Cử nhân kinh tế đầu tư cả chục tỷ đồng mở hướng đi mới cho "vàng đen"
Xuất thân từ dân kinh tế và ngoại ngữ nhưng anh Công và chị Nga đã từ bỏ phố thị ồn ào để về quê khởi nghiệp lại từ đầu với đặc sản “vàng đen” của quê hương.
Nhiều năm nay, gia đình anh Nguyễn Tấn Công và chị Nguyễn Thị Nga (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) thường được người dân nơi đây nhắc đến trong vai trò “chắp cánh” cho hồ tiêu vùng đất này với 4 sản phẩm hữu cơ vươn xa.
Chị Nga cho biết bản thân tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh, còn anh Công tốt nghiệp Đại học kinh tế năm 2000. Sau hơn chục năm lăn lộn và bươn chải với cuộc sống xô bồ nơi phố thị, năm 2012 anh chị quyết định rời TP HCM về quê Gia Lai khởi nghiệp lại từ đầu với cây tiêu – loại cây được ví là “vàng đen” với những người dân vùng Tây Nguyên.
Các sản phẩm hữu cơ của anh chị đã nhiều lần được mang đi giới thiệu ở nước ngoài
Anh chị bắt đầu canh tác hồ tiêu theo phương pháp hữu cơ với vườn gần 3.000 trụ của gia đình. Ban đầu, ai cũng cười với quyết định trở lại quê hương khởi nghiệp cùng cây tiêu của hai vợ chồng. Nhiều người bảo nghề hồ tiêu chưa đủ "long đong" hay sao mà còn thêm chuyện "chuyển hướng". Anh chị chỉ im lặng và đêm ngày cày cuốc trên chính mảnh vườn của mình.
Những ngày đầu khởi nghiệp với cây tiêu hữu cơ, thời gian anh chị ở ngoài vườn thậm chí nhiều hơn ở nhà. Anh chị cho rằng lý do mình có thể chịu được khổ cực trong nhiều năm liền là do... đam mê. Trải qua 5-7 lần thử nghiệm thất bại, cuối cùng anh chị cũng bước đầu thành công với mô hình trồng tiêu theo phương pháp mới của mình.
Tuy nhiên, thời gian đầu, mô hình trồng tiêu theo phương pháp hữu cơ của anh chị không được nhiều người xung quanh ủng hộ bởi giá tiêu thường đã lên mức đỉnh 220.000 đồng/kg vào năm 2015. Giá lên cao, lãi khủng càng kích thích người dân đổ xô trồng hồ tiêu. Nhà nhà, người người trồng tiêu, thu được càng nhiều lại đổ tiền ra càng nhiều để mua đất trồng tiêu.
Thấy giá cao, nông dân lại càng sử dụng nhiều phân bón để ép tăng năng suất, có trụ tiêu cho sản lượng 8-9kg; trong khi sản xuất tiêu hữu cơ chỉ đạt được 3 - 4kg. Việc đổ xô trồng quá nhiều, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã để lại những hệ lụy lớn cho cây trồng một thời được coi là “vàng đen” của vùng Tây Nguyên trong những năm gần đây khi diện tích tiêu chết nhiều, giá lao dốc khiến nhiều gia đình gánh những khoản nợ lớn.
Anh Công khẳng định đầu tư vào chế biến sâu sẽ nâng cao giá trị của nông sản Việt
Với quyết tâm vực dậy loại nông sản chủ lực của quê hương, năm 2017, anh chị đứng ra thành lập HTX nông nghiệp và dịch vụ cùng sự chung sức của 15 hội viên canh tác khoảng 45 ha hồ tiêu và 15 ha cà phê. Từ những kinh nghiệm tích lũy được sau gần 4 năm trồng tiêu hữu cơ, anh Công đã trở thành người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ đang nuôi ước mơ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chị Nga chia sẻ, năng suất tiêu hữu cơ của HTX liên tục tăng trong những năm gần đây. Theo đó, niên vụ 2017-2018, HTX có vườn hồ tiêu 1,5 ha được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ USDA (Mỹ) và EU (châu Âu), sản lượng hồ tiêu gần 7 tấn, giá bán 120 ngàn đồng/kg. Niên vụ 2018-2019 có gần 16,5 ha hồ tiêu đạt chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu, với sản lượng gần 60 tấn, giá bán gần gấp đôi thị trường.
Giá bán tiêu đóng gói thương hiệu tiêu hữu cơ cho các nhà phân phối, đại lý, siêu thị hiện từ 220 ngàn đồng/kg tiêu đen, tiêu sọ từ 350 ngàn đồng/kg, tiêu đỏ từ 400 ngàn đồng/kg. Chị Nga cũng cho biết, chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX đã có tổng số thành viên lên đến 110 người với 80 ha hồ tiêu và 120 ha cà phê.
Bên cạnh các bộ sản phẩm tiêu hữu cơ, anh Công cũng đã cho phát triển thêm dòng sản phẩm tiêu sạch, cà phê, măng le, khoai mật với thương hiệu riêng. Hàng năm, các sản phẩm bên anh tham gia hơn 20 hội chợ, hoạt động kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước.
Mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ của anh chị đã thu hút sự chung sức của hàng trăm hộ gia đình
Dù ngành sản xuất cà phê và hồ tiêu hiện đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn hiện nay nhưng HTX đang xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản với kinh phí 8,5 tỷ đồng. Cựu cử nhân kinh tế cho biết: “Làm ra nguyên liệu tốt mới chỉ là điều kiện cần. Phải đưa công nghệ chế biến vào khâu chế biến sau thu hoạch, vừa tạo được việc làm, vừa gia tăng giá trị, chất lượng cho nông sản, để đưa nông sản vươn xa hơn, bền vững hơn”.
Theo những con số thống kê, từ năm 2001, hồ tiêu Việt Nam đã chiếm trên 40% về sản lượng và trên 60% về thị phần xuất khẩu, vươn đến trên 100 thị trường và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025, diện tích trồng hồ tiêu trong cả nước khoảng 110 nghìn ha, sản lượng khoảng 244 nghìn tấn; đến năm 2030, giữ ổn định diện tích trồng hồ tiêu là 100 nghìn ha. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm 40% thị phần thế giới là vừa đủ.
Không ít đại gia Việt đã quyết định chuyển giao quyền điều hành tối cao tại các doanh nghiệp nghìn tỷ sang cho thế hệ...
Nguồn: [Link nguồn]