Về quê bắt tôm, làm du lịch, chàng trai 9x kiếm cả trăm triệu/tháng
Là một kiến trúc sư, nhưng chàng trai trẻ Phạm Xuân Thành đã quyết định rời TP HCM để về quê nhà Cà Mau khởi nghiệp. Sau những khó khăn bước đầu, đến nay anh đang có doanh thu cả trăm triệu đồng/tháng từ mô hình của mình.
Anh Phạm Xuân Thành sinh năm 1991, tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP HCM và từng có quãng thời gian đi làm theo chuyên môn đã học với dự định lập nghiệp tại TP HCM. Tuy nhiên, khi bố mẹ có ý định bán đi hoặc cho thuê 9 ha đất rừng ngập mặn vì tuổi đã lớn, chàng trai trẻ đã quyết định rời phố thị phồn hoa để về quê khởi nghiệp vào tháng 9/2016.
Anh Phạm Xuân Thành đã bỏ phố thị phồn hoa để về quê khởi nghiệp với đặc sản quê hương
Chia sẻ về quyết định của mình, anh cho biết bản thân thấy tiếc nếu mảnh đất này bị mất đi trong khi dân thành phố đang cần những sản phẩm gia đình đang có bao gồm sản phẩm tôm sạch và một điểm du lịch sinh thái.
Với con tôm rừng ngập mặn, mỗi tháng người dân chỉ đánh bắt 2 lần theo con nước triều cường (vào quãng rằm và mùng 1), sản lượng không nhiều nhưng có giá trị cao. Đây là dòng nguyên liệu chất lượng cao được thu gom để cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Đó là lý do thị trường nội địa, người tiêu dùng gần như không biết đến dòng sản phẩm này.
Cựu kiến trúc sư chia sẻ, trong những ngày đầu khởi nghiệp khi chưa tìm được thị trường và không biết bán hàng như thế nào, Thành đem những con tôm rừng ngập mặn ở quê mình giới thiệu tại TPHCM.
Thành tự nhận anh may mắn vì bán được những sản phẩm đầu tiên, tìm được thị trường và đặc biệt là gặp được những người tốt, hỗ trợ và giúp đỡ trong những ngày đầu gian khó. Dần dần, Thành cho ra đời bao bì thương hiệu sản phẩm.
Anh cũng tiết lộ, doanh thu trung bình mỗi tháng của anh thời gian qua khoảng 100 triệu đồng. Những sản phẩm từ con tôm rừng của anh đã có mặt ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… thông qua các kênh phân phối như cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị… kênh bán hàng trực tuyến.
Sau 4 năm, những sản phẩm từ con tôm rừng của anh đã được nhiều người biết đến
Cùng với đó, anh cũng quyết định mở thêm tour du lịch về vùng đất Mũi để khách hàng biết đến con tôm vùng ngập mặn nhiều hơn.
Anh chia sẻ, khi bắt đầu làm du lịch thì bản thân chưa có homestay, chỉ là dẫn bạn bè đi chơi, rồi dần dần nhận thấy mô hình này có thể đầu tư và phát triển nhiều hơn nên cuối năm 2018 anh bắt đầu đầu tư thêm homestay và đón khách.
Chàng cựu kỹ sư thừa nhận, ở đây không phải thuộc khu du lịch nào hoặc nằm trên một tuyến du lịch, do đó việc kiếm khách du lịch và tiếp cận được nguồn khách du lịch trong thời gian đầu là khá khó. Phần lớn các khách đến đây đều là bạn bè hoặc khách hàng mua tôm rừng và họ muốn tìm hiểu về mô hình này.
“Công việc nào cũng có thuận lợi và khó khăn. Tuy nhiên, bản thân tôi nhìn lại thì thấy mình may mắn. Khó khăn có nhưng đó cũng là may mắn, vì mình may mắn có… khó khăn để có những trải nghiệm khi vượt qua nó. Trong đó, điều may mắn lớn nhất mà tôi có được là gia đình, gia đình luôn ủng hộ và hỗ trợ tôi rất nhiều cho công việc hiện tại”, Thành chia sẻ.
Anh cũng cho biết, ngay từ khi xác định làm thêm về du lịch đã xác định mô hình luôn gắn liền với hệ sinh thái nên luôn quan tâm đến sinh thái, đây là vấn đề ưu tiên. Do đó, lượng khách đến đây anh không nhận nhiều, bởi số lượng nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường, khách đến thông thường phải liên hệ trước.
Khách đến đây cũng phải quan tâm đến các vấn đề sinh thái như việc xả rác và thu gom rác, những loại rác vô cơ như chai nhựa hay túi nilong thường khách mang đến sẽ phải tự mang đi vì ở đây không có thể xử lý được.
Anh Thành chia sẻ, đến homestay là phải được trải nghiệm và hiểu về cuộc sống của người dân địa phương. Do đó anh luôn nỗ lực mang đến cho khách hàng là sự trải nghiệm về cuộc sống ở địa phương, sống với người dân, sinh hoạt cùng người dân và mọi người đến đây chơi như người thân trong gia đình chứ không phải là khách nữa.
Những sản phẩm từ tôm của anh được mang đi giới thiệu tại nhiều hội chợ, chương trình kết nối khởi nghiệp
Trong năm 2020, do những tác động của dịch Covid-19 nên homestay không nhận khách từ đầu năm. Chàng trai trẻ dành quãng thời gian đó để sửa chữa lại các cơ sở vật chất, để nhìn lại bản thân, học hỏi và phát triển bản thân nhiều hơn để sau đó phát triển công việc của mình tốt hơn.
Hiện giá nghỉ một đêm tại homestay của anh là 750.000đ/1 ngày 1 đêm/người, gói nghỉ dưỡng 2 ngày 1 đêm/người có giá 950.000đ. Những ngày tiếp theo là 450,000/1 ngày 1 đêm/người.
Thành chia sẻ: “Khi mình phát triển được mình thì mới có thể phát triển được doanh nghiệp của mình. Tôi còn trẻ, còn nhiều điều phải học. Mơ lớn thì ai cũng mơ, nhưng cũng phải thực tế, mà cái thực tế trước hết là phải đi học”.
Anh cũng cho biết, bốn năm vừa qua đã học hỏi được rất nhiều thứ và thấy bản thân mình không còn bị giới hạn trong một khuôn khổ nhất định như trước đây nữa. Bản thân vượt qua được những rào cản của chính mình để tự giải phóng bản thân.
Nguồn: [Link nguồn]
Đã từng làm phóng viên của một tờ báo, suốt 4 năm rong ruổi viết phóng sự, thế nhưng, Nguyễn Huy Ba lại bỏ phố về...