Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, 9x nay thu về cả tỷ đồng/năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Khi quyết định trở về quê khởi nghiệp, 9x phải vay vốn toàn bộ để xây dựng nhà xưởng, chi phí sản xuất… Sự cố gắng được đền đáp qua từng ngày cố gắng, nay anh đã có doanh thu lên đến cả tỷ đồng/năm.

Thời điểm quyết định trở về quê khởi nghiệp là lúc anh Bùi Văn Thành (trú tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng) gặp nhiều khó khăn nhất. Trong tay anh lúc đó, tiền không có, kinh nghiệm sản xuất cũng không, chưa kể một mình phải làm tất cả mọi việc, mặt hàng thì bị cạnh tranh rất nhiều.

“Lúc đó, tôi trở về quê hương khi trong tay không có một đồng nào. Tôi đã phải vay vốn khắp nơi về làm. Thời kỳ đầu khi làm, tôi phải thành lập doanh nghiệp cụ thể là hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Sau đó xây dựng nhà xưởng, đầu tư sản xuất, các chi phí khác nữa… mà lợi nhuận thì chưa có, hàng bán ra bấp bênh…”, anh kể lại.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi anh lựa chọn làm các sản phẩm từ con rươi – đặc sản của quê hương anh. Việc đưa rươi trở thành sản phẩm đúng nghĩa, tại thời điểm đó lại chưa có ai làm nên anh phải tự mò mẫm, thử nhiều lần.

Anh Thành trở về quê khởi nghiệp với các sản phẩm từ rươi.

Anh Thành trở về quê khởi nghiệp với các sản phẩm từ rươi.

Trước đó, anh theo học ngành Kinh tế Ngoại thương của trường ĐH Hàng hải Việt Nam. Ra trường anh làm sales, môi giới bất động sản, môi giới xe, kinh doanh khóa học, kinh doanh các mặt hàng nông sản… nên anh không có kinh nghiệm trong việc chế biến nông sản, cụ thể là sơ chế và chế biến rươi.

“Tôi phải mất đến 2 năm mới hoàn thiện được sản phẩm. Khoảng thời gian đó, tôi cũng chỉ tiêu tiền đi chứ không thu lại được đồng nào”, anh Thành cho hay.

Khi hoàn thiện sản phẩm, anh lại gặp hàng loạt các khó khăn khác. Cụ thể, anh phải cạnh tranh với chính khách hàng của mình vì những người có nhu cầu họ thường tự mua rươi tươi về cấp đông. Chả rươi thì mỗi tỉnh thành lại có đặc trưng riêng, làm theo cách khác nhau nên cần thêm thời gian để vào thị trường. Khi làm sản phẩm này, anh phải cần rất nhiều vốn để nhập về và ủ rươi để bán trái vụ nên vốn tồn đọng cũng nhiều bởi con vật này chỉ có một vụ trong năm và giá thành nguyên liệu đầu vào rất cao.

Để khắc phục những khó khăn đó, anh đã chọn thị trường ngách cho riêng sản phẩm của mình (hướng tới tệp khách hàng đã định trước) nên anh giảm thiểu được yếu tố cạnh tranh, thậm chí còn không bị cạnh tranh bởi các đối thủ khác. Anh luôn nhận được sự ủng hộ từ gia đình, chính quyền địa phương, phòng Nông nghiệp huyện và các Chi, Cục thuộc Sở Nông nghiệp nên thủ tục, giấy tờ nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Anh cho biết con vật này là đặc sản của quê hương mình nhưng lại ít người biết tới nên anh muốn làm các sản phẩm từ rươi và bán rộng rãi ra thị trường.

Anh cho biết con vật này là đặc sản của quê hương mình nhưng lại ít người biết tới nên anh muốn làm các sản phẩm từ rươi và bán rộng rãi ra thị trường.

Bên cạnh đó, anh vận dụng được một số kiến thức, kỹ năng của các công việc trước vào công việc hiện tại nên việc bán hàng cũng gặp khá nhiều thuận lợi.

Nói về lý do về quê khởi nghiệp, anh Thành cho biết xuất phát ban đầu là do anh kinh doanh nông sản tại Quảng Ninh. Anh được đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều đặc sản trên khắp Việt Nam để tìm đầu vào cho cửa hàng mà anh đang làm. Thời gian đó, anh có tìm hiểu về đặc sản Hải Phòng như: bánh đa cua, thuốc lào, hải sản, rươi… Toàn là các đặc sản nổi tiếng nhưng trên kệ siêu thị, trên thị trường lại là bánh đa cua Hải Dương, thuốc lào Thanh Hóa, hải sản Quảng Ninh, rươi Tứ Kỳ. Thực trạng như vậy khiến anh cảm thẩy rất buồn và xót xa.

Là người con của Hải Phòng, anh quyết định trở về quê để góp phần đưa đặc sản của quê hương ra thị trường. Anh lựa chọn rươi để khởi nghiệp là bởi anh tìm hiểu là trên địa bàn Hải Phòng chưa có ai làm thương hiệu cho sản phẩm này và đó lại là đặc sản của quê anh.

“Diện tích canh tác rươi ở Hải Phòng lên tới 2.000 ha, lớn nhất cả nước, riêng huyện Vĩnh Bảo quê tôi đã có đến trên 600 ha. Tôi mong muốn cho người nhiều biết đến con rươi, tầm quan trọng khi gìn giữ môi trường sống cho chúng. Bởi rươi phải cần sống trong môi trường rất sạch, con người muốn ăn rươi thì phải bảo vệ môi trường trước. Đó cũng là một cách để bảo vệ môi trường”, anh cho hay.

Hiện, hợp tác xã của anh đã cung cấp ra thị trường khoảng 500 sản phẩm mỗi tháng, thu về khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Hiện, hợp tác xã của anh đã cung cấp ra thị trường khoảng 500 sản phẩm mỗi tháng, thu về khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Đến nay, sau khoảng 3 năm khởi nghiệp, hợp tác xã của anh đã cung cấp ra thị trường khoảng 500 sản phẩm mỗi tháng, gồm có: rươi đông lạnh và chả rươi. Hai mặt hàng này đều là sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao của Hải Phòng. Với số lượng bán ra này, mỗi năm anh thu về khoảng 1 tỷ đồng.

Anh cho biết dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nước ta trong năm nay nhưng doanh nghiệp của anh không bị ảnh hưởng nhiều do thị trường vẫn còn quanh miền Bắc, chỉ bị gián đoạn một khoảng thời gian lúc vận tải giữa các tỉnh với Hải Phòng bị ách tắc. Còn các khoảng thời gian khác, anh vẫn duy trì hoạt động kinh doanh bình thường. Và thời điểm vào vụ rươi, dịch đã bớt căng thẳng.

Thời gian tới, anh dự định sẽ đưa sản phẩm của mình có mặt trên khắp các tỉnh, thành của cả nước. Sau đó, anh sẽ tìm hiểu, chuẩn bị những thứ cần thiết cho việc đưa sản phẩm ra nước ngoài, kế hoạch là có thể xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào năm 2024. Bên cạnh đó, anh cũng nghiên cứu để phát triển thêm 2 sản phẩm mới nữa là mắm rươi và rươi kho.

Nguồn: [Link nguồn]

Cầm 30 triệu đồng để khởi nghiệp, 9x xứ Thanh thu về hơn tỷ đồng mỗi năm

Chỉ có vỏn vẹn 30 triệu đồng tiết kiệm, 9x gây dựng lại sự nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Doanh thu trung bình...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN