Khởi nghiệp từ số 0, chàng trai 8X mua được nhà và xe cùng cơ ngơi nhiều người mơ ước
Sau 8 năm khởi nghiệp từ con số không tròn trĩnh, đến nay anh Bùi Tường đã mua được nhà, xe cùng một công ty riêng với hơn 60 nhân viên. Đây được xem là một sự nghiệp nhiều người mơ ước, dù vậy, ông bố 8X quê Nam Định cho biết vẫn cần phải nỗ lực hơn rất nhiều bởi sự cạnh tranh trên thương trường là ngày càng lớn.
Anh Bùi Tường (1986) chia sẻ sau khi tốt nghiệp Đại học, bản thân có 2 năm kinh nghiệm làm việc tại FPT Software với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, sau khi về nhà nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm 2011, anh đã quyết định nghỉ việc để tìm một con đường đi riêng cho mình.
Ông bố sắp 2 con thừa nhận, 2 tháng đầu nghỉ làm để tìm hiểu lối đi riêng là căng thẳng nhất, đã nhiều lần anh nản định đi làm trở lại.
Anh Bùi Tường cho biết để có được sự nghiệp như ngày hôm nay đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn
Sau một thời gian tìm hiểu, anh quyết định lựa chọn con đường làm đồ chơi bằng gỗ theo phong cách của Nhật để khởi nghiệp. Anh Tường cho biết bản thân mình bắt đầu bằng con số 0 theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi khi đó không biết gì về gỗ, không biết gì về máy sản xuất gỗ, cũng không biết gì về sơn. Nói như anh thì giai đoạn khởi nghiệp này là “1 chữ bẻ đôi về nghề gỗ nhưng cũng không biết”.
Nhờ một người quen ở Nhật gửi về cho 1 lô đồ chơi, anh đã mang túi đồ này đi khắp các làng nghề từ: Chàng Sơn, Nhị Khê, Nguộn, Đào Thục,... để tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm từ những người am hiểu về đồ gỗ và sơn gỗ tại các làng nghề.
Sau khi tích lũy được một ít kiến thức, tháng 12/2011 anh bắt tay vào việc thuê xưởng và mua máy về sản xuất. Ông bố 8X thừa nhận, những ngày đầu khởi nghiệp đã có những bước đi sai lầm bởi sau khi nhập cả 1 lô máy về, anh bắt đầu cạn vốn và phải vay mượn. Thợ thì tuyển theo kiểu “vơ bèo, vạt tép” ai xin việc cũng nhận, bên cạnh đó là thiếu kinh nghiệm về gỗ và sơn nên sau 9 tháng khởi nghiệp, dù chi ra gần 400 triệu đồng nhưng xưởng của anh vẫn không cho ra nổi 1 sản phẩm được thị trường đón nhận.
Anh Tường thừa nhận rất bất ngờ với thực tế này bởi các sản phẩm khi đó được anh làm theo những mẫu sản phẩm được người quen gửi từ Nhật Bản về. Bạn bè qua chơi, ai thấy cũng khen, cũng thích. Mặc dù vậy, khi mang đi chào hàng thì chẳng ai thèm mua. Do đó, sản phẩm của 9 tháng khởi nghiệp của anh trở thành củi hết.
Sau khi điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, làm được những sản phẩm để cung ứng ra thị trường thì một bài toán lớn với anh là tìm đầu ra. Ban đầu, anh cùng đội ngũ nhân sự lên kế hoạch bán sản phẩm ở Hà Nội, vì nghĩ rằng đây là thị trường đầy tiềm năng cho đồ chơi gỗ. Nhưng anh cho biết đây không phải là mảnh đất “màu mỡ” như mình từng nghĩ bởi cứ mang sản phẩm đến đại lý là họ lắc đầu, gửi lại các cửa hàng cũng không thèm nhận.
Trong lúc căng thẳng nhất, dòng tiền vốn cạn dần bởi sản phẩm làm ra không bán được, anh và những người làm cùng thay đổi cách tiếp cận thị trường bằng việc đưa sản phẩm về bán ở các tỉnh lẻ. Thị trường tỉnh đầu tiên anh tiếp cận là Ninh Bình, chuyến hàng đầu tiên chi phí hết 5 triệu đồng, nhưng chỉ bán được 1 triệu đồng. Dù vậy, anh vẫn coi đây là một tín hiệu vui.
Anh Tường chia sẻ, kỷ niệm bán hàng đáng nhớ nhất của mình trong những ngày đầu khởi nghiệp là chuyến giao hàng "bão táp" tới một đại lý ở Bắc Ninh vào nửa cuối tháng 8/2012. Chuyến hàng đó, anh cùng một người nữa đi giao bằng xe máy nhưng gặp trận mưa lớn khi chỉ còn cách nơi nhận hàng 2km buộc hai anh em phải cởi áo mưa của mình để che cho thùng hàng sau xe. Ông bố 8X cho biết đơn hàng đó dù chỉ có 5 triệu nhưng rất có ý nghĩa bởi nó giúp anh có thêm niềm tin về việc sẽ có những khách hàng tiếp theo sẽ trả tiền cho sản phẩm của mình làm ra.
Anh cũng dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với các đại lý, lắng nhe những thứ họ cần và mang mẫu mã về sản xuất. Sau 3 tháng cuối năm 2012, lăn lộn khắp các tỉnh miền Bắc anh xây dựng được hệ thống gồm 24 đại lý ở 14 tỉnh thành từ Thanh Hóa trở ra, hàng bán được đều đặn hơn. Từ ký gửi hàng hóa, bên anh chuyển sang hình thức bán trực tiếp lấy tiền ngay để có vốn quay vòng vào sản xuất.
Nhà xưởng được đầu tư nhiều máy móc hiện đại giúp nâng cao năng lực sản xuất
Khi tích lũy được số vốn nhất định, bước sang năm 2015 anh chuyển hướng sản xuất sang làm đồ nội thất và xây dựng cho mình một thương hiệu riêng. Sự nghiệp trở nên ổn định, anh cũng từng bước mua được nhà và xe hơi riêng.
Đến hiện tại, anh đã có được những đơn hàng làm đồ nội thất lên tới cả tỷ đồng, nhà xưởng sản xuất cũng đã gấp mấy chục lần, máy móc thì hiện đại gấp hàng trăm lần so với những ngày đầu khởi nghiệp. Hiện xưởng sản xuất bên anh với đội ngũ nhân viên lên tới hơn 60 người và luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của khách hàng về các sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ.
Những bài học anh Tường rút ra sau nhiều năm khởi nghiệp:
Bước đầu khởi nghiệp, hãy tìm cho mình 1 công việc bán thời gian, hoặc thời vụ để duy trì cuộc sống, duy trì được thì mới có sức nghĩ đến mục tiêu đặt ra.
Hãy bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất, đơn giản nhất, đừng làm những gì quá to tát, cũng đừng đặt những mục tiêu quá lớn.
Phải thực sự hiểu mới làm, mọi sai lầm đều phải trả giá. Làm nhỏ, thử nghiệm rồi tăng dần, đừng vội đi vào những kế hoạch lớn lao.
Hãy làm cái thị trường cần, làm thử nghiệm, nghe đánh giá của người mua hàng và sử dụng sản phẩm của mình. Đừng nghe những lời khen ngợi của người không phải là khách hàng của mình, kể cả bạn bè.
Đừng chăm chăm để ý vào 1 thị trường lớn và tiềm năng, vì lớn và tiềm năng thì đi đôi với khó tính. Lưới nhỏ bắt cá nhỏ, tìm những thị trường ngách nhỏ và dễ tính để vào trước vì mình tiềm lực còn ít, mẫu mã chất lượng chưa tốt. Khi đủ các điều kiện: kinh nghiệm, tài chính, thì quay lại các thị trường lớn mới đủ sức cạnh tranh.
Nguồn: [Link nguồn]
Trải qua hơn 7 tháng làm việc không lương, với quyết tâm khẳng định bản thân, anh Lê Văn Thông đã từng bước xây dựng...