Về quê khởi nghiệp, 8X Hà Tĩnh còn giúp hàng chục hộ dân có thu nhập cao

Với số vốn 150 triệu đồng khi bắt đầu khởi nghiệp, anh Trần Xuân Loát và chị Trần Huyền Ân không chỉ tạo ra thu nhập ổn định cho bản thân, anh chị còn giúp nhiều người dân xung quanh có thêm nguồn thu nhập cao.

Anh Trần Xuân Loát sinh năm 1987 tại Hà Tĩnh, vợ anh là chị Trần Huyền Ân sinh năm 1991 tại Phú Yên. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, anh đã không theo con đường đã học mà quyết định về quê Hương Khê – Hà Tĩnh để khởi nghiệp.

Anh Loát kể khi quyết định về quê khởi nghiệp anh chị đã phải đối mặt với nhiều ánh mắt dò xét của những người dân xung quanh. Trước những lời dị nghị, anh chị càng quyết tâm khẳng định quyết định “bỏ phố về quê” của mình không phải là lựa chọn viển vông hay sai lầm.

Anh Loát vài chị Ân về quê khởi nghiệp với số vốn chỉ 150 triệu đồng

Anh Loát vài chị Ân về quê khởi nghiệp với số vốn chỉ 150 triệu đồng

Do đó, ngay từ đầu, anh chị đã xác định sẽ phát triển giống bưởi Phúc Trạch tại địa phương là cây trồng chủ lực với số vốn 150 triệu đồng. Do vốn không nhiều, nên thời gian đầu anh chị trồng 100 gốc bưởi, sau 3 năm mở rộng diện tích trồng giống bưởi này lên 1ha với 400 gốc. Ngoài vườn bưởi, trang trại của anh chị còn trồng 0,5 ha cây dó trầm, 200 gốc Cam khe mây (mới trồng 1 năm).

Trong thời gian đầu về khởi nghiệp với giống bưởi quê hương, để có thêm nguồn thu nhập, anh chị còn chăn nuôi gà, lợn, bò, vịt, ong,... nhưng vì chưa có kinh nghiệm trong việc chọn con giống, chưa nắm vững kỹ thuật chăn nuôi nên các loại vật nuôi liên tục hao hụt và chết vì dịch bệnh. Cùng với đó là khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm khiến gia đình bị mất vốn và âm nợ.

Không chấp nhận thất bại, anh chị đã đọc thêm sách vở về chăn nuôi, chăm bón cây ăn quả. Và trong những lần đọc tài liệu trên internet, anh chị phát hiện ra thị trường mua bán, trao đổi hàng hóa trên các trang thương mại điện tử rất sôi động. Tận dụng ưu thế này, anh đã từng bước quảng bá sản phẩm bưởi Phúc Trạch của quê hương đến người tiêu dùng cả nước. Nhờ cách làm độc đáo và riêng biệt đó mà trong năm 2015, anh đã bán được hết số bưởi trong vườn nhà mình.

Từ số tiền thu được mùa vụ 2015, anh chị tiếp tục tái đầu tư vào trang trại. Anh Loát cho biết sang năm 2016, ngày càng có nhiều khách hàng đặt hàng số lượng lớn, khiến số bưởi trong vườn gia đình trồng không đủ để cung cấp. Để đáp ứng những đơn hàng, anh chị bắt đầu chọn thu mua của những vườn bưởi trong vùng đạt chất lượng để cung cấp cho khách.

Chị Trần Huyền Ân cũng cất bằng đại học theo chồng trở thành một nông dân chăm giống bưởi đặc sản

Chị Trần Huyền Ân cũng cất bằng đại học theo chồng trở thành một nông dân chăm giống bưởi đặc sản

Trong quãng thời gian từ năm 2017 – 2020, sản phẩm bưởi Phúc Trạch ngày càng được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng và đón nhận trên thị trường. Ngay từ năm 2018, với mong muốn tạo ra những trái bưởi Phúc Trạch ngon nhất với phương thức canh tác bền vững, anh chị đã chuyển đổi trang trại của mình sang trồng bưởi theo hướng sinh thái, không lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.  

Những cây bưởi của trang trại được bón bằng phân hữu cơ, phân vi sinh tự ủ. Anh chị tự làm phân bón từ ốc bươu vàng,... thuốc trừ sâu sinh học làm từ gừng, ớt, riềng, sả,... Dù mỗi trái bưởi trồng theo hướng sinh thái có giá lên tới 90.000đ, nhưng trong suốt 2 năm liền số bưởi cung cấp ra thị trường đều không đủ số lượng đáp ứng nhu cầu của khách.

Ngoài tiêu thụ sản phẩm từ trang trại của gia đình, anh Loát đã liên kết với 30 nhà vườn khác trong huyện trồng bưởi theo hướng an toàn giúp những người dân nơi đây từng bước xây dựng được thương hiệu riêng. Đến nay, những trái bưởi Phúc Trạch phần lớn được phân phối qua những cửa hàng trái cây, hoa quả sạch ở các thành phố lớn.

Trong năm 2019, anh chị cung cấp ra thị trường tới 45.000 trái bưởi. Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến kinh tế nhiều hộ gia đình, anh chị cũng chủ động giảm giá bán mỗi trái bưởi sinh thái của mình xuống còn 70.000đ để người dân dễ dàng tiếp cận.

Không chỉ tạo ra nguồn thu ổn định cho gia đình, anh chị còn giúp nhiều người nông dân trong vùng bán được nông sản với giá cao

Không chỉ tạo ra nguồn thu ổn định cho gia đình, anh chị còn giúp nhiều người nông dân trong vùng bán được nông sản với giá cao

Ngoài trồng bưởi, từ năm 2016 chàng trai trẻ còn tận dụng trang trại rộng lớn của mình để nuôi ong mật. Anh Loát chia sẻ, bản thân đã trải qua 3 lần thất bại nhưng hai vợ chồng quyết không bỏ cuộc, anh chị tiếp tục vay thêm vốn để mua 20 đàn ong giống.

Bên cạnh đó, anh cũng dành nhiều thời gian đi học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước trong khu vực trong việc phát triển đàn ong và tham gia thành lập hợp tác xã nuôi ong tại địa phương. Hiện mỗi năm gia đình anh cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 lít mật, với giá bán 200.000đ/lít. Trong năm 2020, sản phẩm mật ong của HTX anh tham gia thành lập cũng đã được được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Hà Tĩnh.

Được xem là một trong những tỷ phú tự thân trẻ của huyện Phúc Trạch nhưng anh Loát vẫn rất khiêm tốn khi nói về những thành quả của gia đình đạt được trong thời gian qua. Chàng trai trẻ bày tỏ mong muốn lan tỏa cách trồng bưởi theo hướng sinh thái và bền vững cho cả vùng. Làm như vậy, không những sẽ bảo vệ được môi trường, mà còn nâng cao chất lượng và giá trị của mỗi trái bưởi của địa phương.

Anh cũng chia sẻ trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn rất nhiều tiềm năng để làm giàu. Hiện nay, việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững, một nền nông nghiệp xanh được xem là hướng đi đầy tiềm năng. Bởi điều này không chỉ giúp người tiêu dùng được sử dụng và tận hưởng những nguồn thực phẩm sạch và an toàn. Nó còn giúp những người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị vật nuôi và cây trồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Làm osin tháng kiếm trăm triệu đồng, được tặng Mercedes-Benz

Công việc này tuy vất vả nhưng mức lương lại khá hậu hĩnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN