Giám đốc công ty du lịch làm loạt nghề “tay trái”, mong sớm trở lại nghề “tay phải”
Gần 2 năm dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các ngành các lĩnh vực… nhưng có lẽ du lịch là ngành thiệt hại đầu tiên và lớn nhất. Không chịu ngồi “khoanh tay”, anh Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc công ty du lịch đã chọn cho mình hướng đi khác.
Khó khăn ập tới như cơn bão
Ngành du lịch "đóng băng", thiệt hại từ đó cũng nhân lên gấp bội, nhiều lao động mất công ăn việc làm ổn định, phải bươn chải kiếm cơm bằng đủ thứ nghề…
Là người gắn bó nhiều năm trong ngành du lịch, anh Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty lữ hành chuyên tổ chức các đoàn khách quốc tế tham quan tại Việt Nam (du lịch inbound), cũng không ngoại lệ. Anh cho biết bao nhiêu kế hoạch, dự định đều phải gác lại đó.
Anh Nguyễn Tuấn Linh (ngoài cùng bên phải) bên du khách tham quan Việt Nam
Thời gian đầu năm 2020, khi dịch mới bùng phát, vị giám đốc trẻ nghĩ nó cũng đơn giản giống như cúm thông thường, một thời gian sẽ qua. Thời điểm tháng 3, tháng tư anh vẫn lên kế hoạch sang các nước châu Âu để đự hội nghị, kết nối và tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên sau đó thì dịch bùng phát tại các nước châu Âu, hàng loạt chuyến bay quốc tế bị ngừng, cũng từ đó hàng loạt thông báo hủy tour gửi tới anh.
“Hơn 30 đoàn khách quốc tế hủy cọc, tương đương số tiền hơn 200 nghìn USD (khoảng 5 tỷ VNĐ). Tôi phải xoay sở hoàn cọc, lúc này tôi mới ngấm và thực sự suy nghĩ nghiêm túc về mức độ nghiêm trọng của dịch” – anh Tuấn Linh cho hay.
Anh Nguyễn Tuấn Linh tham gia Road Show tại Melbourn, Australia
Cũng theo lời anh Linh, khi chưa xảy ra dịch, công ty của anh vận hành với 40 nhân sự, doanh thu đạt từ 20 – 30 tỷ mỗi năm. Kể từ khi bùng dịch, hàng loạt hợp đồng đặt cọc bị hủy. Vì không có việc làm nên nhân sự cũng tạm nghỉ. Hiện chỉ còn 6 – 7 người nòng cốt làm việc, duy trì một số hoạt động của công ty.
“Du lịch đến thời điểm này không còn gì để nói nữa. Cả nước đang tập trung lo cứu chữa người bệnh, tôi chỉ mong tình hình dịch bệnh sẽ ổn trong tương lai gần.
Là người chủ, mình rất áy náy bởi anh chị em đã gắn bó với mình trong thời gian dài nhưng vì khó khăn chung nên mình không thể làm gì hơn. Mọi người cũng yêu công việc nhưng hơn 40 nhân sự giờ chỉ còn 7 người cốt cán đang duy trì công việc.
"Do ảnh hưởng của dịch hàng chục nhân viên của công ty phải tạm nghỉ việc" - anh Linh cho biết và trăn trở
Dù công ty khó khăn, tôi vẫn cố gắng đóng BHXH cho tất cả nhân sự để giữ người, chỉ mong mọi người sẽ ổn định để quay trở lại khi hết dịch. Thực sự trăn trở và bất lực” – anh Linh nói thêm.
Mình vẫn làm việc
“Chỉ mong nhanh hết dịch chứ biết làm sao bây giờ. Nói thật, dù thế nào thì chúng ta vẫn phải sống và phải nghĩ cho ngày mai. Tính mình không chịu ngồi yên nên không làm việc này chúng ta làm việc khác” – anh Tuấn Linh cởi mở chia sẻ về cuộc sống hiện tại sau gần hai năm chịu ảnh hưởng của dịch.
Khi khách quốc tế không còn, ngay sau đó anh Linh tìm hiểu chuyển hướng làm du lịch nội địa. Tuy nhiên, du lịch nội địa cũng chỉ được thời gian ngắn, rồi liên tiếp gián đoạn nên cũng không hiệu quả nhiều.
Không chịu ngồi yên, anh Linh làm đủ công việc trong những ngày công việc chính gián đoạn
Trước đây bận rộn là thế, nhưng giờ thì rảnh rỗi. Trong những lần bị gián đoạn vì nghỉ dịch, anh Linh liên tục nghĩ những công việc để làm.
“Sẵn đầu mối là các thôn bản vùng cao, đầu tháng 7/2020 tôi mở công ty cung cấp nông sản đặc sản vùng cao, nhưng khi vào cuộc mới thấy để làm bài bản từ sản xuất tới khâu tiêu thụ thì không hề đơn giản. Tôi quyết định dừng kế hoạch mở rộng dự án trên sau khi bỏ ra mấy trăm triệu để kết nối và hình thành hệ thống đại lý.
Tháng 9/2020, dịch tạm ổn. Thời điểm đó tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát nên tôi bắt tay xây dựng kế hoạch cho giải chạy quanh Hồ Ba Bể, tức là từ du lịch chuyển sang thể thao. Dự án này rất có triển vọng, tuy nhiên dịch bùng dịch lần thứ 3 nên dự án lại tạm thời bị hoãn chờ hết dịch sẽ hoạt động trở lại.
Đầu năm 2021, trong lúc rảnh rỗi tôi tham gia đầu tư bất động sản và chứng khoán, tuy nhiên tôi nhận thấy tính thanh khoản không cao và có thể không có duyên nên đến thời điểm này tôi vẫn bị chôn vốn.
Không bỏ cuộc, trong đợt dịch lần 4 này với chút kiến thức về công nghệ và sẵn đội ngũ nhân sự nòng cốt, anh Linh triển khai lĩnh vực thiết kế website kèm các ứng dụng công nghệ cao cho các doanh nghiệp để đón đầu xu hướng. Tuy dự án mới vận hành, nhưng đã có một số đơn đặt hàng với tín hiệu khá khả quan.
Theo lời anh Linh, sau một loạt các kế hoạch đầu tư thay thế cho du lịch, tuy không có hiệu quả như mong muốn nhưng giúp anh rút ra những trải nghiệm thực tế.
Vị giám đốc trẻ luôn lạc quan và tin tưởng cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại
“Các cụ dạy “một nghề thì sống đống nghề thì chết” thật không sai. Sau tất cả, tôi nhận ra rằng du lịch vẫn là thế mạnh cũng là công việc tôi có thể làm tốt nhất. Trong lúc chờ du lịch quay trở lại tôi tiếp tục duy trì và phát huy công việc trên. Ngoài ra, theo chủ trương của Nhà nước, tôi đang theo đuổi dự án du lịch nghỉ dưỡng kết hợp du lịch mạo hiểm”.
Tin tưởng dịch bệnh nhanh kết thúc, du lịch cũng như các ngành khác sẽ sớm phục hồi, giám đốc công ty Du lịch nhắn nhủ: “Tôi rất thích câu nói của Jack Ma, đó là “Muốn đi xa thì bắt đầu từ chỗ gần, muốn leo cao thì bắt đầu từ chỗ thấp”. Mình có thể có những mơ ước lớn lao nhưng hãy bắt đầu từ những việc nhỏ bé nhất mà mình cảm thấy mình có thể làm tốt được ở ngay thời điểm này.
Đơn giản hơn, bạn hãy bắt đầu những gì phù hợp với khả năng mình và hãy cứ thử, dù được hay không được cũng sẽ giúp bạn có những trải nghiệm giúp bạn làm tốt hơn”.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù đã sở hữu dàn xe sang trăm tỷ nhưng đại gia người Củ Chi vừa “tậu” thêm siêu xe Lamborghini màu xanh độc nhất tại...