Vay 60 triệu để khởi nghiệp, 9x thu về 1,5 tỷ đồng sau 3 năm
“Khi bỏ công việc văn phòng được coi là ổn định để về quê khởi nghiệp, cả nhà tôi không một ai đồng ý. Cùng với đó, bỏ tiền mua hơn 1 tấn nguyên liệu nhưng lại liên tục gặp thất bại và làm đi làm lại rất nhiều lần, đã có lúc tôi rất chán nản và nghĩ đến 2 chữ “bỏ cuộc””.
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1992), trú tại xã Ea Kly, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk về quyết định về quê khởi nghiệp của mình.
Anh Sơn cho biết, quê anh ở miền Trung, thời tiết khắc nghiệt, mùa khô thì hạn hán, mùa mưa thì lũ lụt liên miên. Vì thế, năm 1982, bố mẹ anh quyết định rời quê hương lên Tây Nguyên với ước mong làm giàu từ nông nghiệp.
Tuy nhiên, làm nông nghiệp mãi vẫn chỉ đủ ăn, không giàu lên được nên từ nhỏ, anh Sơn đã được bố mẹ định hướng phải cố gắng học để thoát khỏi cảnh làm nông.
“Tốt nghiệp Cao học ngành Tài chính nhưng ra trường gắn bó với công việc công sở, sáng đi, tối về, cuối tháng nhận lương vỏn vẹn 3-4 triệu đồng/tháng”, anh Sơn kể.
Không hài lòng với công việc văn phòng nhàm chán, anh Sơn đã quyết định bỏ việc về quê khởi nghiệp trước sự phản đối của gia đình.
Không muốn lặp đi lặp lại công việc nhàm chán, sáng đi tối về với mức lương ít ỏi, cộng với việc thấy nhiều nông sản tại địa phương có chất lượng tốt nhưng luôn gặp cảnh được mùa mất giá, vì vậy anh đã nộp đơn xin nghỉ việc vào giữa năm 2018, mặc kệ sự phản đối của gia đình.
Qua thời gian tìm hiểu, anh Sơn nhận thấy cây mãng cầu là loại cây rất phù hợp với vùng đất đỏ bazan Đắk Lắk nên được người dân trồng rất nhiều. Tuy nhiên khi đến mùa thu hoạch, người dân chỉ bán được với giá 3.000-4.000 đồng/kg.
Thậm chí đến mùa mưa, thương lái còn không tới mua. Quả chín rụng đầy vườn, người dân bỏ thối hoặc nhặt về mang cho vật nuôi trong nhà ăn. Nhiều nhà vườn còn chặt bỏ, trồng các loại cây khác thay thế.
Qua nghiên cứu tài liệu, anh Sơn biết được quả mãng cầu vừa là loại cây ăn trái rất thơm ngon vừa là một loại dược liệu quý, rất tốt cho sức khoẻ được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Vì vậy, anh quyết tâm khởi nghiệp với cây mãng cầu.
“Từ nhỏ, tôi đã được uống trà mãng cầu do bố mẹ sao bằng chảo, hãm như trà truyền thống, uống rất ngon nhưng lại chưa có một doanh nghiệp nào làm thương mại với loại trà này. Vì vậy, tôi quyết tâm thử sức mình với trà mãng cầu”, anh Sơn cho hay.
Anh Sơn đã thử sức với sản phẩm trà làm từ quả mãng cầu nhằm nâng cao giá trị của nông sản địa phương.
Vì là tay ngang vào ngành sản xuất nên anh Sơn đã tốn rất nhiều thời gian tìm hiểu, thử nghiệm. Hơn 2 tháng, anh cặm cụi với hàng tấn nguyên liệu tươi, tự tay sơ chế, sao bằng chảo rồi tìm cách bảo quản để đưa ra công thức chuẩn nhất vào sản xuất.
Khi thì chọn nguyên liệu chưa đúng, chưa đủ tuổi để làm trà; khi thì sao chưa đủ nhiệt độ, nhiều khi còn bị cháy; khi ra thành phẩm lại chưa biết cách bảo quản phù hợp… Thất bại nhiều lần khiến anh nản chí và từng nghĩ đến hai chữ “bỏ cuộc”.
“Thời gian làm công ăn lương hầu như tôi không tích luỹ được đồng nào. Tay trắng khởi nghiệp, tôi phải vay mượn anh em, bạn bè để có tiền. Hơn 2 tháng thử nghiệm, 60 triệu đồng vay được cũng tiêu tan hết với hơn 1 tấn nguyên liệu phải đổ bỏ vì làm sai công thức”, anh Sơn nói.
Thất bại liên tiếp, phải đổ bỏ hơn 1 tấn nguyên liệu khiến anh Sơn rơi vào chán nản nhưng lại tìm cách đứng dậy bằng nghị lực của mình.
Thất bại nhiều lần trong quá trình tìm ra công thức chuẩn trong việc sản xuất trà mãng cầu, lại không nhận được sự ủng hộ của gia đình đã khiến anh Sơn không khỏi chán nản.
Không chịu bỏ cuộc, để lấy lại tinh thần, anh Sơn đi tìm đọc những cuốn sách hay và những video của những người nổi tiếng truyền cảm hứng về hành trình khởi nghiệp và tiếp tục làm tiếp.
Dần dần, sau 2 tháng, sản phẩm trà mãng cầu cũng được ra đời với công thức chuẩn nhất từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, đến bước đi bán hàng anh Sơn lại gặp rất nhiều khó khăn vì sản phẩm còn mới lạ, nhiều người còn chưa biết đến trái mãng cầu.
Vì thế, anh Sơn phải mang từng gói trà, đi từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam để tự đi tìm khách hàng. Đồng thời tham gia các chương trình hội chợ, các phiên chợ vùng miền để giới thiệu sản phẩm, pha thử cho khách hàng uống hoặc tặng cho khách dùng thử để tiếp cận những khách hàng đầu tiên.
“Thời gian đầu tôi cũng nản lắm nhưng nhờ nhận được những phản hồi tích cực của người tiêu dùng nên lại có thêm động lực làm tiếp”, anh Sơn bày tỏ.
Nhờ sự cố gắng, nỗ lực của mình, sản phẩm trà mãng cầu của anh Sơn ngày càng được nhiều người biết đến. Năm 2018, anh Sơn đã đạt giải 3 trong cuộc thi về khởi nghiệp của tỉnh Đắk Lắk và được địa phương hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn.
Từ việc sao trà thủ công bằng chảo gang, khi có lợi nhuận, anh Sơn đã đầu tư thêm tiền để xây dựng nhà xưởng, mua thêm máy móc phục vụ sản xuất.
Từ việc sao trà bằng chảo gang, anh Sơn đã sở hữu xưởng sản xuất tiêu chuẩn quốc tế tại Đắk Lắk.
Đến nay, anh Sơn đã sở hữu nhà xưởng rộng 200m2 với các loại máy móc hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000 và HACCP, tạo công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương. Công ty anh cũng kí hợp đồng bao tiêu đầu ra cho các nhà vườn với giá 13.000 đồng/kg mãng cầu tươi.
Sản phẩm trà mãng cầu của anh cũng đã có mặt ở hầu hết các cửa hàng, siêu thị của các tỉnh trên toàn quốc và được bán trên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, trà mãng cầu còn được kí hợp đồng và xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Với giá 110.000 đồng/hộp trà mãng cầu 100g, trung bình mỗi năm công ty anh bán ra thị trường hàng chục nghìn hộp, mang về doanh thu trên 1,5 tỷ đồng.
Dự kiến, trong thời gian tới, anh Sơn tiếp tục nghiên cứu để làm thêm một số sản phẩm từ mãng cầu như mãng cầu sấy dẻo, nước ép mãng cầu và tiến tới chế biến thêm các sản phẩm từ các loại nông sản khác nhằm nâng cao giá trị nông sản tại địa phương, tạo việc làm cho người lao động và đưa các sản phẩm nông sản Việt Nam ra thế giới.
Chỉ trong vòng 10 tháng qua, đã có hơn 700 nghìn người rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần do ảnh hưởng của Covid-19.
Nguồn: [Link nguồn]