Khởi nghiệp từ loại bánh quen thuộc, cô gái 9x Phú Thọ có doanh thu cả tỷ đồng

Từng có thu nhập từ 20-70 triệu đồng/tháng, chị Hoài lại rẽ ngang, khởi nghiệp với sản phẩm ẩm thực truyền thống. Trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách, thậm chí chị từng có ý định từ bỏ, giờ đây, công việc này đã mang về đầy hoa thơm và trái ngọt.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, chị Nguyễn Thu Hoài (SN 1990), quê Phú Thọ cho biết, ban đầu, trong thời gian nghỉ sinh con, chị lựa chọn bán hàng online, chủ yếu là đồ cho mẹ và bé, mỹ phẩm, quần áo. Không những thế, chị còn mở cả dịch vụ spa và chụp ảnh cho bé tại nhà nên mức thu nhập của chị từ 20-70 triệu đồng/tháng.

Trải qua nhiều công việc với mức thu nhập nhiều người mơ ước, thế nhưng, chị Hoài lại quyết định rẽ ngang để khởi nghiệp với bánh chưng, một loại bánh truyền thống rất đỗi quen thuộc.

“Sau khi về thăm một số làng nghề truyền thống, chứng kiến đa phần người tham gia sản suất đều là những cô bác trung tuổi, tôi tự hỏi, nếu những sản phẩm gắn liền với văn hoá mà chỉ có những lớp người đi trước duy trì thì sau này ai sẽ tiếp tục phát triển nó? Vì vậy, tôi quyết định phát triển sản phẩm truyền thống với góc nhìn của một người kinh doanh nhìn thấy cơ hội”, chị Hoài nói.

Chị Hoài đã quyết định phát triển sản phẩm truyền thống với góc nhìn của một người kinh doanh nhìn thấy cơ hội.

Chị Hoài đã quyết định phát triển sản phẩm truyền thống với góc nhìn của một người kinh doanh nhìn thấy cơ hội.

Bắt tay vào thị trường bán bánh chưng truyền thống, chị bỏ thời gian đi khắp các làng nghề, các chợ ở các tỉnh phía Bắc để tìm hiểu và nếm thử các loại bánh chưng. Tuy nhiên, sau khi nếm qua hàng trăm chiếc bánh, chị vẫn không thực sự tìm ra hương vị mình ưng ý.

Nhớ lại hương vị bánh chưng nếp nương Điện Biên mình từng được ăn trong một lần đến chơi nhà bạn, chị Hoài quyết định nhập bánh chưng Điện Biên về bán. Mỗi tháng, chị bán được từ 500-700 chiếc bánh, đặc biệt, dịp tết năm 2016, chị bán ra thị trường hơn 7.000 chiếc bánh chưng với giá 40-60 nghìn đồng/chiếc.

Sau khi có khách hàng và hệ thống rất nhiều đại lý từ Bắc – Trung – Nam, chị Hoài lại ấp ủ làm thế nào để nâng tầm chiếc bánh chưng truyền thống trở thành mặt hàng cao cấp, góp phần quảng bá văn hoá Việt với bạn bè thế giới.

“Tôi thắc mắc vì sao một số nước có thể bán các sản phẩm truyền thống với giá đắt đỏ và ai khi sở hữu cũng đầy tự hào, hãnh diện. Vì vậy, tôi bắt đầu ấp ủ tạo ra những chiếc bánh chưng làm quà tặng, những chiếc bánh biết kể chuyện đầu tiên tại Việt Nam”, chị Hoài nói.

Những chiếc bánh chưng "biết kể chuyện" đầu tiên tại Việt Nam được chị Hoài cung cấp ra thị trường những năm gần đây.

Những chiếc bánh chưng "biết kể chuyện" đầu tiên tại Việt Nam được chị Hoài cung cấp ra thị trường những năm gần đây.

Theo chị Hoài, bánh chưng không phải là một mặt hàng mới mà là một món ăn quen thuộc có từ hàng nghìn năm trong mâm cỗ của ngày Tết cổ truyền, vì vậy, để biến một sản phẩm quen thuộc thành một món quà tặng cao cấp, đắt tiền không phải dễ.

“Tôi đem ý tưởng lớn chia sẻ cho bạn bè và người thân. Thời gian đầu, không mấy ai thấy đó là một ý tưởng khả thi. Mọi người cho rằng, chẳng ai mang bánh chưng đi làm quà tặng cả”, chị Hoài kể lại.

Thế nhưng, chính những lời can ngăn ấy đã làm cho chị quyết tâm hơn. Không có kiến thức về làm thương hiệu, lại càng không có kỹ năng về Marketing hay truyền thông, thứ duy nhất chị Hoài có là sự khát khao được biến những ý tưởng trong đầu mình thành hiện thực.

Ngoài những người ngăn cản, chị Hoài vẫn có những người ủng hộ hết mình, đồng hành cùng chị trong việc làm bao bì, marketing, xây dựng thương hiệu. Tết năm 2017, những chiếc bánh chưng đắt nhất Việt Nam được đựng trong hộp quà sang trọng ra đời. Mỗi hộp có 2 chiếc bánh, bán với giá 589 nghìn đồng.

Chỉ trong 20 ngày Tết, 1.000 hộp bánh chưng quà tặng cao cấp đầu tiên tại Việt Nam được bán hết, nằm ngoài sự tưởng tượng của chị và những người đồng hành.

Từ bài học đắt giá ngày đầu khởi nghiệp, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình và cộng sự, chị Hoài đã làm chủ được công thức làm bánh cũng như phân phối sản phẩm.

Từ bài học đắt giá ngày đầu khởi nghiệp, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình và cộng sự, chị Hoài đã làm chủ được công thức làm bánh cũng như phân phối sản phẩm.

Tuy nhiên, những ngày này, chị chỉ là làm thương mại, tức là lấy bánh của người khác sản xuất về bán lại. Và khi có thành tích đáng nói đầu tiên trong sự nghiệp thì nguồn cung cấp bánh chưng cho chị đột ngột quay lưng, không cung cấp bánh cho chị nữa.

“Tôi bị tổn thương bởi sự khốc liệt của thương trường đá văng ra khỏi vị trí mà phải mất 5 năm mới có thể xây dựng được. Sau cú sốc đó, tôi đã thông báo với mọi người rằng, tôi không kinh doanh bánh chưng nữa mà sẽ quay lại các công việc trước đây”, chị Hoài nhớ lại.

Thế nhưng, suốt 7 tháng ngưng lại công việc kinh doanh bánh chưng thì mẹ chị ở quê đã âm thầm tự học, tự luyện tập làm bánh để làm ra chiếc bánh chưng ngon nhất với mong muốn vực lại thương hiệu chị đã hết lòng cố gắng.

“Ngày bố gọi điện, mẹ chụp vội tấm hình còn vỡ nét gửi qua zalo cho tôi để báo rằng bố mẹ đã thành công trong việc làm bánh chưng mà tôi đã bật khóc ngon lành. Bởi vì, suốt 7 tháng trôi qua, tôi đã quên luôn việc mình đã có một thương hiệu bánh chưng thành công như thế. Và sự kiên trì và tình yêu thương của bố mẹ quá lớn dành cho tôi nên một lần nữa, tôi quyết định gạt hết tất cả công việc khác để tập trung vào cùng bố mẹ nghiên cứu và tìm ra cách làm bánh, gây dựng lại thương hiệu”, chị Hoài cho hay.

Bánh chưng được chị bán ra thị trường với giá từ 70-190 nghìn đồng/chiếc.

Bánh chưng được chị bán ra thị trường với giá từ 70-190 nghìn đồng/chiếc.

Bằng tâm huyết và tình yêu của mình đối với chiếc bánh chưng, chị Hoài đã thành công với thương hiệu bánh chưng “đắt” nhất Việt Nam. Những chiếc bánh chưng không chỉ có mặt ở các siêu thị, cửa hàng trong nước mà còn trở thành quà tặng cao cấp được kiều bào ở nước ngoài liên hệ đặt hàng.

Nói về những chiếc bánh chưng của mình, chị Hoài cho biết, bánh được làm từ gạo nếp nương nổi tiếng 6 tháng mới có một vụ kết hợp với thịt lợn organic tạo nên hương vị thơm ngon và đậm đà.

Đặc biệt màu xanh của bánh chưng được làm từ nước cốt lá giềng, 100% không dùng phẩm màu có hại cho sức khỏe.

Toàn bộ nhà xưởng được đầu tư bài bản, đạt tiêu chuẩn VSATTP.

Toàn bộ nhà xưởng được đầu tư bài bản, đạt tiêu chuẩn VSATTP.

Bánh chưng cũng được làm nhiều vị bánh khác nhau như bánh chưng gấc, bánh chưng cẩm, bánh chưng gạo lứt, bánh chưng cá hồi nhằm đáp ứng những nhu cầu khác nhau của các thực khách trong và ngoài nước.

Ngoài sản phẩm bánh chưng đắt nhất Việt Nam có giá bán 190 nghìn đồng/chiếc, chị Hoài còn cung cấp sản phẩm bánh chưng phổ thông với giá 70 nghìn đồng/chiếc. Riêng dip Tết năm 2024 vừa qua, chị Hoài đã cung cấp ra thị trường hơn 30 nghìn chiếc bánh chưng.

Chị Hoài đã có doanh thu hàng tỷ đồng/năm từ bánh chưng.

Chị Hoài đã có doanh thu hàng tỷ đồng/năm từ bánh chưng.

“Để có được thương hiệu bánh chưng như hiện tại thì không còn là nỗ lực của cá nhân tôi hay của bố mẹ tôi nữa mà còn là của một đội ngũ nhân sự đồng hành cùng tôi, vô cùng nhiệt huyết và thấu hiểu. Vì vậy, thời gian tới, tôi sẽ cố gắng đưa thương hiệu của mình đi xa hơn, chinh phục những mục tiêu lớn hơn”, chị Hoài bộc bạch.

Nguồn: [Link nguồn]

Từ loại cây quen thuộc, anh Luân đã biến thành những tác phẩm bonsai nghệ thuật trồng ở vườn nhà và được nhiều người yêu thích, tìm mua với giá từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Khởi nghiệp với số vốn nhỏ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN