Tay trắng khởi nghiệp, 8X Thái Nguyên có doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm

Từ số vốn vay mượn ban đầu, đến nay chị Bế Phương Nga (Thái Nguyên) không chỉ tạo ra cho mình nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp nhiều người trong vùng thoát khỏi cái nghèo.

Chị Phương Nga sinh năm 1984 là người dân tộc Nùng tại huyện Võ Nhai – Thái Nguyên, từng theo học ngành Y học cổ truyền từ năm 2001 tại trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh, sau khi ra trường chị tiếp tục học thêm và tốt nghiệp Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam năm 2013.

Dù có công việc ổn định trong một phòng khám đông y, nhưng chứng kiến những vất vả của các thầy thuốc trong việc sơ chế, bốc, sắc thuốc cho người bệnh; cũng như chứng kiến cảnh những cây thuốc nam trong nước hàng ngày được thu mua với giá rẻ mạt, cô gái dân tộc Nùng đã nung nấu ý định mở cơ sở bào chế thuốc đông y và phát triển thuốc nam tiện lợi cho việc sử dụng với cả thầy thuốc và bệnh nhân.

Chị Phương Nga chia sẻ đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức trước khi gặt hái được những thành công trong quá trình khởi nghiệp của mình  

Chị Phương Nga chia sẻ đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức trước khi gặt hái được những thành công trong quá trình khởi nghiệp của mình  

Để thực hiện kế hoạch khởi nghiệp của mình, đầu năm 2017 chị quyết định vay mượn từ bố mẹ, anh em, bạn bè số tiền 500 triệu đồng để phát triển cơ sở chế biến dược liệu tại quê hương của mình là huyện Võ Nhai – Thái Nguyên. Những đối tượng khách hàng chị hướng tới là những thầy thuốc đông y và những cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền nhỏ lẻ.

Ban đầu, cũng giống như tất cả những người khởi nghiệp khác, chị bị khách hàng nghi ngờ về chất lượng dịch vụ và thuốc, nhưng sự tâm huyết kiên trì, hiểu biết chuyên môn sâu, cùng với tính cách thân thiện của mình, chị đã khiến nhiều người tin tưởng.

Chị Phương Nga chia sẻ: "Quả thực là chẳng hề dễ dàng chút nào để tự thân mình vừa tập trung phát triển nghề thuốc vừa quản trị kinh doanh. Không ít lần, mình đã rơi vào cảnh lao đao khi tự mình phải cân đối hai công việc song song 1 lúc. Phải thú nhận rằng, đã có thời điểm mình thấy mọi thứ dường như quá sức, chán nản muốn buông xuôi”.

Trước những khó khăn phải đối mặt, chị đã dành thời gian để rà soát lại từng công đoạn đã thực hiện thời gian qua để rút kinh nghiệm và đề ra chiến lược mới trong việc tiếp cận khách hàng.

Để giải quyết những vấn đề gặp phải, một mặt chị tập trung trong việc xây dựng nguồn nguyên liệu chất lượng. Một mặt tập trung trong việc xây dựng các kênh bán hàng, giới thiệu sản phẩm... “Dần dần hợp tác với một số người nữa, được giúp đỡ mình rất nhiều nên việc kinh doanh đi vào hoạt động ổn định hơn”, chị Phương Nga cho biết.

Với sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, đã giúp chị từng bước thực hiện kế hoạch đặt ra. Sau những nỗ lực thì những sản phẩm của chị dần dần cũng nhận được sự tin tưởng của nhiều thầy thuốc, nhà thuốc cũng như người sử dụng.

Nhận thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm thiên nhiên để chăm sóc sức khỏe, chăm sóc cơ thể của người dân ngày càng cao. Nên từ nguồn nguyên liệu sẵn có, chị cùng các đồng nghiệp đã lên ý tưởng và phát triển sản phẩm tắm cho trẻ em từ dây kim ngân, sài đất, hạt mùi… các sản phẩm đóng túi lọc nên an toàn và thân thiện với môi trường nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao.

Thông qua các hội chợ, triển lãm giúp chị từng bước quảng bá sản phẩm của mình tới người sử dụng

Thông qua các hội chợ, triển lãm giúp chị từng bước quảng bá sản phẩm của mình tới người sử dụng

Năm 2019, được sự hỗ trợ của một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội, cơ sở sản xuất của chị cho ra đời sản phẩm cao bồ kết gội đầu. Chị chia sẻ, sản phẩm này không có bọt, hương bồ kết hoàn toàn tự nhiên và vỏ bưởi dành cho người dễ bị kích ứng da đầu, người bị viêm da, vảy nến, mẩn ngứa; những người hay gãy rụng tóc, nhiều gàu; và đã được người tiêu dùng đón nhận tốt.

Cũng trong năm 2019 – 2020, dự án “trồng, thu hái và sản xuất dược liệu tại huyện Võ Nhai” của nhóm đã nhận được hỗ trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) cho quá trình xây dựng phát triển thương hiệu, hỗ trợ chuyên môn về phát triển sản phẩm. 

Năm 2020, sản phẩm trà Giảo cổ lam 5 lá Võ Nhai – với nguồn nguyên liệu là cây giảo cổ lam 5 lá được bà con dân tộc thiểu số thu hái từ dãy núi đá vôi rộng lớn của huyện Võ Nhai – tỉnh Thái Nguyên do bên chị sản xuất đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.

Với hệ thống bán hàng là các cộng tác viên, nhà thuốc y học cổ truyền đã xây dựng được trong nhiều năm nên những sản phẩm mới ra của chị nhanh chóng được thị trường đón nhận. Cùng với đó, chị cũng tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm của tỉnh cũng như các tỉnh khác để giới thiệu sản phẩm của mình.

Sau những khó khăn, vất vả đã trải qua, chị Phương Nga chia sẻ doanh thu của doanh nghiệp của mình đã lên tới cả tỷ đồng mỗi năm. Điều này không chỉ giúp cho chị và các đồng nghiệp từng bước có được nguồn thu nhập ổn định mà dự án còn giúp nhiều bà con người dân tộc có thêm thu nhập từ việc cung cấp nguyên liệu cho cơ sở sản xuất.

Từ những thành quả đã gặt hái được trong những năm qua, chị Phương Nga cho biết mục tiêu của mình trong thời gian tới là phát triển, bảo tồn các bài thuốc dân gian có tác dụng tốt, có lợi cho người tiêu dùng.

Cùng với đó là từng bước tạo vùng nguyên liệu bền vững phục vụ sản xuất và cung cấp dược liệu sạch cho các thầy thuốc đông y cũng như tạo thêm nhiều việc làm cho bà con dân tộc thiểu số tại huyện Võ Nhai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN