Khởi nghiệp với đặc sản quê hương, 8X Huế có doanh thu cả tỷ đồng/năm

Từng trải qua nhiều thất bại trong những ngày đầu bỏ công việc ổn định ra khởi nghiệp, đến nay chị Phạm Thị Diệu Huyền – một 8X tại Huế đang bắt đầu thu được những trái ngọt từ niềm đam mê của mình.

Chị Phạm Thị Diệu Huyền sinh năm 1985 tại phường Thuận Thành, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế chia sẻ từng học ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Sau 7 năm mưu sinh nơi xứ người cùng với nhiều kinh nghiệm tích luỹ, chị quyết định trở về quê hương khởi nghiệp.

Chị Diệu Huyền bắt đầu thu được những trái ngọt từ niềm đam mê với cây sen Huế

Chị Diệu Huyền bắt đầu thu được những trái ngọt từ niềm đam mê với cây sen Huế

Chị Diệu Huyền cho biết, Huế là thành phố du lịch gắn với quà tặng và đặc sản, nhưng hiện nay sản phẩm quà tặng của Huế chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Huế có rất nhiều đặc sản, nhưng có rất nhiều các sản phẩm ngày càng bị mai một và thất truyền. Có sản phẩm thì không được làm bài bản chuyên nghiệp, không có bao bì, gắn nhãn mác vệ sinh an toàn thực phẩm…

Thời gian đầu, chị bắt đầu với nhiều nghề khác nhau từ bán quà tặng cho khách du lịch, kinh doanh quán cà phê, bán các sản phẩm đặc trưng của xứ Huế... Tuy vậy, những lần kinh doanh này của chị đều chưa thành công.

Khi bắt đầu khởi động dự án và trồng sen trắng trên mặt ao với diện tích lớn vào năm 2019 nhằm phát triển kinh tế và bảo tồn giống nhiều người cho rằng chị đang “mạo hiểm”.

Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp với sen trắng, chị Huyền cho biết: "Tôi muốn có nhiều sen trắng sáng sớm ngát hương ở cố đô và muốn nâng tầm giá trị cây sen trắng bằng những sản phẩm đặc sắc. Đây là dự án tâm huyết của tôi, tôi muốn làm một cái gì đó giúp Huế ngày càng phát triển và du khách cũng biết đến Huế nhiều hơn".

Để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình, chị đã tìm đọc những tài liệu về việc trồng sen, cách thức trồng sen cũng như những khó khăn, bệnh tật của sen trong việc nuôi trồng.

Cùng với đó, chị cũng có những buổi gặp các nông dân trồng sen lâu năm, các nghệ nhân trồng sen tại Huế để học tập và kết hợp trong việc tìm giống, nuôi trồng và chăm sóc.

Những ngày đầu, chị phải lội bùn trồng sen, vớt bèo, dầm mưa dãi nắng, cách xử lý nguyên liệu qua máy móc, bị lỗ vốn..., dù khó khăn nhưng chị vẫn không nản lòng, vẫn tiếp tục theo đuổi việc trồng sen.

Nữ giám đốc trẻ đang hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường và xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài

Nữ giám đốc trẻ đang hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường và xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài

Sau một thời gian trồng thử nghiệm và rút ra những kinh nghiệm, chị dần trồng thành công loại sen trắng đặc trưng của Huế. Chị Huyền chia sẻ: “Hoa sen trắng dường như chỉ thích hợp với thổ dưỡng ở Huế. Sen trắng có năng suất thấp so với sen hồng, nhưng bù lại nó có sắc, hương và hàm lượng dinh dưỡng cao”.

Tâm huyết với sen, chị đã xin Ban quản lý Trung tâm bảo tồn di tích Huế để được trồng sen bên trong lăng, trong thành hào từ giữa cửa Nhà Đồ đến cầu Dã Viên, đồng thời thuê thêm các hồ của người dân để mở rộng diện tích trồng sen.

Chị cho biết, việc dọn hồ, làm sạch mặt hồ là mất nhiều công sức nhất, phải triển khai mất 6 tháng để nạo vét, đưa nước sạch vào hồ, loại bỏ mọi ô nhiễm. Công đoạn này lúc ban đầu gặp nhiều trắc trở và nguồn vốn bỏ ra tương đối lớn.  

“Có nhiều lúc tôi gặp phải khó khăn, công việc quá nhiều. Thú thật là tôi cũng đã có lúc định rời bỏ công việc khó khăn này, nhưng ông xã đã hiểu được tâm huyết của vợ, hy sinh cả công việc để cùng tôi phát triển sen Huế”, cựu cử nhân công nghệ sinh học thừa nhận.

Với niềm yêu thích mãnh liệt với sen, chị và chồng đã hoàn thành được khối công việc đồ sộ để vừa làm đẹp cảnh quan du lịch thành phố, vừa làm ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.   

Để có được thành phẩm trà sen chị Huyền cũng đã gặp nhiều chuyên gia, đọc nhiều sách về hoàng cung và thử nhiều công thức pha chế. Sen trồng và được ướp trực tiếp ngay tại hồ, từ đó mang vị ngọt thanh, hương thơm nhẹ nhàng từ những búp hoa trà tươi và chất lượng. Trà được ướp một cách tỉ mỉ cùng với nhụy sen, giữ kín trong cánh hoa và lá.

Chị Huyền hiện đã có khoảng 10 hecta trồng sen và ngoài trà sen, chị còn sản xuất ra các sản phẩm khác như: hạt sen tươi, hạt sen khô, trà hoa sen sấy, trà lá sen, tranh sen, trà tim sen,….

Chị cũng đã sáng tạo để đưa chất liệu màu sắc, mô típ của văn hóa Huế vào họa tiết, mẫu mã bao bì sản phẩm

Chị cũng đã sáng tạo để đưa chất liệu màu sắc, mô típ của văn hóa Huế vào họa tiết, mẫu mã bao bì sản phẩm

Cùng với đó, chị cũng kinh doanh thêm các đặc sản đặc trưng của Huế như kẹo cau, kẹo đậu nành, mè vừng, mè xửng, bánh ép, bánh đậu xanh cháy, mứt gừng, nghệ, hạt sen, thanh trà,... Với các loại bánh kẹo đặc sản, chị không lấy hàng qua trung gian mà tìm về tận nơi sản xuất để ký hợp đồng liên kết.

Chị chia sẻ, hiện tại đã đưa được đa dạng các sản phẩm ra thị trường với đúng các tiêu chí và tinh thần đặt ra khi khởi nghiệp, doanh thu cũng đã đạt cả tỷ đồng mỗi năm. Ngoài thị trường Huế, một số dòng sản phẩm của chị đã vào được hệ thống bán hàng ở các sân bay, một số căn-tin trường học ở TP. Hồ Chí Minh và xuất ngoại theo con đường tiểu ngạch.  

Để có thể đưa những sản phẩm của mình đi xa hơn, chị cũng đã không quản ngày đêm mày mò sáng tạo, đưa chất liệu màu sắc, mô típ của văn hóa Huế vào họa tiết, mẫu mã bao bì sản phẩm. Theo đó, chị đã áp dụng tranh làng Sình xứ Huế vào bao bì các loại sản phẩm đặc trưng. Từ màu sắc tranh làng Sình chị phác thảo thêm những bức tranh phong cảnh xứ Huế trên bao bì sản phẩm.

Chị cho biết, ngoài thưởng thức sản vật đặc trưng của Huế, cũng muốn giới thiệu với du khách những câu chuyện về văn hóa, đặc biệt là về loài sen trắng đặc sản của thành phố Huế. Chị cũng mong muốn trong tương lai sẽ đưa những sản phẩm của sen Huế đi đến mọi miền tổ quốc và xuất khẩu ra nước ngoài.

Cô gái Huế chi 200 triệu sửa nhà cũ thành tổ ấm trên đồi ”vạn người mê”

Ngôi nhà hoa giấy Lavin Home ẩn mình trên dốc đồi Lê Ngô Cát, Thủy Xuân, Thừa Thiên Huế. Căn nhà ủ hương thơm của giấy,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN