Kỹ sư vận tải bỏ công việc nghìn đô về quê làm nước mắm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Đang là kỹ sư vận tải biển tại Hải Phòng với mức lương từ 25-30 triệu đồng/tháng nhưng anh Nguyễn Thế Hoàng đã từ bỏ tất cả để về quê, phát triển nghề làm nước mắm truyền thống.

Sinh và lớn lên tại xã ven biển Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (nay là phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), anh Nguyễn Thế Hoàng cho biết, cả tuổi thơ anh đã gắn bó với những câu chuyện về biển cả, những con tôm, con cá hay những chuyến ra khơi đi đánh bắt thủy hải sản của người dân làng chài.

Đặc biệt hơn, sau này ra Hà Nội đi học rồi vào làm việc ở TP. Hồ Chí Minh hay Hải Phòng, anh Hoàng vẫn luôn mang theo những chai nước mắm quê và đùm cá khô cho bớt nhớ quê nhà.

“Bữa cơm nào cũng tôi cũng phải có nước mắm quê mình. Mặc dù được đi nhiều nơi, thưởng thức hải sản và vị mắm của nhiều vùng nhưng đối với tôi, vị mắm nơi mình sinh ra luôn là món chấm ngon nhất”, anh Hoàng kể.

Bỏ công việc nghìn đô, anh Hoàng về quê làm nước mắm.

Bỏ công việc nghìn đô, anh Hoàng về quê làm nước mắm.

Hơn 13 năm xa quê, anh Hoàng đang có công việc ổn định với mức lương vài chục triệu đồng/tháng, vợ anh cũng đang làm quản lý tại một công ty sản xuất giấy nhưng lúc nào trong lòng anh cũng nghĩ về nghề làm mắm, về những chum mắm truyền thống của quê nhà ngày càng bị mai một.

“Ông tôi kể rằng, vào những năm đầu thập niên 40, bà con vùng biển quê tôi còn nghèo lắm, ông đã cùng bạn thuyền chở những chum, vại nước mắm, mắm tôm, chua, dong thuyền buồm xuôi theo đường ven biển về Chợ Mơ (Hà Nội), Bắc Ninh, Hưng Yên… để buôn bán và trao đổi sản vật. Những chuyến đi như thế thường kéo dài 3-4 tháng, chính vì thế cuộc sống đỡ vất vả hơn. Khó khăn như thế nhưng người dân vẫn giữ nghề làm mắm”, anh Hoàng nói.

Thay vì ủ cá trong các chum vại, bể chứa như trước, anh Hoàng ủ bằng thùng gỗ có thể ủ được 8 tấn/mẻ.

Thay vì ủ cá trong các chum vại, bể chứa như trước, anh Hoàng ủ bằng thùng gỗ có thể ủ được 8 tấn/mẻ.

Câu chuyện của ông khiến anh Hoàng ngày đêm trăn trở với nghề làm nước mắm truyền thống của quê hương. Ngoài ra, nhận thấy tiềm năng phát triển nghề làm mắm khi nhà anh gần ngay cảng cá Lạch Bạng, nơi có hàng trăm tàu cá đi về mỗi ngày, cung cấp nguồn nguyên liệu cá cơm tươi để làm nước mắm và tép moi để làm mắm tép, tôm..  anh đã quyết định bỏ việc về quê.

Hơn 1 tháng, anh Hoàng đã lang thang khắp các vùng ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Quốc, lặn lội tới nhiều làng nghề để trau dồi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật cải tiến phương thức sản xuất.

Dựa trên nền tảng sẵn có của gia đình cùng số vốn có được và vay mượn thêm anh em, bạn bè, anh Hoàng đã tiến hành xây dựng nhà xưởng rộng gần 500m2, mua sắm trang thiết bị, nguyên vật liệu, đầu tư thùng gỗ, bao bì, chai lọ, nhãn mác và thành lập hộ kinh doanh.

Cơ sở sản xuất nước mắm của anh Hoàng đang tạo việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương.

Cơ sở sản xuất nước mắm của anh Hoàng đang tạo việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương.

Thay vì sử dụng phương pháp đánh khuấy trong các chum vại hoặc bể xi măng như trước đây, anh Hoàng đã chọn làm nước mắm từ cá cơm ủ trong thùng gỗ với muối theo phương pháp gài nén.

“Tôi làm 5 thùng gỗ, mỗi thùng ủ được khoảng 8 tấn cá và muối theo tỷ lệ 3-1. Sau thời gian ủ từ 24-36 tháng sẽ được kéo rút qua hệ thống lọc và chuyển vào các bể chứa, chiết rót và đóng chai theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, chất lượng và bán ra thị trường”, anh Hoàng phân tích.

Những ngày đầu, vì là sản phẩm mang tên thương hiệu mới nên anh Hoàng rất khó tiếp cận khách hàng và mời họ dùng thử. Anh phải mang nước mắm của mình đến các hội chợ ở khắp các tỉnh trong cả nước để giới thiệu, tiếp cận khách hàng.

Dần dần, sau 4 năm, thương hiệu nước mắm do anh Hoàng xây dựng đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Cơ sở sản xuất nước mắm và mắm tôm, tép của anh cũng tạo việc làm cho hơn 10 lao động trực tiếp tại địa phương với mức lương từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Nước mắm do cơ sở anh sản xuất cũng đã có mặt ở các chợ, cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt hơn, đây cũng là sản phẩm được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Năm 2020, anh Hoàng đã đứng ra thành lập HTX chế biến thủy sản tại quê hương, thu hút các hộ làm mắm truyền thống trên địa bàn tham gia. Không những thế, anh Hoàng còn kí kết thành công hợp đồng cung ứng sản phẩm cho một doanh nghiệp của Nga. Mắm chua của anh Hoàng cũng đã được gia công để xuất khẩu đi Nhật Bản với đơn hàng 10 tấn/lần.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Hoàng cho biết, trong năm 2021, anh sẽ tiếp tục đầu tư nhà xưởng mới rộng 700m2, bao gồm cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm, văn phòng làm việc khang trang và máy móc, dây chuyền chiết rót tự động, hệ thống khép kín để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, giới thiệu các sản phẩm của quê hương ra thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Khốn đốn vì Covid-19, nữ giám đốc đi buôn hoa quả, biến văn phòng thành kho chứa hàng

“Covid-19 ập đến, hệ thống Homestay kết hợp dạy ngoại ngữ của tôi sập luôn, không giáo viên, không học sinh. Để có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN