Từ đam mê với loại cây này, 9x Lâm Đồng biến thành nghề, thu vài trăm triệu/năm
Với niềm đam mê với nông nghiệp, 9x đã quyết định khởi nghiệp với loại cây này và thu về hàng trăm triệu đồng/năm.
Có niềm đam mê với các giống ớt độc lạ từ lâu, anh Lê Tiến Dũng (Đạ Tẻh, Lâm Đồng) quyết định nhập giống ớt Aji Charapita (hay còn gọi là ớt Peru) – giống ớt đắt nhất thế giới về để trồng tại nhà vào năm 2018. Thời điểm đó anh chỉ có mục đích trồng để sử dụng và thỏa mãn đam mê của mình.
“Tôi không ngờ cây này sai quả và thu được nhiều quả nên tôi đã dành một phần tặng cho bạn bè. Sau này, nhiều người biết đến tôi hơn, họ liên hệ đến với mong muốn mua quả về ăn thử, một số người lại muốn mua cây giống về trồng tại nhà.
Từ đó, tôi bắt đầu bán, khách đặt càng nhiều thì tôi lại sử dụng số tiền bán được và mở rộng diện tích trồng và nhân giống để bán cây giống”, anh chia sẻ.
Anh Dũng mở rộng diện tích trồng ớt để đủ cung ứng ra thị trường.
Sau thời gian bán ớt Peru, anh nhận ra tiềm năng kinh doanh ớt rất lớn. Anh bắt đầu tìm hiểu thị trường và nhận thấy, không ít người muốn sưu tầm các giống ớt cay nhưng lại bị lừa rất nhiều vì mua cả trăm giống ớt nhưng khi về trồng chỉ toàn ra ớt chuông và ớt chỉ thiên.
Anh đã lên mạng tìm hiểu về các giống ớt độc, lạ trên thế giới và đặt mua cây giống về trồng. Trồng một vài cây giống ban đầu, anh bắt đầu nhân giống, một phần để mở rộng diện tích trồng, một phần bán cây giống.
Hiện, trong vườn nhà anh đã có gần 100 giống ớt. Ngoài bán hạt giống, cây giống, anh còn cung cấp cây trưởng thành, trái ớt tươi cho những khách hàng yêu cầu. Tùy từng loại ớt mà có mức giá bán khác nhau. Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, anh thu hoạch nhiều quả ớt nên đã nghiên cứu thêm sản phẩm tương ớt và sa tế.
Ớt nhà anh đều chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ.
Anh cho biết toàn bộ vườn ớt của anh đều chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. “Tôi thường sử dụng phân trùn quế trộn với đất để bón cho cây. Người trồng ớt cần phải chủ động nguồn nước tưới, do đây là giống cây trồng ưa nắng và tránh ngập úng”, anh chia sẻ.
Hiện, anh đang trồng ớt trên diện tích 1.200 m2 ở thị trấn Đạ Tẻh. Bên cạnh đó, anh còn liên kết trồng thêm 200m2 trong nhà kính ở Di Linh và liên kết với hộ đoàn viên tại địa phương trồng 400m2 ngoài trời. Với điện tích này, anh mới có thể đủ lượng ớt tươi phục vụ cho khách hàng và cho việc chế biến tương ớt, sa tế.
Anh Dũng đem một số loại ớt đi trưng bày tại hội thi thanh niên khởi nghiệp.
Doanh thu năm 2022 của anh Dũng bao gồm bán hạt giống, cây giống, ớt tươi và các sản phẩm từ ớt đạt hơn 300 triệu đồng, lợi nhuận thu về hơn 200 triệu đồng. Doanh thu năm nay anh ước tính thu về hàng trăm triệu đồng, chia trung bình mỗi tháng thu về vài chục triệu đồng.
Anh Tiến Dũng dự định trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển thêm sản phẩm ớt khô để đưa ra thị trường ngoài nước. Hiện tại, anh đang bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình. Đó là việc anh kết hợp với Phòng Nuôi cấy mô của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc để cho ra các sản phẩm cây giống có tỉ lệ đồng đều lên đến 99%, đảm bảo chủ động nguồn giống có chất lượng tốt.
Nguồn: [Link nguồn]
Chậu bưởi cảnh này đã được một đại gia đặt mua luôn khi vừa xuống vườn trưng bày, giá bán là 250 triệu đồng.