Từ Nam ra Bắc khởi nghiệp, chàng trai 9x có doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi ngày
“Một thân một mình lần đầu ra Bắc lấy vợ và lập nghiệp, tiền bạc không có, mối quan hệ không, mọi thứ tôi có chỉ là niềm tin vào chính mình. Nhìn lại, đó là một quyết định liều lĩnh và đánh đổi”.
Đó là chia sẻ của anh Lý Hải Hoàng Tân, sinh năm 1991 về quá trình khởi nghiệp của mình tại Hà Nội.
Anh Tân cho biết, từ năm 2012, anh đã bắt đầu làm trong ngành thực phẩm và đồ uống cùng với gia đình của mình tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2014, anh ra Bắc lấy vợ và thành lập công ty riêng, chuyên cung cấp nguyên liệu và máy móc pha chế.
Những ngày đầu khởi nghiệp ở một nơi hoàn toàn xa lạ, không tiền bạc, không mối quan hệ, sau khi vay được một chút vốn, anh bắt đầu kinh doanh syrup hay còn gọi là siro pha chế, nhập khẩu từ Pháp.
“Một mình tôi làm tất cả mọi việc, từ nhập hàng, chạy thị trường, giao hàng, chăm sóc khách hàng… Cứ từng bước, từng bước, vừa làm vừa tạo thêm mối quan hệ và tích luỹ vốn, dần dần mở rộng kinh doanh thêm nhiều sản phẩm khác như ly giấy, ly nhựa, máy móc pha chế, máy móc trà sữa và đến ngành kem”, anh Tân kể.
Bén duyên với ngành kem Ý từ năm 2018, anh Tân đã tạo ra nhiều sản phẩm kem thu hút khách hàng tại thị trường Việt.
Năm 2018, anh Tân đến với ngành kem Ý như một nhân duyên lớn khi tham dự hội chợ bên Singapore. Thấy được sự phát triển của ngành kem Ý trên thế giới, anh bắt đầu ấp ủ ý tưởng làm ra những sản phẩm kem chất lượng cao, đẹp mắt để phục vụ người dân Việt Nam.
Theo anh Tân, tại thời điểm đó, ngoài dòng kem nhập khẩu cao cấp, đắt đỏ thì kem sản xuất trong nước hầu như là kem đá. Các nhà sản xuất đua nhau làm những loại kem thật rẻ chứ ít người chú trọng là phải làm kem thật ngon.
Vì vậy, anh quyết định bắt tay vào thực hiện ước mơ, mong muốn đưa ngành kem Việt Nam trở nên cao cấp, phát triển thông qua sự đổi mới và sáng tạo.
Những que kem Ý được anh làm và bán trên thị trường với đa dạng mẫu mã, mùi vị.
Nghĩ là làm, sau khi tham gia một khoá học làm kem tại Singapore, anh Tân tiếp tục dành thêm một năm tự nghiên cứu để cho ra được phương pháp làm kem phù hợp hơn tại thị trường Việt Nam.
Để làm ra những cây kem có chất lượng vẫn đạt tiêu chuẩn của Ý nhưng dễ dàng triển khai tại Việt Nam, anh Tân đã nghiên cứu ra các vị kem theo khẩu vị người Việt, đổi mới phong cách phục vụ mới lạ, đơn giản hoá cách làm, giảm giá thành sản xuất và giảm chi phí đầu tư ban đầu.
Trong thời gian làm, anh không ngừng nghiên cứu, cải tiến công thức, làm sao để kem mỗi ngày ngon hơn, đẹp hơn, đa dạng hoá sản phẩm.
Dấu ấn đầu tiên trên thị trường của anh Tân là các loại kem nghệ thuật tạo hình con vật.
Với suy nghĩ, mình là người Việt, sản xuất kem cho người Việt nên anh Tân luôn ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Trong sản xuất, anh luôn muốn sử dụng các nguyên liệu có sẵn trong nước vào, cái nào không phù hợp, anh mới sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, đây cũng là một cách giúp thúc đẩy kinh tế trong nước và ủng hộ nông sản Việt.
“Toàn bộ nguyên liệu nền tạo ra chất kem, tôi tự nhập khẩu bên Ý. Các loại mứt, bột tạo vị, tôi sử dụng rất nhiều hãng của cả nước ngoài và trong nước. Ví dụ, vị trà xanh tôi đang sử dụng là bột trà xanh của Thái Nguyên chứ không phải của Đài Loan hay Nhật Bản”, anh Tân phân tích.
Năm 2021, những cây kem Ý đầu tiên của anh Tân xuất hiện tại thị trường Việt Nam qua hệ thống bán hàng online. Đến tháng 10/2022, anh Tân có quầy kem đầu tiên bán tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long.
Từ quầy kem đầu tiên, anh Tân đã phát triển lên 74 chi nhánh phân phối kem Ý mang thương hiệu của mình.
Đến hiện tại, anh Tân đã có tổng cộng 74 chi nhánh phân phối kem Ý mang thương hiệu của mình trên khắp cả nước. Đồng thời, anh cũng được hợp tác với nhiều đối tác lớn phục vụ khách hàng tại các khu du lịch nổi tiếng, các siêu thị và trung tâm thương mại lớn.
Không chỉ vậy, anh Tân còn thiết kế các khoá học làm kem chuyên nghiệp cho những người có chung đam mê. Mỗi khoá học 1:1 có giá từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng, tuỳ cấp độ, từ năm 2019 đến nay, anh Tân đã đào tạo khoảng 500 học viên trên khắp cả nước, giúp họ có đầy đủ kiến thức và thành thạo trong việc sản xuất kem Ý.
Năm 2023, ngoài dòng kem nghệ thuật tạo hình các con vật, anh Tân đã tạo tiếng vang lớn khi cùng đội ngũ của mình tạo ra những que kem 3D mô phỏng các địa danh nổi tiếng của Hà Nội cũng như trong cả nước.
“Tôi muốn làm điều gì đó khác biệt và mang dấu ấn riêng, đặc biệt là dòng kem que địa danh mang ý nghĩa quảng bá hình ảnh Thủ đô, quảng bá du lịch và hy vọng trong tương lai gần sẽ trở thành đặc sản Hà Nội”, anh Tân bày tỏ.
Những que kem tạo hình các địa danh nổi tiếng do anh Tân sáng tạo ra đã tạo được tiếng vang lớn trên thị trường.
Tháng 6/2023, anh Tân đã cho ra mắt 7 mẫu kem mô phỏng địa danh Hà Nội đầu tiên là Tháp Rùa, Nhà thờ lớn, Nhà hát Lớn, Khuê Văn Các, Chợ Đồng Xuân, Chùa Một Cột, Ô Quan Chưởng.
Năm 2024, anh lại tiếp tục cho ra mắt mẫu kem mô phỏng Lăng Bác, Thành Cửa Bắc của Hoàng Thành Thăng Long, Cầu Long Biên, Bốt Hàng Đậu…
Với sự sáng tạo, độc đáo của từng cây kem, cùng với chất lượng kem ngon, mềm, dẻo, mịn đặc trưng, sản phẩm kem địa danh của anh Tân đã tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách du lịch khi đến Hà Nội.
Giá bán của mỗi cây kem địa danh là 20 nghìn đồng. Sản lượng bán ra riêng dòng kem này từ 1.000 – 2.000 que mỗi ngày, ngày cao điểm có thể lên tới 3.000 que, mang về doanh thu từ 20-60 triệu đồng/ngày.
Nhiều bạn trẻ và khách du lịch rất hào hứng với loại kem địa danh mới xuất hiện tại Việt Nam.
Thời gian tới, anh Tân sẽ tiếp tục nghiên cứu và thực hiện tạo hình các sản phẩm kem 3D nghệ thuật, mô phỏng các danh lam thắng cảnh của nhiều tình thành khác trong cả nước, cung cấp các sản phẩm kem tạo hình độc đáo cho người tiêu dùng, đặc biệt là các du khách.
“Cái độc đáo của kem địa danh chính là nó không chỉ là một thứ giải khát ngày nắng mọi người hay ăn mà khi cầm chiếc kem trên tay, nó giống như một bức tranh phong cảnh được thu nhỏ lại”, anh Tân bộc bạch.
Nguồn: [Link nguồn]
“Những ngày đầu, khi tôi đưa cây về và có hiện tượng bị chết, mất từ vài chục triệu đến cả trăm triệu thì gia đình phản đối, lời ra tiếng vào nhiều lắm”.