Nuôi loại gà đặc sản “độc nhất vô nhị”, 8x Phú Thọ thu về nửa tỷ đồng mỗi năm
“Lúc bắt tay vào làm tôi vẫn còn ngây thơ lắm, không có kinh nghiệm, không có tiền, gia đình lại phản đối. Nhiều người còn bảo tôi đang ăn cái bánh vẽ, mơ hồ và không có thật. Thế nhưng, tôi không bỏ cuộc mà theo đến cùng để có được ngày hôm nay”.
Đó là chia sẻ của anh Võ Văn Đức, (SN 1985), trú tại xã Tân Phú, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) về quá trình khởi nghiệp không mấy suôn sẻ của mình.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, học xong cấp 3, anh Đức khăn gói xuống Hà Nội theo đuổi ngành sư phạm. Ra trường, anh đã có thời gian gần 3 năm đứng trên bục giảng.
Thế nhưng, với đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống, anh quyết định nghỉ việc để phát triển kinh tế và làm điều gì đó cho riêng mình.
Bươn trải đủ nghề khác nhau để kiếm tiền, từ đi buôn đến mở quán internet, mở quán phô tô, in màu, chụp ảnh… khi có một số tiền vốn nho nhỏ trong tay, anh quyết định thử nuôi loại gà đặc sản “độc nhất vô nhị”, chỉ có ở quê mình, đó là gà chín cựa.
Anh Đức lựa chọn việc nghiên cứu và bảo tồn giống gà chín cựa bản địa để phát triển kinh tế.
“Tôi biết đến loại gà này từ nhỏ nhưng thấy ngày càng ít người nuôi và bị mai một. Bà con lại mang lai tạo với các giống gà khác để tăng năng suất kinh tế. Trong đầu luôn suy nghĩ rằng, tại sao một giống gà quý như thế này lại không nuôi với số lượng lớn, nhân rộng mô hình, phát triển kinh tế. Cứ thế này thì tuyệt chủng mất”, anh Đức kể.
Nghĩ là làm, năm 2013, anh bắt đầu tìm kiếm và nuôi thử nghiệm, tự tìm hiểu, nghiên cứu về mã gen, quá trình sinh trưởng và phát triển của con gà chín cựa.
Thấy việc nhân giống, nuôi và bảo tồn loại gà này có tín hiệu khả quan, năm 2016 anh Đức bắt đầu viết kế hoạch, tự nghiên cứu thị trường và chuẩn bị đầy đủ tiền bạc, nguồn lực, bắt tay vào làm.
Giống gà tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết lại là đặc sản "độc nhất vô nhị" tồn tại ở vùng đất Tân Sơn.
Có 100 triệu trong tay, anh bỏ tiền đi lặn lội khắp các bản làng ở huyện Tân Sơn để tìm mua những con gà thuần chủng về sàng lọc, nhân giống. Tuy nhiên, khác với các giống gà khác, chúng sống rất hoang dại, kiếm ăn bằng cách đào bới các loại côn trùng, dế, kiến, mối và bay lên ngủ trên cành cây. Chưa kể, khi nuôi tập trung, chúng bay tứ tung rồi nhảy vào đánh nhau liên tục khiến tỷ lệ hao hụt rất nhiều.
Để hạn chế hao hụt, anh Đức tiến hành chia thành các khu chăn nuôi riêng biệt và bắt đầu nhân giống. Tuy nhiên, tỷ lệ gây giống tự nhiên của gà 9 cựa chỉ đạt khoảng 30%. Vì vậy, anh lại bỏ tiền ra mua máy về để ấp trứng.
“Lúc đầu tôi ngây thơ lắm, về lĩnh vực chăn nuôi lại không biết một cái gì cả. Nghĩ đơn giản nhưng bắt tay vào làm mới thấy quá nhiều khó khăn. Vốn ít, hạ tầng không có, trạm ấp không có, kỹ thuật chăn nuôi không có sách vở nào viết cả, cán bộ thú y chuyên về giống gà này cũng không có ai. Tôi chỉ biết tự mình mày mò, tự rút kinh nghiệm”, anh Đức nói.
Để phục tráng loại gà ngày càng quý hiếm này, anh Đức đã tốn kém không ít tiền của và bị nhiều người phản đối.
Tiền hàng ngày vẫn phải chi ra, máy ấp mua về nhưng trứng gà 9 cựa lại quá bé khiến tỷ lệ ấp không thành công. Hao hụt quá nhiều, anh Đức phải ôm thùng trứng đi tìm lò ấp cách nhà 70km để thuê họ ấp. Mỗi lần đi lại tốn cả triệu đồng, chưa kể mỗi quả trứng trị giá 25.000 đồng, để lại cho lò ấp lại sợ hao hụt, không yên tâm.
“Nhà tôi không một ai ủng hộ. Mọi người bảo tôi đang ăn cái bánh vẽ, chỉ có trên giấy chứ không khả thi. Nhưng tôi cứ cặm cụi làm, quyết tâm theo đuổi đến cùng vì nghĩ, rồi nhanh thì 5-10 năm, lâu thì 15-20 năm mọi người sẽ hiểu giá trị của việc tôi làm”, anh Đức bộc bạch.
Vừa nuôi, anh Đức vừa ôm từng con gà đi các tỉnh thành để tìm hiểu thị trường và tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Làm sao để bán được hàng? Đối tượng khách hàng là ai? Gà mình nuôi rồi sẽ bán cho ai? Nếu không tìm hiểu trước mà đợi nuôi được nhiều mới đi tìm hiểu thì chỉ có chờ chết.
Từ việc nhân giống tự nhiên cho tỷ lệ thành công chỉ 30%, anh Đức đã nghiên cứu để gia tăng tỷ lệ thành công lên đến 80%.
Lượng gà nuôi được chưa nhiều, anh Đức phải bỏ tiền túi ra để mua gà, vừa bán vừa biếu cho khách hàng ăn thử, đợi họ phản hồi và tạo mối quan hệ đối với khách hàng ở khắp các tỉnh.
“Càng đi tôi càng hiểu ra, muốn thành công phải tốn vài năm và đòi hỏi phải có thật nhiều tiền trong khi đó mình lại không có tiền. Tôi phải bán cả quả đồi để lấy tiền theo đuổi đam mê. Bao công sức, tiền bạc cứ thế hao hụt dần. Chưa kể nhiều khi gà bị dịch bệnh, chết một lúc vài trăm con, không cẩn thận là mất trắng. Áp lực, căng thẳng vô cùng”, anh Đức cho hay.
Gà chín cựa sống theo kiểu hoang dã nên có những ngón chân sắc nhọn, đặc biệt.
Thế nhưng, trời không phụ lòng người, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và khắc phục khó khăn đã giúp anh Đức làm chủ được công nghệ ấp, tự sản xuất con giống và đảm bảo được đầu ra ổn định.
“Tôi nhận ra, người thành phố họ rất thích những tài nguyên bản địa, những đặc sản vùng miền. Họ không quan trọng bao nhiêu tiền mà quan trọng ở chất lượng mà sản phẩm của mình mang lại, có thật sự chuẩn hay không. Khi thực sự thấy được giá trị mặt hàng mình đang sử dụng, nhiều khách còn tặng thêm tôi vài triệu để cổ vũ, động viên việc tôi làm”, anh Đức nói.
Những con gà có nhiều cựa, vóc dáng đẹp được trả giá lên đến hàng chục triệu đồng/con.
Tạo được dấu ấn trong lòng khách hàng, gà anh nuôi được bao nhiêu được đặt mua hết đến đó. Trong đó, với loại gà nhiều cựa (từ 5-8 cựa) được anh bán thương phẩm với giá từ 200-250.000 đồng/kg. Những con gà nhiều cựa hơn, hoặc có số cựa là 6 hoặc 8 thì sẽ có giá từ 0,5-1,5 triệu đồng/con. Với những con gà 9 cựa được mua để làm cảnh hoặc làm quà biếu có thể lên đến 15-30 triệu đồng/con, khách phải đặt trước mới có.
Thậm chí, anh Đức còn tiết lộ, trước đây anh từng sở hữu con gà chín cựa cực phẩm, có người trả giá lên đến 100 triệu đồng nhưng anh không bán mà để lại nuôi. Tuy nhiên, nuôi được một thời gian thì con gà này bị chết.
Đam mê với giống gà bản địa, anh Đức đã vượt qua khó khăn và có được thu nhập nửa tỷ đồng/năm.
Đến nay, sau 8 năm gắn bó với việc bảo tồn và phát triển giống gà “độc nhất vô nhị”, anh Đức đã sở hữu trang trại nuôi gà chín cựa rộng hơn 1 ha với 5 khu nuôi biệt lập và 1.500 con gà chín cựa thuần chủng. Ngoài ra, anh còn là người cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho 5 trang trại vệ tinh, bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân tại địa phương.
Năm 2020, trang trại của anh Đức cho doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 400-500 triệu đồng. “Bây giờ tôi không còn phải bù lỗ nữa, không còn phải trả lãi ngân hàng hàng tháng. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng việc tôi đã bảo tồn được nguồn gen quý hiếm cần được bảo tồn và nâng cao được giá trị của giống gà chín cựa, loại gà đặc sản của quê hương”, anh Đức bày tỏ.
Nguồn: [Link nguồn]
“Tôi nghĩ rằng, mình bắt đầu từ con số 0, sinh ra ở quê, không tiền bạc, không quan hệ, không kinh nghiệm và không có...