Từng ôm nợ cả trăm triệu đồng, 8X Hà Nội trở thành chủ chuỗi cửa hàng nổi tiếng
Từng ôm nợ số tiền lên tới 300 triệu đồng cho những thất bại đầu tiên trong sự nghiệp, nhưng chàng trai 8X Hà Nội không chịu đầu hàng số phận. Sự nỗ lực đã giúp anh dần trở thành ông chủ của chuỗi cửa hàng pizza nổi tiếng tại Hà Nội.
Anh Hoàng Tùng thuộc thế hệ 8x, từng học cùng lúc hai trường, Đại học Ngoại ngữ và khoa Du lịch – Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Ngay từ khi còn là sinh viên, chàng trai trẻ đã cùng một số người bạn thành lập công ty chuyên về dịch thuật. Những ngày đầu, anh chỉ nhận được khoảng 50.000 đồng cho việc dịch một trang giấy A4, sau này khi công ty có tiếng và hợp đồng về nhiều, số tiền được trả cũng tăng gấp 3-4 lần.
Sau khi tốt nghiệp, do thích được đi đây đi đó, Tùng chọn công việc làm hướng dẫn viên du lịch. Các cổ đông trong dự án dịch thuật cũng bận rộn với những kế hoạch riêng. Do đó, công ty dịch thuật buộc phải dừng hoạt động.
Từng trải qua 3 thất bại trong quá trình khởi nghiệp nhưng anh Hoàng Tùng không bỏ cuộc để trở thành ông chủ của chuỗi nhà hàng nổi tiếng
Trải qua 3 năm làm hướng dẫn viên du lịch cho hãng lữ hành nổi tiếng, năm 2009 anh nghỉ việc và cùng 2 đồng sự khác khởi nghiệp với một dự án nhà hàng chuyên phục vụ khách nước ngoài.
Toàn bộ số tiền 150 triệu đồng tích góp được anh góp vào dự án. Do gọi được nhiều cổ đông trong ngành Du lịch nên nhà hàng dần trở nên có tiếng và là đối tác với hầu hết các công ty du lịch lớn nhất tại Hà Nội lúc bấy giờ.
Thách thức xuất hiện khi các cổ đông bắt đầu tranh cãi về định hướng tương lai. Do dự án nhiều cổ đông và không dung hòa được về mặt tầm nhìn nên cuối cùng Tùng chấp nhận rút vốn khỏi dự án nhà hàng, hụt mất 50 triệu so với vốn góp và cùng một co-founder trong dự án đó rút vốn và mở công ty Du lịch,…
Trong thời điểm phát triển công ty du lịch, Tùng được một người bạn rủ đầu tư vào mảng công nghệ với sản phẩm là phần mềm CRM. Nhưng trái với dự tính ban đầu là sau 3 tháng có thể hoàn thành sản phẩm để đi bán hàng, startup này cần đến 8 tháng sản phẩm mới hoàn thiện. Và một điều phát sinh nữa, do sản phẩm quá mới nên rất khó thuyết phục khách hàng lớn sử dụng. Công ty rơi vào cảnh hết tiền. Khoản nợ ngân hàng của anh khi ấy lên tới 300 triệu đồng.
Sau nhiều lần va vấp trên thương trường, anh quyết định khởi nghiệp lại từ đầu với nhà hàng đồ ăn nhanh (fastfood). Tham khảo một số mô hình kinh doanh, anh thấy nhiều thương hiệu pizza nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam nhưng chưa có thương hiệu Việt nào làm pizza bình dân cho mọi người như đặc tính vốn có của món pizza. Anh quyết định khởi nghiệp với món bánh này vào năm 2015.
“Menu hồi đầu có đến hơn 40 món pizza, chưa kể các loại burger, đồ uống…Chúng tôi nghĩ nó rất hay nhưng thực tế lại rất sai", anh Hoàng Tùng kể về những ngày đầu khởi nghiệp với bánh pizza.
Theo anh, việc áp dụng menu quá nhiều món khiến quá trình đào tạo nhân sự gặp khó khăn, thời gian chế biến kéo dài, lượng hàng tồn phải hủy cuối ngày nhiều gây thiệt hại không nhỏ cho công ty.
"Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp là giai đoạn tôi thấy khó khăn nhất. Có những lúc khách rất vắng, menu còn lộn xộn, hàng ngày phải hủy rất nhiều đồ. Thật sự lúc đó tôi rất buồn, chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng không biết tương lai ra sao khi công ty sắp hết tiền", Tùng thừa nhận.
Anh Tùng cho biết chuyển đổi số là hướng đi đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp ngành F&B
Lúc đó anh đọc rất nhiều sách để tìm lối đi cho mình. Và cuối cùng anh quyết định thay đổi mô hình kinh doanh, tập trung mạnh thương hiệu của mình vào mảng giao hàng tận nhà và tối giản tinh gọn lại menu. Thay vì bán hàng chục loại bánh, anh rút gọn lại còn 7 loại pizza, mỗi ngày triển khai chương trình mua 1 tặng 1 cho 2 loại bánh và cứ quay vòng như vậy.
Với mô hình kinh doanh mới, tối ưu về đầu tư cũng như sản phẩm, từ cửa hàng đầu tiên, Tùng dần mở rộng chuỗi và có thời điểm vận hành đến gần 20 cửa hàng với gần trăm nhân sự toàn thời gian và bán thời gian.
Anh chia sẻ, với mỗi điểm kinh doanh, tổng chi phí vận hành mỗi tháng dưới 100 triệu đồng, trong đó chi phí cho mặt bằng phải dưới 40 triệu đồng. Doanh thu tối thiểu 250 triệu đồng/tháng thì cửa hàng đạt KPI.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến những doanh nghiệp trong ngành F&B, chuỗi cửa hàng của Tùng cũng không ngoại lệ. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, anh buộc phải thương thuyết lại giá thuê mặt bằng nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. Có những điểm kinh doanh kém hoặc không giảm được giá thuê, anh chấp nhận trả lại mặt bằng và mất tiền cọc.
Sau khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát, anh đã mở lại, mở thêm một số cơ sở và duy trì ở mức 9 cửa hàng offline và hơn 50 cửa hàng mô hình kiosk chỉ bán online.
Tuy dịch Covid-19 tạo ra nhiều khó khăn nhưng cũng nảy sinh ra những cơ hội mới. Chàng trai 8X chia sẻ, quan điểm làm kinh doanh của anh là phải nhìn theo sự vận động của thị trường, sự thay đổi về hành vi tiêu dùng của khách hàng để đưa ra hướng đi, chiến lược phù hợp. Đó là chìa khóa giúp doanh nghiệp tồn tại được trong thời dịch.
Và đối với chuỗi cửa hàng của anh, Covid-19 còn là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phải chuyển đổi số, chuyển dịch mạnh mẽ hoạt động kinh doanh lên các ứng dụng đồ ăn như... hay các sàn thương mại điện tử phổ biến. Đây là hướng đi mới khiến cho thương hiệu của anh tuy thu hẹp quy mô kinh doanh offline nhưng vẫn tăng trưởng vì kênh bán hàng online phát triển rất mạnh. Thậm chí với những sản phẩm sáng tạo, anh đã được xuất hiện trên các kênh truyền thông nổi tiếng nhất thế giới như Reuter, Le Fiago, CNN hay BBC.
Chàng trai 8X cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân với những bạn trẻ có cùng đam mê kinh doanh F&B
Sau những khó khăn, thách thức đã trải qua, Tùng đánh giá F&B là ngành rất tiềm năng, tuy nhiên để có trái ngọt thì doanh nghiệp phải biết lựa chọn hướng đi phù hợp với bản thân. Đặc biệt, để tồn tại trong đại dịch chắn chắn doanh nghiệp phải đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến.
Theo anh, sự xuất hiện của các ứng dụng F&B cũng tạo cơ hội khởi nghiệp cho rất nhiều người. Đối với các startup F&B tương lai, dưới sự hỗ trợ của các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến vốn đầu tư ban đầu có thể giảm đến 50 - 70%. Trong nguy luôn luôn có cơ và người làm kinh doanh cần phải luôn linh hoạt để có thể thích ứng với thị trường và đáp ứng nhu cầu của khách hàng
Tùng cũng cho rằng chất lượng cuộc sống ngày một tăng lên và ăn uống mãi mãi là điều tất yếu. Vì vậy khách hàng không ngại "đầu tư" cho vị giác của mình, họ sẵn sàng trả một mức giá hợp lí, thậm chí là cao nếu doanh nghiệp cung cấp đồ ăn ngon, chất lượng tốt.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau những khó khăn thách thức phải đối mặt, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Vạn đã trở thành một trong những gương mặt trẻ...