Dấn thân khởi nghiệp, cô gái 8x "bỏ túi" cả tỷ đồng mỗi năm
Trải qua 12 năm làm nghề “gõ đầu trẻ” nhưng chị Trần Xuân Vi đã quyết định rẽ ngang để tự thân khởi nghiệp với niềm đam mê của mình.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Bình Thuận, chị Trần Xuân Vi (1985) về dạy học tại trường tiểu học tại thị xã La Gi (Bình Thuận). Dù có công việc ổn định, nhưng chị vẫn có ý tưởng về một sự nghiệp kinh doanh riêng của bản thân.
Chị Trần Xuân Vi chia sẻ từng có 12 năm dạy tiểu học trước khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp
Năm 2016, chị bắt đầu tìm tòi, học hỏi qua internet cách thêu hoa bằng dây ruy băng. Càng học càng thích, chị say mê làm và học thêm nhiều sản phẩm khác từ ruy băng.
Thấy hoạ tiết đẹp, chị nảy sinh ý định thêu trên áo. Ban đầu, là những chiếc áo của chị và người thân, những sản phẩm ưng ý được chị đăng lên facebook chia sẻ với mọi người. Không ngờ từ đó, cơ duyên đến, nhiều người thích sản phẩm là hoa cài áo, tranh để bàn, voan cài đầu cho cô dâu, hoa cưới, túi xách… của chị.
Khách đặt hàng lẻ, rồi đặt sỉ, rồi ngày càng nhiều, chị không đủ sức thêu nên đưa hàng cho các chị em phụ nữ ở làng thêu. Trước nhu cầu lớn của thị trường, tháng 3/2017, sau 12 năm đứng lớp chị quyết định nghỉ dạy để toàn tâm toàn ý cho nghề mình vốn đam mê.
Ngày quyết định nghỉ dạy để rẽ sang con đường mới, chị gặp phải sự phản đối quyết liệt. Nhưng với sự đam mê những thước dây ruy băng đủ màu sắc cùng những đơn hàng tới tấp, chị dần thuyết phục được các thành viên trong gia đình.
Chị cũng chia sẻ, từng trải qua hơn một năm hầu như ngày nào nhóm của chị cũng thêu tới 1-2 giờ sáng để kịp giao hàng cho khách. Trong thời gian này, chị vừa thiết kế mẫu, vẽ lên áo cho thợ thêu, kiểm hàng, tính lương, chạy đi chạy lại lấy hàng, nguyên vật liệu từ TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày chỉ ngủ được 2-3 tiếng.
Chị cho biết để có được những thành công như hôm nay bản thân cũng đã trải qua nhiều thách thức, khó khăn
Từ một người phụ trách tất cả các khâu, giờ đây đi vào hoạt động bài bản, chị chỉ việc thiết kế mẫu, sau đó sẽ có kỹ thuật phụ trách hướng dẫn lại cho các nhân viên và tại từng xưởng thêu sẽ có người quản lý chung về mọi mặt. Được san sẻ, công việc nhẹ nhàng hơn, chị có nhiều thời gian thoả sức sáng tạo với những mẫu hoa và con vật mới.
Đến nay chị đã có 3 xưởng thêu với quy mô vài chục nhân công. Chị chia sẻ: “Thêu ruy băng không khó, người nào nhanh chỉ trong 1 tuần có thể thêu tranh cơ bản, kết hoa”. Chị cũng đang đặt mục tiêu sẽ mua thêm đất, làm xưởng để mở rộng lĩnh vực xuất khẩu, tạo công ăn việc làm nhiều hơn cho người lao động tại địa phương.
Chị tâm sự: “Ngày xưa đi dạy, mỗi tháng lãnh lương vài triệu cho riêng bản thân mình. Còn giờ mỗi tháng thường ra ngân hàng rút vài trăm triệu về phát lương cho nhân viên... đối với người khác, mình quá nhỏ bé ... nhưng đối với mình và cả nhóm đó là cả một niềm hạnh phúc lớn lao”.
Cựu giáo viên tiểu học cho biết nhu cầu khách hàng thay đổi liên tục từ mẫu mã sản phẩm đến cách thức mua hàng. Nên người làm sản xuất phải học và thay đổi linh hoạt để phù hợp với thời đại. Ngày xưa, chị ít nói và sống khép kín lắm. Khởi nghiệp giúp chị năng động và linh hoạt hơn thực sự rất nhiều.
Hiện trung bình 1 tháng bên chị có thể cung cấp 3.000 – 5.000 tranh quà tặng cho khách và các sản phẩm khác với doanh thu từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Không chỉ khách hàng trong nước, những sản phẩm thêu tay của chị cung được khách hàng nước ngoài yêu thích
Để có được như hôm nay, chị đã mạnh dạn tham gia nhiều hội chợ triển lãm về thủ công mỹ nghệ ở các tỉnh, thành. Những sản phẩm của chị đã có mặt ở những thành phố du lịch như TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng và Hà Nội. Ngoài ra, khách nước ngoài cũng thường xuyên đặt hàng qua các kênh bán lẻ và trang thương mại điện tử.
Nhằm mở rộng thị trường ra nước ngoài, chị đã sắp xếp công việc ở xưởng, việc gia đình, lên đường sang Philippines chỉ để… học ngoại ngữ trong 2 tháng. Nhờ đó, đến nay chị đã có thể tự tin trò chuyện và giới thiệu những sản phẩm của mình với khách hàng quốc tế.
Chị đang hướng đến sản xuất các dòng sản phẩm thêu cao cấp như: Bra thêu, váy đầm thêu, các sản phẩm trang trí có họa tiết thêu... bán thị trường trong và ngoài nước thông qua các kênh thương mại điện tử. Đồng thời phát triển song song với việc chuẩn bị năng lực sản xuất để có thể đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu trong tương lai.
Dù đã gặt hái được những thành công bước đầu, nhưng chị Vi thừa nhận con đường phía trước còn rất nhiều chông gai. Tuy nhiên, chị luôn tin rằng "nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường". Trong năm 2021, chị sẽ phát triển may thêu từ mảng B2B, B2C, trong nước và xuất khẩu theo đúng tiêu chí hợp tác cùng có lợi.
Nguồn: [Link nguồn]
Đã từng làm phóng viên của một tờ báo, suốt 4 năm rong ruổi viết phóng sự, thế nhưng, Nguyễn Huy Ba lại bỏ phố về...