Hành trình từ thợ điều hòa lương tháng 5 triệu đồng/tháng đến sở hữu nhà 2 tỷ ở Hà Nội

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Với mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng nhiều người cho rằng sẽ không dám mơ đến việc sở hữu nhà Hà Nội. Thế nhưng, với bàn tay, khối óc và sự nỗ lực hết mình thì không điều gì là không thể.

Anh Phan Văn Bản (quê ở Nam Định) và chị Lương Thị Sự (quê Phú Thọ) cùng là con nhà nghèo xuống Hà Nội làm thuê khi mới học hết lớp 9. Gặp nhau và yêu thương nhau khi tài sản duy nhất là hai bàn tay trắng, anh làm thuê cho cửa hàng điện lạnh, chị làm thuê tại salon tóc với mức lương không đủ sống.

“Học xong lớp 9, tôi được bố gửi xuống Hà Nội học nghề điện lạnh. Sau 3 năm vừa học vừa làm không lương,  họ trả tôi 1 triệu đồng/tháng. Lúc đó, tôi gặp vợ tôi bây giờ, cô ấy làm thợ phụ cho quán cắt tóc gội đầu với mức lương 2 triệu đồng/ tháng. Cùng là con nhà nghèo, ít học nhưng hai đứa luôn động viên nhau cố gắng học lấy cái nghề, sau này đỡ khổ”, anh Bản kể.

 Để có mức lương 5 triệu đồng/ tháng, anh Bản phải mất 3 năm học việc sửa chữa điều hòa và 2 năm nhận lương 1 triệu đồng/tháng.

 Để có mức lương 5 triệu đồng/ tháng, anh Bản phải mất 3 năm học việc sửa chữa điều hòa và 2 năm nhận lương 1 triệu đồng/tháng.

Sau vài năm, với tay nghề được củng cố và nâng cao, anh Bản chuyển chỗ làm với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Với số tiền tích cóp được sau những năm làm tóc, chị Sự bắt tay vào mở cửa hàng riêng.

“Vợ tôi thuê một cửa hàng nhỏ ở Cầu Giấy với giá 2,5 triệu/tháng và mở cửa hàng tóc, gọi thêm đứa em ở quê xuống phụ việc và học nghề. Hết giờ làm thuê, tôi nhận thêm việc sửa chữa, vệ sinh điều hòa, máy giặt, nồi cơm điện cho xung quanh hàng xóm”, anh Bản nói.

Năm 2012, sau thời gian tìm hiểu, tích cóp được tiền làm đám cưới, 2 anh chị về chung 1 nhà. Tiền mừng cưới có được, anh Bản mạnh dạn mở cửa hàng điện lạnh, công việc ban đầu là sửa chữa, lắp đặt điều hòa cho nhà dân,  đồng thời làm thêm biển sửa chữa điện lạnh treo tại cửa hàng tóc của vợ.

Sau đám cưới 1 năm, công việc của hai vợ chồng dần ổn định với mức thu nhập khá. Cửa hàng làm tóc của chị Sự có lượng khách quen khá nhiều, mang về thu nhập 30 triệu đồng/tháng thì chị có bầu và nghỉ, một mình anh Bản gánh vác tài chính trong nhà.

Để có tiền lo cho vợ con, ngoài sửa chữa, lắp đặt, bảo dưỡng điều hòa, anh Bản còn mua lại điều hòa, máy giặt, nồi cơm điện cũ rồi sửa chữa, sơn sửa lại bán với giá cao hơn. Khi có số vốn nhất định, anh tiếp tục nhập máy mới của các hãng về bán, cửa hàng kinh doanh cả máy cũ, máy mới và hàng bãi Nhật. Nhờ cẩn thận, khéo léo và tỉ mỉ, ham học hỏi, anh Bản được giới thiệu làm các công trình lớn hơn như Chung cư, bệnh viện, trường học…

“Tôi làm ngày làm đêm do quá đông khách, không “cân” hết, gọi thêm mấy đứa em ở quê lên vừa học việc vừa làm. Bản thân tôi dậy từ 6 giờ sáng để sắp xếp công việc và đi làm. Nhiều hôm về đến nhà lúc nửa đêm, người nhem nhuốc, cháy nắng và mệt lử nhưng tham việc nên còn cố được tôi sẽ cố”, anh Bản chia sẻ.

Năm 2016, sau 4 năm về chung 1 nhà và cố gắng hết mình, vợ chồng anh Bản tiết kiệm được 800 triệu đồng, vay thêm anh em bạn bè và mua được mảnh đất 35m2 mặt đường Lai Xá với số tiền 1,1 tỷ đồng.

Có đất rồi anh Bản bàn với vợ gửi con gái về quê rồi thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 300 triệu để xây nhà, vừa để ở vừa có thể làm cửa hàng, tiết kiệm tiền thuê nhà. Chị Sự ở nhà quán xuyến nhà cửa, cơm nước, anh Bản vẫn tiếp tục nhận các công trình để có thêm tiền.

Nhờ chịu khó và quyết tâm, anh Bản đã mua được nhà, vừa để ở vừa làm cửa hàng kinh doanh điện lạnh.

Nhờ chịu khó và quyết tâm, anh Bản đã mua được nhà, vừa để ở vừa làm cửa hàng kinh doanh điện lạnh.

“Thời điểm đó anh Bản làm quần quật, nhiều lúc tôi thấy anh vất vả quá. Người ta được ở trong điều hòa mát lạnh, chồng mình thì treo mình ngoài trời, trên cao giữa trời nắng nóng. Càng nắng, càng nóng anh ấy càng đi nên người gầy tong teo, da đen xì, bạn bè toàn gọi là “Bản cháy””, chị Sự chia sẻ.

Thương chồng, chị Sự ở nhà cố gắng chi tiêu một cách khoa học để tiết kiệm tiền trả nợ, nấu những món ăn ngon, bổ dưỡng để chồng có sức khỏe làm việc.

“Tôi nhờ bố mẹ ở quê mua gà, vịt, rau cỏ ở quê gửi lên hàng tuần, vừa tiết kiệm vừa ngon. Mùa nóng, tôi cũng tự tay làm các loại siro, nước ép để chồng và thợ giải nhiệt. Có tiền là tôi mang trả nợ chứ ít khi mua sắm quần áo, túi xách, giày dép như những người khác”, chị Sự cho hay.

Gia đình hạnh phúc của anh Bản và chị Sự.

Gia đình hạnh phúc của anh Bản và chị Sự.

Giờ đây, mới 30 tuổi nhưng vợ chồng anh Bản đã có một cuộc sống nhiều người mơ ước với 2 đứa con, 1 trai, 1 gái, có nhà, có ô tô riêng nhờ những tháng ngày nỗ lực không ngừng nghỉ. Mảnh đất anh chị đang ở cũng có người trả giá 57 triệu đồng/m2 nhưng anh chị không bán.

Chia sẻ thêm, anh Bản nói: “Ai cũng nghĩ bố mẹ nghèo, lương thấp không thể mua nhà Hà Nội, nhưng theo tôi, mình có đôi tay và trí tuệ thì làm gì cũng được nếu biết cố gắng, nỗ lực hết mình trong cuộc sống. Ngoài ra, còn phải có 1 chút may mắn nữa. Vậy nên, ai nói tôi có được ngày hôm nay là do nỗ lực của bản thân hay do ăn may tôi cũng không phản đối, bởi nếu nỗ lực mà không có may mắn thì cũng khó thành công”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh An ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN