Đam mê khởi nghiệp, thầy giáo có thu nhập thêm cả trăm triệu đồng/năm
Đang công tác trong ngành giáo dục, nhưng thầy giáo trẻ Nguyễn Đình Hùng vẫn có niềm đam mê lớn với khởi nghiệp. Không chỉ tạo ra nguồn thu nhập thêm cho gia đình, anh cũng từng bước giúp những gia đình người dân tộc thiểu số tại địa phương có công ăn việc làm và thu nhập.
Anh Nguyễn Đình Hùng sinh năm 1987 tại Nghệ An đã có quãng thời gian hơn 7 năm làm giáo viên giảng dạy môn Cơ khí tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện Krông Búk – Đắk Lắk. Dù có công việc ổn định nhưng thầy giáo trẻ luôn ấp ủ ý định khởi nghiệp và kinh doanh.
Đang là giáo viên nhưng anh Nguyễn Đình Hùng vẫn rất đam mê với phong trào khởi nghiệp
Đầu năm 2018, anh Hùng đã thực hiện được ước mơ của mình khi được Trung tâm tạo điều kiện tìm hiểu về mô hình trồng nấm. Ngoài việc lên mạng Internet tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm, anh còn tìm đến các cơ sở trồng nấm ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các huyện lân cận học hỏi những kinh nghiệm thực tế.
Nhận thấy nấm bào ngư là loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng anh đã quyết định đầu tư 60 triệu đồng mua các thiết bị và phôi nấm. Trong đó Trung tâm GDNN – GDTX huyện cho mượn địa điểm là nhà xe (hạng mục nhàn rỗi) để làm nhà trại và hỗ trợ cho vay 40 triệu (không tính lãi). Đây cũng là tiền đề để sau này Trung tâm GDNN – GDTX huyện mở thêm nghề trồng và khai thác nấm cho nhân dân trong vùng.
Có sẵn tay nghề cơ khí trong tay, anh Hùng đã tự mua sắt về làm kệ và thiết kế hệ thống phun sương tự động, có thể xoay các hướng để tạo độ ẩm cho phôi. Do đó, chỉ với diện tích 90m2 nhưng anh đã có những sắp xếp khoa học để được 8.000 phôi nấm bào ngư mà không chất quá 3 tầng, mỗi tầng không quá 5 lớp trên mỗi kệ.
Dù vậy, con đường khởi nghiệp của thầy giáo trẻ cũng không hoàn toàn thuận lợi. Trong thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật nên rất nhiều lần phôi bị mốc, nấm không mọc lên. Tuy nhiên, anh không nản chí, tiếp tục tìm đọc thêm tài liệu, học hỏi từ những mô hình thực tế để áp dụng vào mô hình của mình nên những khó khăn, trở ngại dần được khắc phục.
Anh Hùng chia sẻ, nấm bào ngư được nuôi trồng trên cơ chất chính là mùn cưa cây cao su được ủ hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng chất hóa học. Công việc trồng nấm nhìn tưởng rất dễ nhưng lại đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Sản phẩm nấm của HTX cũng đã dần nâng cao giá trị bởi nhận được chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Đắk Lắk.
Anh Hùng chia sẻ việc khâu hái nấm và vệ sinh cổ nấm rất quan trọng, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng nấm, mỗi đợt thu hoạch nấm có thể cách nhau từ 12 đến 15 ngày.
Sau kinh nghiệm rút ra từ những thất bại ban đầu, anh đã áp dụng thành công những kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm vào mô hình của mình. Anh cho biết đến nay mỗi ngày gia đình anh thu hoạch từ 15 đến 20kg nấm để cung cấp ra thị trường với mức giá khoảng 50.000đ/kg.
Không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình, đến tháng 9/2019, anh Hùng đã tham gia sáng lập HTX trồng nấm Hưng Phát với sự tham gia của 6 thành viên nữa. Diện tích nhà xưởng cũng được mở rộng lên thành 600m2, đầu tư thêm dây chuyền làm phôi nấm. Hàng tháng HTX sản xuất khoảng 10.000 phôi nấm các loại.
Mô hình trồng nấm đang được anh chuyển giao và nhân rộng ra các gia đình khác tại địa phương
Sản phẩm nấm của HTX cũng đã dần nâng cao giá trị bởi đã nhận được chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Đắk Lắk. Do đó HTX không chỉ cung cấp nấm cho người dân trong vùng mà còn phân phối ở nhiều nơi khác.
Anh Hùng chia sẻ hiện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Búk cũng đang mở lớp dạy nghề trồng và khai thác nấm với sự tham gia của gần 70 học viên. Mục tiêu của anh trong thời gian tới là nhân rộng mô hình trồng nấm tới những gia đình người dân tộc thiểu số tại địa phương giúp họ có thêm nguồn thu nhập nhất là trong khi nông sản ngày càng bấp bênh như hiện nay.
Với hiệu quả bước đầu mang lại, anh cũng đang tiếp tục học hỏi kinh nghiệm để trồng thêm nấm linh chi, đồng thời nghiên cứu sản xuất máy móc, thiết bị nhằm phục vụ cho trại nấm cũng như bán ra thị trường.
Đã từng làm phóng viên của một tờ báo, suốt 4 năm rong ruổi viết phóng sự, thế nhưng, Nguyễn Huy Ba lại bỏ phố về...
Nguồn: [Link nguồn]