Thạc sĩ trẻ sở hữu khối tài sản triệu USD khi rẽ ngang khởi nghiệp
Từng mất cả tỷ đồng trong những ngày đầu khởi nghiệp nhưng chàng trai sinh năm 1987 Trần Đức An vẫn quyết không bỏ cuộc. Đến nay, những nỗ lực của anh đã được đền đáp với khối tài sản tính bằng triệu USD.
Anh Trần Đức An sinh năm 1987 tại Kon Tum tốt nghiệp ngành Kế toán Kiểm toán, được giữ lại trường làm giảng viên và học thạc sỹ ngành Kinh tế. Tuy nhiên, những trăn trở trong việc muốn nâng tầm giá trị của cây sâm Ngọc Linh đã thôi thúc anh rẽ ngang để khởi nghiệp.
Chàng trai sinh năm 1987 chia sẻ bắt đầu để ý đến sâm Ngọc Linh từ năm 2010 khi tình cờ nghe mẹ nói mua nhiều sâm, nhưng không bán được, trong khi mỗi lạng hao đi thì mất tiền triệu. Để giúp đỡ mẹ bán được số hàng đã nhập về, anh đã sử dụng các mối quan hệ của mình, đăng thông tin lên các trang rao vặt trực tuyến và nhanh chóng bán được hàng, lợi nhuận cao.
Sau 10 năm rẽ ngang khởi nghiệp, anh Trần Đức An đang sở hữu khối tài sản cả triệu USD
“Từ câu chuyện đó, tôi nhận ra thị trường sâm Ngọc Linh rất trống. Và năm 2011, tôi quyết định nghỉ dạy ở trường, chuyển hẳn sang kinh doanh”, anh An chia sẻ về quyết định từ bỏ công việc ổn định của mình để rẽ ngang khởi nghiệp.
Vì chủ yếu phân bố ở vùng núi cao, điều kiện khí hậu đặc biệt nên khi ấp ủ khát khao xây dựng vườn sâm Ngọc Linh, anh An gặp phải rất nhiều khó khăn và thử thách. Những thất bại trong ngày đầu khởi nghiệp đã khiến anh mất đi số tiền lên tới cả tỷ đồng.
Anh kể, ở lần trồng thử nghiệm đầu tiên tại khu vực huyện Đăk Glei, anh đã bị thất bại sau 6 tháng. Toàn bộ những giống cây con anh thu mua được có giá trị gần 300 triệu đồng đã bị mất trắng.
Nguyên nhân là do độ ẩm của đất không phù hợp khiến cho củ sâm bị thối, một số rất ít còn lại thì không phát triển, sau một thời gian đã bị vàng lá và chết dần đi.
Lần trồng sâm thứ hai, anh tìm được nơi trồng sâm phù hợp tại huyện Tu Mơ Rông. Ở lần trồng này, cây sâm phát triển rất tốt trong năm đầu tiên, tỷ lệ sâm chết rất ít. Tuy nhiên, một vấn đề không may đã xảy ra, sau trận lũ lụt lớn đã quét toàn bộ những cây sâm đang phát triển xanh tốt theo dòng nước.
Chàng thạc sĩ trẻ cho biết đang sở hữu 48ha trồng sâm Ngọc Linh với giá trị cao
Nguyên nhân là do quy trình tạo độ dốc không cao và công tác làm luống sai kỹ thuật. Sau hai lần trồng sâm thất bại, tiêu tốn hàng tỷ đồng và công sức nhưng anh An vẫn không nản chí quyết tâm làm lại lần ba.
Cùng với đó, anh đã xây dựng xưởng để sản xuất một số chế phẩm về sâm như trà sâm Ngọc Linh, viên ngậm sâm Ngọc Linh, viên nang sâm Ngọc Linh, cao sâm Ngọc Linh và rất nhiều chế phẩm về sâm nữa đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Thời gian qua, những đơn hàng từ khắp nơi trên cả nước vẫn nhộn nhịp chuyển đến công ty, nhưng anh An nhận ra “nguồn sâm sẽ nhanh chóng cạn kiệt nếu cứ khai thác từ tự nhiên” và thị trường ngày càng có nhiều sự cạnh tranh, thậm chí xuất hiện việc trà trộn làm sâm giả. Điều này thôi thúc anh An tìm địa điểm và mua sâm gốc để trồng theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại.
Để có được những cây sâm tốt, anh phải lặn lội qua bao núi rừng thâm sâu, đến tận những khu vườn nhỏ lẻ của người dân để mua giống. Phải được họ thật quý mến và mình phải tâm huyết lắm với sâm Ngọc Linh thì họ mới chịu bán cho hạt giống và những cây giống non khoảng 3 năm tuổi rồi mang về gieo trồng. Vấn đề đau đầu nữa mà anh An gặp phải đó là vào mùa hạt sâm Ngọc Linh chín rộ, lũ chuột rừng thường tới cắn phá và ăn hạt, mặc dù đặt bẫy ngăn chặn nhưng vẫn không thể bắt hết giống “chuột quý tộc” này.
Để có thành công như ngày hôm nay anh cũng đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức
Vượt qua những khó khăn, thách thức, đến nay, anh đang làm chủ cơ ngơi 48ha trồng sâm, trong đó, có nhiều ha sâm lâu năm, từ 6-12 năm tuổi. Vườn sâm tạo việc làm thường xuyên cho 8 nhân viên và hàng trăm hộ dân địa phương.
Anh cũng cho biết sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng cây giống sâm Ngọc Linh theo phương pháp giao khoán cho người dân địa phương, vì họ có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm hiểu, nắm bắt địa hình, thời tiết cũng như thời gian sinh trưởng của sâm Ngọc Linh. Việc giao khoán cho người dân địa phương là phương án tối ưu nhất để theo dõi sự phát triển của sâm Ngọc Linh, đồng thời bảo vệ loài sâm quý hiếm luôn được an toàn dưới những tác động của môi trường cũng như nguy cơ trộm cắp từ nhiều đối tượng khác nhau.
Chàng thạc sĩ sinh năm 1987 cho biết doanh thu trong năm 2020 vừa qua của doanh nghiệp anh đạt 28 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính theo số lượng sâm tươi đang sở hữu thì có giá trị gấp 2-3 lần con số trên.
Không chỉ làm chủ nguồn giống tạo nền tảng vững chắc xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh, anh An và công ty còn cho ra đời nhiều sản phẩm từ loại thảo dược quý này, như trà hòa tan, collagen làm đẹp, cao sâm Ngọc Linh... “Tôi muốn đưa giá trị bổ dưỡng của sâm Ngọc Linh đến với đông đảo người tiêu dùng với mức giá hợp lý, để loại thảo dược này, mọi người dân Việt Nam đều có cơ hội được dùng đến”, anh An nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Đã từng làm phóng viên của một tờ báo, suốt 4 năm rong ruổi viết phóng sự, thế nhưng, Nguyễn Huy Ba lại bỏ phố về...