cả trăm cuộc điện thoại/ngày như anh Ng. không phải là chuyện xưa nay hiếm.
Từ những tin nhắn nhẹ nhàng... đến công khai, những lời hăm doạ khiến nạn nhân hoảng hồn
“Khi đến hạn nhưng chưa thanh toán kịp, các đối tượng chủ nợ hoặc đòi nợ thuê liên tục thúc giục và dùng rất nhiều số điện thoại khác nhau, gọi ép con nợ. Nếu có bức xúc hay có gì thắc mắc, muốn gọi lại cho các thuê bao này cũng không gọi được”, anh Trần Minh T., một người đang vay tiền của một số app ngậm ngùi nói với PV như vậy.
PV đã tìm đến các công ty như Cổ phần Tư vấn Tài chính LGC (quản lý app DoctorDong) tại 27B Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1; Công ty TNHH Vietnam Trusting Ai (quản lý app Vdong) ở tầng 2, 8, toà nhà Profomilk 51 – 53 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3; Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Luckysky (quản lý app Ucash) tại 22/26 đường số 3, cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3... để tìm hiểu “phương thức hoạt động” của họ cũng như các chiêu trò mà họ đã và đang áp dụng với các con nợ. Điểm chung của các công ty này là văn phòng được bố trí rất cẩn mật, người ngoài rất khó xâm nhập nếu không được sự đồng ý của công ty.
Qua khe cửa hẹp, PV quan sát thấy bên trong các “văn phòng công ty” này có hàng trăm nhân viên, độ tuổi còn rất trẻ. Mỗi người “ôm” 1 chiếc điện thoại, nói liên tục. Trong số đó, có bao nhiêu người đang “truy” con nợ?
Nếu việc đòi nợ qua điện thoại không hiệu quả, các chủ app chuyển sang “tra tấn” kiểu khác, khiến con nợ “đứng ngồi không yên”. Chiêu độc mà các chủ nợ thường dùng là soạn tin nhắn với nội dung con nợ là “đối tượng lừa đảo” và kèm theo ảnh con nợ rồi gửi cho tất cả số điện thoại trong danh bạ của con nợ, kể cả các trang mạng xã hội như Zalo, Viber... để “bêu xấu” con nợ. Chị Nguyễn Thị Thanh V. (ngụ tỉnh Kiên Giang) có vay tiền của một số app khi chưa có tiền trả nợ thì bạn bè, người thân của chị nhận được những tin nhắn với lời lẽ “sỉ nhục” khiến chị vô cùng xấu hổ và uất ức.
Cụ thể, tin nhắn ghi rõ: “Đối tượng lừa đảo Nguyễn Thị Thanh V., số điện thoại đã sử dụng ứng dụng vay mượn tiền để vay tiền và đang có dấu hiệu trốn nợ khoản vay có 2.553.000 đồng. Số tiền có nhiều đâu mà trốn nợ, trốn trách nhiệm. Có vay có trả. Đàn bà con gái mặt mũi không đến nỗi nào, 22 tuổi đầu mà đi vay nợ lại trốn nợ, giở đủ mọi thủ đoạn để trốn nợ... Mọi người cẩn thận với con người này nha”...
Để con nợ sợ, xấu hổ mà trả tiền, các chủ nợ còn nói rõ: “Chị V. có thể bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hiện tại, chị V. cần thanh toán ngay số tiền 2.553.000 đồng trong ngày hôm nay. Anh chị nào quen chị V. thì nhắc nhở chị ấy giúp em ạ”.
Tương tự, chị Nh. (ngụ TP.HCM) cũng vay tiền qua app đã bị chụp hình và gửi cho nhiều người trong danh bạ điện thoại. “Nếu như người tên “Chiến Chùa” nhắn tin lịch sự như: “Anh bên Ucash đây, mau mau ra thanh toán. Dân Bình Thạnh phải không?” thì một số đối tượng “côn đồ” hơn khi nhắn: “Con súc vật, giẻ rách nhà mày. Bảo con mẹ mày nghe máy cho tao tâm sự tí”, chị Nh. sợ hãi kể lại.
Ngoài việc “khủng bố” bằng cách “nã điện thoại” cho gia đình, người thân để hù dọa, một trường hợp còn bị ghép ảnh và bêu xấu trên mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook.
“Người nhà, bạn bè của tôi tuy không vay mượn nhưng cũng bị ghép ảnh và bị bêu xấu trên mạng xã hội. Sở dĩ họ có được ảnh là khi tải app về, tôi phải cho họ quyền truy cập vào kho ảnh, định vị, danh bạ...”, một người vay bức xúc cho biết.
Trước hàng trăm cuộc gọi/ngày và với những lời chửi rủa không thương tiếc, nhiều người đã không dám nghe điện thoại, thậm chí phải bỏ sim.
Phạt tiền theo kiểu hù dọa
Nếu hành động gửi tin nhắn mà việc đòi nợ vẫn không hiệu quả, các đối tượng thu nợ sẽ “bày trò” bán khoản nợ cho “bên thứ ba”. Nói là “bên thứ ba” nhưng thực chất đây là những “râu ria”, “tay chân” của các công ty chuyên cho vay qua app di động. PV Người Đưa Tin sẽ đề cập kỹ hơn “vai trò” của “bên thứ ba” này ở bài viết sau.
Các công ty này luôn trong tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập"
Khi sang “bên thứ ba”, số tiền sẽ không được tính theo bất cứ một quy định hay mức lãi suất nào mà do bản thân người đòi nợ tự... hét giá. Những con nợ nào “yếu bóng vía” sẽ phải chấp nhận trả số nợ đó. Chị Nh. vay của Ucash (ứng dụng của công ty Luckysky) 4 triệu đồng, đến hạn thanh toán, chị phải trả 5.690.000 đồng. Do trả chậm 28 ngày, chị nhận được thông báo khoản nợ đã biến thành 11 triệu đồng?!
Tương tự, anh Nguyễn Thanh T. cũng cho biết: “Số tiền tôi thực vay của Doctor Dong (thuộc công ty LC) chỉ là 2,5 triệu đồng, do trả trễ nên số tiền đã lên tới 4.650.000 đồng”. “Thế nhưng khi bị “đẩy” qua bên thứ ba thì số tiền của tôi đã lên đến 10 triệu đồng. Sau khi hù dọa, người này thông báo số tiền trên là tiền phạt do chậm trả. Tôi nói bị bệnh phải nhập viện nhưng họ không tin, cho rằng tôi nói láo nên phải phạt”, anh T. nói trong bức xúc.
Một chiêu thức khác mà các đối tượng thu nợ thường dùng là thổi phồng số nợ với gia đình và người thân của con nợ. “Do em chưa có tiền để thanh toán đúng hạn nên bị họ gọi điện về nhà. Thực tế, số tiền em phải trả là hơn 3 triệu nhưng họ lại thông báo với người thân của em là... 40 triệu đồng. Ba bị bệnh tim nên nếu có mệnh hệ gì thì em không biết ăn nói thế nào với gia đình”, anh Trần Minh T. (ngụ quận 9, TP.HCM) cho biết.
Một người trót vay tiền qua app tên là S. cũng cho biết: “Tôi có vay của Idong (ứng dụng của công ty TNHH Thương mại 360 Việt Nam, địa chỉ tại toà nhà CMT, số 299 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) 1 triệu đồng. Đến hẹn trả nhưng tôi chưa có lương nên xin khất. Một mặt, họ bảo tôi nộp phạt, mặt khác, họ nói với bố tôi rằng tôi đang vay nợ xã hội đen 100 triệu và nếu tôi không trả tiền, họ sẵn sàng lấy mạng của tôi bất cứ lúc nào. Nghe vậy, bố tôi đã phải nhập viện cấp cứu”.
Cũng vì nợ tiền mà quán cơm của gia đình chị Bích H. (ngụ tỉnh Đắk Lắk) bị phá tan hoang. “Tháng trước em có vay của Ucash 5 triệu đồng, ngày 4/3, em phải trả là 6.771.000 đồng. Sau khi em chậm trễ 8 ngày, họ gọi điện liên tục chửi em và mẹ em, sau đó, nhắn tin hăm dọa. Ngay cả khi em thanh toán được 5,8 triệu đồng rồi họ vẫn gọi chửi bới và đến phá quán cơm của gia đình. Chưa hết, họ còn đưa hình ảnh ba mẹ em lên mạng và nhắn với mọi người rằng “đẹp đôi quá, gia đình giựt nợ” khiến em hết sức đau lòng”.
(Còn nữa)
Theo điều tra của PV, hiện nay có rất nhiều trang web, xây dựng hàng trăm app (ứng dụng) để cho người dùng tải về và vay...