Khởi nghiệp từ “giẻ lau” của bao nhà, 8x thu về hơn trăm triệu mỗi năm
Cô gái đi xin những thứ mà nhiều nhà dùng làm giẻ lau để về tái chế thành các sản phẩm túi xách, đem về thu nhập hơn trăm triệu mỗi năm.
Đó là những sản phẩm tái chế từ quần jean cũ của chị Đào Thị Thanh Nhàn (1987), đang sinh sống tại Tây Ninh. Nói về ý tưởng làm các sản phẩm này, Nhàn cho biết ngay từ khi còn học cấp 2 chị đã thích may vá, thêu thùa. Hồi đó, chị đã biết tự may quần áo cho bản thân để trải nghiệm.
Sau này, bố mẹ lại muốn chị nối nghiệp nghề giáo của gia đình, chị đã chọn học ngành Công nghệ cắt may của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Sở dĩ chọn ngành này là vì chị vừa có thể thỏa mãn niềm đam mê của bản thân mà lại không làm buồn lòng bố mẹ. Nhưng sau tốt nghiệp, chị lại không muốn theo nghề giáo nên đã trốn lên Đồng Nai để lập nghiệp.
Nguyên liệu làm túi chị Nhàn đều đi xin.
Sau thời gian, chị quay trở lại TP.HCM để làm quản lý đơn hàng cho một công ty may. Dù làm việc văn phòng, niềm đam mê được may vá của Nhàn chưa bao giờ giảm bớt. Chị dành mọi thời gian rảnh và lúc nghỉ giải lao để may những chiếc túi, bao điện thoại từ vải thừa để tặng bạn bè, đồng nghiệp. Và khi sinh bé thứ 2, cô gái quyết định nghỉ việc ở nhà chăm con và thực hiện đam mê còn đang dang dở.
“Thời gian ở nhà chăm con, tôi có dọn dẹp tủ quần áo cho gọn. Tôi phát hiện một mớ quần jean cũ cách đây cả chục năm rồi mà vải vẫn còn tốt. Vứt đi thì tiếc mà giữ lại chật tủ, tôi không biết xử lý đống này thế nào thì chợt nghĩ ra việc tận dụng để may các túi như thời còn đi làm”, Thanh Nhàn tâm sự.
Mỗi chiếc túi xách được bán với giá dao động từ 250 - 350 nghìn đồng/chiếc.
Bắt đầu lên ý tưởng, kế hoạch cho các sản phẩm của mình, chị cũng khá đau đầu. Vì jean chủ yếu co giãn nên không “dễ chịu” như các loại nguyên liệu khác, chị phải thử nghiệm khá nhiều. Chị cứ âm thầm vừa làm vừa chăm con dưới sự ủng hộ của gia đình. Mãi đến tháng 7/2020, chị mới tung ra thị trường để mọi người biết đến.
Vì không cho người ngoài biết, nguồn nguyên liệu cạn kiệt dần. Chị phải đi xin bạn bè, hàng xóm những chiếc quần jean cũ mà họ thường sử dụng làm giẻ lau nhà, đem đốt hoặc vứt vào thùng rác... “Có lẽ nhiều người cũng thắc mắc không biết tôi xin về để làm gì. Cũng có người tò mò hỏi, có người lại không nhưng tất cả đều vui vẻ gấp gọn đồ cho tôi”, Nhàn cho hay.
Một số sản phẩm làm từ quần jean cũ do chị Nhàn làm.
Nhận được mớ đồ cũ, 8x thích thú, vui mừng như đứa trẻ được mẹ cho quà. Chị lại tiếp tục thiết kế những túi xách, balo... từ những chiếc quần jean cũ này.
Mỗi khi may xong một chiếc túi, Nhàn lại ngồi ngắm nghía thật lâu để xem từng chi tiết của sản phẩm, nó cũng giúp chị có thêm động lực để làm nhiều, khoe và truyền cảm hứng cho mọi người.
“Vì mới làm, tôi chủ yếu làm các loại túi từ vải quần jean chứ không có nhiều mẫu mã. Tuy nhiên, mọi người biết đến vẫn rất ủng hộ, mỗi tháng tôi bán được từ 30-50 sản phẩm. Mỗi sản phẩm có giá dao động từ 250-350 nghìn đồng. Tính ra, mỗi tháng tôi thu về khoảng trên 10 triệu đồng”, cô cho hay.
Nói thì đơn giản như vậy nhưng thực tế, Nhàn làm một sản phẩm mất khá nhiều công sức. Khi làm, chị phải giặt sạch đồ jean cũ và phơi khô, tháo từng chi tiết, rồi mới lên ý tưởng tận dụng những phần còn tốt của chiếc quần đó, cắt ra rồi ghép lại sao cho đẹp, nhìn ưng mắt...
Trong tương lai, chị mong muốn những sản phẩm tái chế này của mình có thể truyền cảm hứng cho nhiều người, lan tỏa hành trình sống xanh không chỉ trong nước mà còn vượt qua đại dương, “bay” đến khắp các nước trên thế giới. Vì thế, chị vẫn đang trên con đường tìm kiếm bạn đồng hành, cùng sở thích và chí hướng để mở rộng quy mô sản xuất.
Nguồn: [Link nguồn]
Không ai có thể nghĩ rằng thứ bỏ đi và là rác của nhiều người lại trở thành “mỏ vàng” của người đàn ông này.