Từ bỏ công việc lương hàng nghìn đô/tháng, 8X Quảng Bình về nuôi vịt, kết quả bất ngờ
“Ngày tôi nghỉ việc về quê, lên vùng núi san đất làm chuồng trại, ai cũng bảo tôi “điên”, tự dưng nghỉ công việc nhiều người mơ ước để về nuôi vịt. Nhưng hơn 4 năm qua, bằng những gì tôi làm, không ai dám bảo tôi điên nữa”.
Đó là chia sẻ của anh Thái Hoà Nam (SN 1982), trú tại Bảo Ninh, Đồng Hới, chủ trang trại nuôi vịt công nghệ cao lớn nhất tỉnh Quảng Bình.
Anh Nam cho biết, bản thân anh là kỹ sư điện, tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh và từng có thời gian hơn 10 năm làm việc cho một doanh nghiệp xây dựng viễn thông.
Trong thời gian đảm nhận vai trò là kỹ sư, anh Nam đã có cơ hội được đi đến và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
Trang trại nuôi vịt công nghệ cao của anh Nam xây dựng được coi là lớn nhất tỉnh Quảng Bình.
Cũng trong thời gian này, anh có cơ hội được biết đến các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại các nước phát triển. Vì vậy, trong đầu anh luôn ấp ủ ước mơ làm một mô hình trang trại quy mô lớn, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao.
“Hồi tôi còn đang làm dự án ở Myanmar, thấy ý thức bảo vệ môi trường của họ rất cao. Một lần nhà một người công nhân của tôi có con lợn chết, họ đã đạp xe 7km để đi báo với trung tâm dịch vụ thú y để họ vào kiểm tra, khám nghiệm, xác định nguyên nhân.
Sau đó, họ đã mượn máy xúc, đào hố để chôn con lợn đó. Đồng thời, khử khuẩn chuồng nuôi, cho thuốc chữa và tách đàn nuôi riêng. Vì vậy, tôi muốn làm một mô hình chăn nuôi hiện đại, an toàn cho môi trường chăn nuôi và môi trường xung quanh để mọi người nhìn vào, làm theo”, anh Nam chia sẻ.
Từ bỏ công việc kỹ sư điện ở một doanh nghiệp lớn, anh Nam về quê nuôi vịt công nghệ cao.
Sau hơn 10 năm làm việc với mức thu nhập từ hàng chục triệu đồng/tháng nhưng anh Nam quyết định xin nghỉ việc để về quê làm trang trại chăn nuôi.
Tay trái vào nghề, anh mang ba lô đi khắp các tỉnh từ Nam ra Bắc, nơi có những trang trại chăn nuôi của các tập đoàn lớn ở Nam Định, Phú Thọ, Nghệ An, Gia Lai, Long An, Bình Định để nghiên cứu xem họ xây dựng như thế nào, vận hành ra sao, xử lý nước thải theo cách nào, tìm hiểu thị trường xem họ đang cần gì, điều kiện sản xuất ở khu đất của mình có phù hợp không
Sau khi rong ruổi từ Nam ra Bắc rồi lại từ Bắc vào Nam, anh về quê, lên ý tưởng thiết kế xây dựng, tính toán vật tư, bắt tay vào làm 2 khu trang trại nuôi vịt tại xã Sơn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.
Chỉ trong một năm, trang trại nuôi vịt hiện đại và quy mô nhất tỉnh Quảng Bình của anh Nam được hình thành. Toàn bộ trang trại được đảm bảo an toàn sinh học 3 lớp trên khu đất rộng 50.000m2 với số vốn đầu tư hơn 22 tỷ đồng gồm 2 khu chuồng nuôi vịt diện tích 2.400m2, kho chứa thức ăn, nhà ăn công nhân, khu nhà ở cho công nhân, khu sát khuẩn…
Trang trại nuôi vịt công nghệ cao được anh Nam thiết kế, xây dựng và hoàn thiện trong vòng 1 năm.
Trang trại được đầu tư hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống và điều hoà tự động, hệ thống xử lý nước thải được anh xây dựng theo công nghệ ISRAEL. Đặc biệt, vịt được nghe nhạc Jazz, nằm điều hoà và có camera theo dõi quá trình phát triển
“Ngày đầu tiên mang con vịt về chuồng nuôi phải đảm bảo nhiệt độ là 32,5 độ C, sau đó giảm dần đến khi xuất chuồng là 23 độ C, toàn bộ được cài đặt tự động.
Ngoài ra, khi con vịt bị hoảng do có người lạ vào hoặc thay đổi thời tiết sẽ khiến vịt bị sáo đàn, kêu rất to và chạy loạn lên. Khi đó, mình phải bật nhạc Jazz cho nó ngủ nhưng loa phải làm âm trần theo kiểu âm thành vòm, khuyếch đại âm thanh cho cả chuồng chứ không được gắn lộ thiên”, anh Nam phân tích.
Vịt được nằm điều hoà nhiệt độ, nghe nhạc Jazz và cung cấp thức ăn, nước uống tự động.
Nhờ trang bị trang trại nuôi vịt công nghệ cao và hiện đại, anh Nam được các doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao.
Từ năm 2022 đến nay, mỗi năm, trang trại vịt của anh Nam xuất bán 6 lứa, mỗi lứa 15.000 con, mang lại lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/lứa.
Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng, chăn nuôi vịt công nghệ cao, anh Nam còn tạo công ăn việc làm cho 12 lao động, chủ yếu là người dân tộc thiểu số và cán bộ hưu trí tại địa phương với mức thu nhập từ 8-15 triệu đồng/người/tháng.
Mỗi năm, anh Nam có thu nhập khoảng 1,8 tỷ đồng nhờ nuôi vịt công nghệ cao.
Đồng thời, anh còn tạo điều kiện cho hơn 10 hộ dân xung quanh trang trại được dùng điện lưới miễn phí, xây dựng quỹ từ thiện hỗ trợ các hoạt động khuyến học cho học sinh nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương trị giá 200 triệu đồng/năm.
Thời gian tới, anh Nam dự định sẽ triển khai tiếp các mô hình chăn nuôi lợn, gà theo kiểu công nghệ cao với mục đích hỗ trợ bà con nông dân cải thiện được môi trường chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương và nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Nguồn: [Link nguồn]
“Cả một năm trời công ty tôi không thể làm ra được sản phẩm ưng ý, làm mẻ nào hư mẻ đó. Có sản phẩm rồi lại không có khách, 3-4 tháng liền đi hết các công ty, dự án xây dựng để chào hàng nhưng đều nhận về cái lắc đầu”.