Từng nợ đến 7 tỷ đồng, 8x Thanh Hóa vực dậy thành công doanh thu lên đến 30 tỷ/năm
Sau thất bại khởi nghiệp lần đầu, CEO 8X đã gánh nợ đến 7 tỷ đồng, hiện tại anh đã có doanh thu lên đến 30 tỷ đồng/năm 2020.
Nhớ lại những ngày đầu năm 2011, anh Trương Thế Tiến (1987) không khỏi bồi hồi. Thời điểm đó, anh cùng 3 người bạn rủ nhau về quê mở rộng vùng nguyên liệu cỏ ngọt để cung cấp cho trà cung đình Huế. Tiền trong tay không có nhiều, mấy anh em đều phải bán đồ đạc giá trị để thuê đất, mua cây giống và trang thiết bị phục vụ cho việc tưới tiêu tự động.
Sau 3 năm trồng, vùng nguyên liệu rộng 50 ha đã phát triển khá tốt. Nhưng đến ngày thu hoạch, trận lũ lịch sử ở Thanh Hóa đã cuốn trôi tất cả. “Thất bại lần này quá lớn, thiên tai đã cuốn đi hết tất cả. Lần đầu tiên trong đời, tôi gánh số nợ lên đến 7 tỷ đồng. Trước tình hình này, mọi người nhìn vào thì đánh giá tôi sẽ gục ngã, còn tôi thì cũng hoàn toàn suy sụp”, anh kể lại.
Bởi khi khởi nghiệp, anh không nhận được sự đồng tình của gia đình. Anh vốn tốt nghiệp Đại học Sài Gòn, ra trường anh vừa mở Trung tâm gia sư vừa đi làm thêm tại một công ty công nghệ ở TP.HCM. Công việc của anh khá thuận lợi, anh nhanh chóng lên vị trí Phó Giám đốc. Dù giữ vị trí cao trong công việc, anh lại luôn đau đáu trong lòng, khát khao được về quê khởi nghiệp.
Dù làm vị trí cao trong công việc, anh vẫn quyết định về quê khởi nghiệp.
“Tôi đã quyết định sang nhượng lại trung tâm gia sư và xin nghỉ việc ở công ty, trở về quê Thanh Hóa để khởi nghiệp. Sở dĩ tôi chọn về quê khởi nghiệp là bởi nhìn nhận thấy ở quê có những nguồn lực phù hợp cho việc phát triển các dự án Nông nghiệp của mình”, anh nói.
Cụ thể, quỹ đất nông nghiệp lớn, đa dạng các loại đất và địa hình phù hợp cho các loại cây trồng khác nhau, nguồn nước và khí hậu trong lành, nguồn nhân công lao động đang tham gia nông nghiệp ở địa phương vô cùng đông đảo. Đặc biệt, về quê, anh sẽ được sự hỗ trợ từ anh em họ hàng, bà con hàng xóm và chính quyền ủng hộ.
Gia đình phản đối kịch liệt ban đầu nhưng sau này dần cũng ủng hộ.
Ban đầu, quyết định của anh bị gia đình kịch liệt phản đối nhưng bằng sự quyết tâm lẫn hành động bền bỉ thì cuối cùng gia đình cũng ủng hộ sự lựa chọn con đường khởi nghiệp mà anh đã đưa ra.
Nói tiếp về lần thất bại khiến anh gánh nợ lên đến 7 tỷ đồng, bản thân anh stress nặng. Đổi lại, anh nhận được tình cảm của bà con nông dân, đối tác trong và ngoài nước. “Bà con chủ động giảm tiền thuê đất, không nhận tiền công. Còn đối tác không truy thu nguồn vốn gần 3 tỷ mà họ tài trợ. Ngược lại, ho còn có nhã ý giúp đỡ tôi bằng cách đưa tôi qua Châu Âu làm việc ở mảng nông nghiệp để tích luỹ vốn và kinh nghiệm để sau vài năm về nước khởi nghiệp lại”, anh chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Tiến không có ý định bỏ cuộc và xem thất bại chỉ là một thử thách mà trong cuộc đời tất yếu phải xảy ra. Anh đã bình tâm trở lại và quyết tâm đứng lên làm lại từ đầu.
Thất bại lần đầu khiến anh phải gánh nợ đến 7 tỷ đồng nhưng anh chưa một lần nản chí.
Thất bại lần đầu đã khiến bạn anh trở về quê hết, riêng anh vẫn theo đuổi con đường đã chọn. Sự cố gắng không ngừng nghỉ cũng được đền đáp, đến năm 2018, anh đã thành lập công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên.
Sản phẩm đầu tiên gây tiếng vang trên thị trường là ống hút thân thiện môi trường, ngâm liên tục trong 30 tiếng mới tan ra. Sản phẩm này đã được 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đặt vấn đề giao thương và hợp tác, xuất khẩu thành công 3 container qua thị trường châu Âu (Hà Lan và Anh).
Nhưng dịch Covid - 19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu ống hút rau củ vào thị trường Châu Âu. Anh đã kịp thời ứng phó bằng cách chuyển đổi công năng của máy sản xuất ống hút thành máy sản xuất mì cải Kale - sản phẩm này rất được khách hàng đón nhận.
Mỳ cải Kale là sản phẩm của công ty mà anh đang muốn phát triển.
Sau 3 năm nghiên cứu và phát triển, gần đây, anh Tiến đã chiết xuất thành công các dòng tinh chất từ thảo mộc: trà xanh, diếp cá, trái nhàu, chanh đào và mật ong để cho ra mắt sản phẩm ủ tóc - một sản phẩm chăm sóc tóc theo hướng chuyên sâu nhằm giải quyết các vấn đề nan giải mà chị em đang gặp phải: rụng tóc, gàu, nấm, tóc hư tổn… Điểm đặc biệt nhất đó là sản phẩm đạt tiêu chuẩn An toàn vệ sinh thực phẩm nên hoàn toàn có thể pha uống như một loại trà thảo mộc hoặc cũng có thể dùng để xử lý các vấn đề liên quan đến răng miệng: hôi miệng, chảy máu chân răng, nhiệt miệng, sâu răng…
“Các sản phẩm mới ra mắt này cũng được nhiều đối tác ở thị trường quốc tế đón nhận. Khách hàng đã nhận mẫu và đang trong quá trình đàm phán để nhập những đơn hàng đầu tiên”, anh cho hay.
Dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, anh vẫn duy trì việc nghiên cứu và sản xuất các dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe. Tổng doanh thu năm 2020 đạt hơn 30 tỷ đồng và tạo việc làm cho 45 cán bộ công nhân viên với mức lương trung bình 15 triệu đồng/người.
Trong thời gian tới, anh Tiến sẽ tập trung phát triển 2 dòng sản phẩm chủ lực của công ty là ủ tóc từ tinh chất thảo mộc và mì cải Kale. Anh cho biết đây là 2 dòng sản phẩm không chỉ phát triển ở thị trường nội địa mà còn dự kiến mở các công ty liên doanh ở các nước: Đức, Mỹ, Úc, Canada, Singapre, Đài Loan…để đưa và khẳng định vị thế của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhờ loại cây hoang dại mọc đầy trên rừng, người đàn ông này đã có thu tiền tỷ mỗi năm.