Từng đi bốc gạch thuê và làm đủ nghề, 9x Bình Phước khởi nghiệp thu về hàng tỷ đồng/tháng
“Cả một năm trời công ty tôi không thể làm ra được sản phẩm ưng ý, làm mẻ nào hư mẻ đó. Có sản phẩm rồi lại không có khách, 3-4 tháng liền đi hết các công ty, dự án xây dựng để chào hàng nhưng đều nhận về cái lắc đầu”.
Đó là chia sẻ của anh Phan Văn Phú (SN 1997), trú tại Phạm Ngọc Thạch, phường Phú Mỹ, TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) về những khó khăn ngày đầu khởi nghiệp của mình.
Anh Phú cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở Phước Long, tỉnh Bình Phước. Sau khi thi đỗ đại học và theo học ngành Quản trị Logistics của trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh. Từ năm thứ 2 đại học, anh đã bắt đầu đi làm thêm để có thêm kiến thức xã hội và chi phí học tập, sinh hoạt ở thành phố.
“Ngay từ khi đi học, tôi đã định hướng bản thân sau này sẽ mở công ty riêng nên khi làm việc ở một công ty sản xuất vật liệu xây dựng, hầu như mọi việc trong công ty tôi làm qua hết”, anh Phú nói.
Vì định hướng bản thân sau này sẽ mở công ty riêng nên anh Phú bắt tay vào làm đủ thứ việc khác nhau ngay từ năm thứ 2 đại học.
Không có suy nghĩ là đi làm để kiếm tiền nên việc gì anh cũng làm hết để trải nghiệm xem việc đó như thế nào, có phù hợp hay không, làm ra sao. Từ việc làm tài xế riêng cho lãnh đạo đến sắp xếp hàng hoá, điều xe, điều hàng, vừa để kiếm thêm thu nhập vừa để trải nghiệm, học hỏi cách vận hành, quản lý doanh nghiệp… Thậm chí, có thời gian rảnh, anh còn đi bốc gạch thuê, tiền công được trả là 300 nghìn đồng/ngày
Hơn 6 năm làm việc cho một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, anh Phú nhận thấy, một số doanh nghiệp xây dựng thường xuyên nhập khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng bằng Composite thay thế sắt xây dựng truyền thống với giá rất đắt đỏ.
Trong khi đó, vật liệu Composite là nhựa nguyên sinh, rất thân thiện với môi trường, tuổi thọ cao, chịu lực tốt, vận chuyển dễ, dễ thi công, trọng lượng nhẹ, có khả năng chống ăn mòn, chống oxy hoá cao, chịu lực tốt hơn các vật liệu khác như thép, bê tông…
Sản phẩm từ nhựa Composite đã được các nước châu Âu sử dụng rộng rãi trong ngành xây dựng khoảng 80 năm nay nhưng tại Việt Nam hầu như chưa có doanh nghiệp nào sản xuất ra các sản phẩm này.
Để cho ra đời sản các sản phẩm vật liệu xây dựng từ Composite tối ưu nhất, anh Phú đã mất hơn 1 năm nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật.
Vì vậy, với hơn 1 tỷ đồng tiết kiệm được trong quá trình đi làm thuê, anh Phú liền thế chấp mảnh đất bố mẹ cho trước đó để vay thêm tiền ngân hàng, kêu gọi vốn đầu tư từ một số người từng quen biết để lấy tiền khởi nghiệp, nhập máy móc về sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng từ Composite để thay thế sắt như xà gồ Composite, bồn chứa nguyên liệu Composite…
Anh Phú chọn thuê nhà xưởng sản xuất ở Bình Dương để thuận tiện cho việc sản xuất, vận chuyển nguyên liệu và hàng hoá.
Bỏ ra số tiền lớn để nhập máy móc, thuê nhà xưởng, mua nguyên liệu về sản xuất nhưng gần một năm trôi qua, anh Phú không thể cho ra sản phẩm ưng ý.
“Chạy mẻ nào hư mẻ đó, nguyên một năm trời không ra được sản phẩm vì khi mình mua công nghệ, họ chỉ cho mình một số cái cơ bản, còn lại tự nghiên cứu, tìm tòi, cải tiến. Thất bại nhiều quá, nhưng máy nhập từ nước ngoài nên tiền thuê chuyên gia từ nước ngoài về xử lý là rất lớn, vậy nên tôi tự tìm tòi, cải tiến để làm ra sản phẩm tối ưu nhất”, anh Phú phân tích.
Ròng rã hơn một năm trời, công ty của anh Phú mới cho ra được sản phẩm tối ưu nhất nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó, khi trong tay anh chưa có một khách hàng nào.
Sản phẩm từ nhựa Composite dần thay thế sắt trong các công trình xây dựng từ nhà ở đến các trang trại, dự án lớn nhỏ.
Suốt 3-4 tháng trời, anh mang mẫu sản phẩm, hồ sơ đến các nhà máy, công trình, các doanh nghiệp xây đựng để chào hàng nhưng họ đều lắc đầu không dùng.
Dần dần, anh Phú tiếp cận được một số doanh nghiệp xây dựng có các công trình xây dựng lớn, đang nhập khẩu sản phẩm xây dựng từ nhựa Composite từ nước ngoài với giá đắt đỏ và thuyết phục họ dùng thử sản phẩm do anh sản xuất trong nước.
Khi nhận thấy sản phẩm tốt, giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, họ bắt đầu đặt anh làm theo yêu cầu và kí kết lâu dài.
Từ đó, khách hàng ngày một nhiều, từ các công trình xây dựng nhà ở lớn cho đến các nhà máy xi mạ, dệt nhuộm, tháp giải nhiệt, các trang trại nông nghiệp công nghệ cao đến các trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản và một số doanh nghiệp khu công nghiệp Tân Tạo, Linh Xuân…
“Ban đầu tôi nghĩ sắt làm ra cái gì thì tôi sẽ dùng nhựa Composite làm ra cái đó để phục vụ các dự án xây dựng nhà ở, thay thế sắt, thay thế cả trụ cột bê tông. Nhưng sau này, nhiều khách hàng tìm đến đặt hàng để làm các dự án khác nhau, mình lại có thêm tệp khách hàng mới, mục đích sử dụng hoàn toàn mới tìm đến đặt hàng mua sản phẩm”, anh Phú cho hay.
Lượng đơn đặt hàng ngày một nhiều, khách hàng thi nhau tìm đến khiến công ty sản xuất ra không đủ hàng để giao cho khách. Từ một chiếc máy sản xuất, đến nay, anh Phú đã có 6 máy đang sản xuất tại xưởng và đang tiến hành nhập thêm 5 máy khác. Doanh thu mỗi tháng của công ty đạt trên 1,5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập cao.
Hiện tại, nhà máy của anh Phú đã được trang bị 6 máy sản xuất và đang nhập thêm 5 máy khác về.
Có doanh thu, anh Phú lại tiếp tục đầu tư vào nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Đến nay, tổng số tiền đầu tư của anh Phú cho xưởng sản xuất của mình vào khoảng 30 tỷ đồng.
Thời gian tới, dự kiến anh Phú sẽ nghiên cứu sản xuất thêm các sản phẩm từ Composite thay thế sắt thép trong xây dựng truyền thống để ứng dụng cho các công trình xây dựng, đáp ứng nhu cầu của thị trường tại Việt Nam.
“Nhu cầu sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng từ nhựa Composite là rất lớn. Dự kiến từ nay cho đến sang năm, ít nhất tôi phải nhập về khoảng 50 máy mới sản xuất kịp các đơn đặt hàng, đồng thời mở thêm nhà máy sản xuất ở Bình Phước rộng khoảng 20.000m2”, anh Phú cho hay.
Theo anh Phú, thành công nhất của anh là đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng từ nhựa Composite sản xuất tại Việt Nam thay vì nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao như trước đây. Đồng thời, có thể tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương, phát triển kinh tế.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ một kỹ sư xây dựng công trình, có việc làm ổn định ở thành phố, anh Tâm quyết định về quê, bỏ tấm bằng Đại học sang một bên và bắt tay vào làm nông nghiệp, thu về 2 tỷ đồng/năm.