Lần đầu tiên tại Shark Tank VN: Nhà đầu tư cá cược mất 2,5 tỷ nếu startup thành công
Lần đầu tiên trong lịch sử Shark Tank Việt Nam, “cá mập” đưa ra lời thách thức, cá cược sẽ mất 2,5 tỷ nếu startup thành công.
Lê Thị Thùy Linh – người sáng lập ứng dụng “Tối nay ăn gì” mở màn tập 6 Shark Tank mùa 3 với lời mời 2,5 tỷ đồng cho 1% cổ phần công ty, kèm ưu đãi voucher sử dụng miễn phí trọn đời sản phẩm. Startup cho biết ý tưởng kinh doanh này nhằm mục đích giúp những người phụ nữ hiện đại vừa đảm đương công việc ngoài xã hội vừa chu toàn việc nhà.
Thùy Linh giới thiệu “Tối nay ăn gì” là một Mobile App giúp cho khách hàng có thể nhanh chóng tìm thấy thực đơn ưa thích của gia đình mình trên app, đặt mua nguyên liệu nhanh chóng và nhận thực phẩm được sơ chế tiện dụng tại địa điểm nhận hàng mà mình chọn. Thực phẩm tươi, sạch, lành mạnh, với thời gian từ lúc thu hái tới lúc chế biến không quá 24h để giữ được hương vị và chất dinh dưỡng. Thời gian giao hàng diễn ra nhanh chóng thuận tiện cho người mua.
Được thành lập cách đây 3 năm, startup hiện đã phát triển được 6 ứng dụng xoay quanh việc vận hành của “Tối nay ăn gì” bao gồm: Mobile App cho người dùng, Mobile App cho Coder, Mobile App cho nhà cung cấp, Mobile App cho đơn vị vận chuyển và Web App dùng cho Help BOT quản lý hoàn toàn hệ thống và 1 Website.
Cô gái trẻ 26 tuổi - người sáng lập ứng dụng "Tối nay ăn gì" đến Shark Tank kêu gọi vốn đầu tư.
Chia sẻ về doanh thu, Thùy Linh cho hay, ứng dụng triển khai chạy thử trong 1 tháng đã đạt doanh số 700 triệu đồng. Tuy nhiên, startup đã cho dừng lại để hoàn thiện ứng dụng. Trong 60 khách hàng áp dụng thử nghiệm, “Tối nay ăn gì” ghi nhận 40 khách hàng sử dụng thường xuyên tối thiểu 5 lần/ tuần và 19 khách hàng sử dụng ít hơn.
Dù sản phẩm vẫn chưa chính thức tung ra thị trường, Thùy Linh đã tự tin định giá doanh nghiệp ở mức 250 tỷ đồng. Điều này khiến các nhà đầu tư nghi ngờ về định giá công ty. Thùy Linh giải thích IRR (hiệu suất lợi nhuận) rơi vào khoảng 18%, tối đa doanh thu 400 tỷ trong vòng 1 năm chia cho phí sử dụng vốn 6 tỷ/ năm. Vì vậy, startup này định giá doanh nghiệp rơi vào khoảng 225 tỷ. Thùy Linh tự tin cam kết: “Theo dự tính, cuối năm thứ 2 chúng tôi có thể đạt được 400 tỷ doanh thu, cỡ 9 tháng là hòa vốn”.
Giải đáp thắc mắc về lợi thế cạnh tranh của “Tối nay ăn gì”, nhà sáng lập cho hay sản phẩm có hai điểm khác biệt. Thứ nhất, giao diện của người đặt hàng, không hề hiển thị bất kỳ chữ nào trên giao diện đặt hàng, người dùng chỉ cần thao tác lựa chọn món ăn vào mâm cơm riêng. Thứ hai, ứng dụng có thể thu thập các dữ liệu sức khỏe của người thân, người dùng để nắm bắt, tính toán được độ tuổi, chiều cao, cân nặng của khách.
Thùy Linh cũng khẳng định, với các đối thủ đang áp dụng mô hình gần như tương tự, phần thực phẩm chế biến sẵn của siêu thị hay cửa hàng thực phẩm đều vô cùng nghèo nàn và không định vị người bán với người mua hàng tối ưu như “Tối nay ăn gì”.
Đề cập đến nguồn nguyên liệu thực phẩm và kiểm soát hàng tồn, nhà sáng lập cho hay công ty đang chịu sự phụ thuộc nguyên liệu từ nhà cung cấp. Đồng thời, Thùy Linh vẫn đang tìm đơn vị để ký kết bảo hiểm quyền lợi cho khách hàng. Còn các sản phẩm “bị bom hàng” sẽ được lưu kho trong 72 giờ và chuyển vào các bếp ăn của bệnh viện hoặc trại trẻ mồ côi.
Đánh giá mô hình của startup chưa chín muồi, chưa trúng “long mạch” mà đã lên gọi vốn với giá trị không tưởng Shark Bình đưa ra dẫn chứng: 92% startup trên thế giới ra đời bị chết trong 3 năm đầu, 47% trong số đó làm những thứ mà xã hội không cần hoặc có cũng được mà không có cũng được. Và “Tối nay ăn gì” cũng đang mắc sai lầm tương tự như thế khi đây là mô hình đã được các chuỗi siêu thị triển khai chứ không phải là ý tưởng mới như startup tự tin. “Vị cá mập mới” quyết định không đầu tư và khuyên startup nên tính toán kỹ và cân nhắc thay đổi mô hình kinh doanh.
Shark Dzung Nguyễn lại cho rằng sản phẩm có nhu cầu thị trường, tuy nhiên startup chưa phân biệt được mình đang là công ty thực phẩm ứng dụng công nghệ hay công ty công nghệ cung cấp thực phẩm và mù tịt về các lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, đến khi startup chín muồi, nhà đầu tư có thể bắt tay cùng startup.
Shark Hưng tuyên bố rút lui vì mô hình, hướng đi của startup không hợp lý. Shark Đỗ Liên cũng từ chối khi cho rằng startup chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm.
Sau màn thương thuyết, Shark Việt là người duy nhất chấp nhận đầu tư vào dự án này.
Bị 4/5 “cá mập” từ chối, startup tiết lộ thêm thông tin công ty có hai cổ đông với số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, hiện đã rót vào 19 tỷ đồng. Đội ngũ công nghệ của “Tối nay ăn gì” gồm 8 người.
Sau phần chia sẻ của startup, Shark Việt đã đưa ra đề nghị 2,5 tỷ đồng cho 36% cổ phần vì tin tưởng vào Thùy Linh và đội ngũ của “Tối nay ăn gì”. Shark Việt bày tỏ mong muốn góp phần giúp startup bổ sung những thiếu sót trong việc định hình lại mô hình kinh doanh cũng như phương án kinh doanh của mình.
Sau thời gian đắn đo và hội ý, Thùy Linh đã gật đầu hợp tác cùng Shark Việt. Tưởng như thương vụ khép lại, startup lại bất ngờ nhận ngay lời thách thức đến từ Shark Bình.
Không tin mô hình startup đang theo đuổi có thể thành công, Shark Bình tuyên bố: “Từ sự tiếc rẻ 19 tỷ vốn điều lệ đã đóng và 2,5 tỷ Shark Việt sắp góp anh xin em đừng làm mô hình kinh doanh này nữa vì em sẽ mất tiền. Anh cá với em thêm 2,5 tỷ nữa nếu em làm thành công mô hình này. Anh xin em hãy chuyển mô hình kinh doanh đi như anh đã gợi ý”.
Bắt tay cá cược với “vị cá mập này” trước sự chứng kiến của 4 nhà đầu tư khác, nhà sáng lập “Tối nay ăn gì” thể hiện sự quyết tâm cao độ để chứng minh cho Shark thấy sự tiềm năng từ ý tưởng kinh doanh của mình.
Trong tập 5 Shark Tank mùa 3, màn gọi vốn chính xác đến hàng đơn vị đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người...