Cô nàng 9x bỏ việc nghìn đô về “chơi” với các mẩu gỗ vụn, thu trăm triệu/tháng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

"Thời điểm tôi từ bỏ công việc với mức lương nghìn USD về làm mộc, ai cũng bảo tôi điên nhưng tôi điên có ý thức. Tôi muốn nối nghiệp bố, muốn tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường và cho con gái nhỏ của tôi tiếp xúc với những gì an toàn nhất”.

Nghề mộc không chỉ dành cho đàn ông

Từng có thời gian 5 năm làm quản lý thiết kế cho một công ty xây dựng có tiếng, Nguyễn Thị Hảo (sn 1992), trú tại Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội, có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng từ công việc này, mức lương mà bao người mơ ước có được. So với bạn bè cùng trang lứa thời điểm đó, mức thu nhập này không hề nhỏ. Vậy mà, cô lại quyết định từ bỏ để về quê làm công việc chân tay – việc mà ai cũng nghĩ chỉ đàn ông mới làm được.

Đầu năm 2020, khi Covid-19 bùng phát ở nước ta, công ty cô thực hiện theo lệnh giãn cách xã hội, cô có nhiều thời gian rảnh mà không biết làm gì cho hết ngày. Sẵn trong người có chút kiến thức về làm mộc từ bố truyền lại và nhà có chiếc máy khoan tay, cô lấy ra và làm những chiếc khuyên tai bằng gỗ vụn.

Hảo bỏ việc nghìn đô và quyết định về làm mộc, nối tiếp sự nghiệp của bố.

Hảo bỏ việc nghìn đô và quyết định về làm mộc, nối tiếp sự nghiệp của bố.

Dù khó khăn rất nhiều, cô vẫn chấp nhận và cố gắng vượt qua.

Dù khó khăn rất nhiều, cô vẫn chấp nhận và cố gắng vượt qua.

“Tôi lại nghĩ ra làm các đồ trang trí trong nhà và đồ chơi cho con gái nhỏ mới 4 tuổi của mình, Nhưng các sản phẩm này tôi cũng cần phải đi học hỏi, tìm hiểu nhiều mới có thể hoàn thiện chúng”, Hảo cho hay.

Càng làm lại càng thấy mê, cô nảy ra ý định bỏ hẳn công việc đúng chuyên ngành và gắn bó 5 năm qua trở về quê ở Đan Phượng để có không gian rộng rãi, thoải mái sáng tạo. Biết được ý định này, bạn bè ai nấy đều bất ngờ còn gia đình lại quyết liệt phản đối. Mẹ cô muốn con gái ổn định, làm việc văn phòng, không muốn con phải khổ. Còn chồng cũng không muốn vợ vất vả.

“Nghề mộc đâu dễ dàng gì với phụ nữ, chủ yếu dành cho đàn ông. Vì quá yêu thích, tôi đành xin gia đình cho tôi đúng 6 tháng để thử sức, nếu thất bại, tôi sẽ quay trở về công việc văn phòng”, 9x nhớ lại.

Chưa một lần nghĩ đến quay trở lại làm việc cũ

Khi bắt đầu mọi thứ thật khó khăn, một mình Hảo phải tự làm hết mọi thứ từ xin gỗ vụn, làm ra sản phẩm và bán hàng. Nếu như trước đây được mặc váy áo đi làm giờ hành chính, đến khi khởi nghiệp cô suốt ngày trong xưởng, bụi gỗ bám đầy người, mặt luôn bịt khẩu trang và phải mặc quần áo lao động...

Lao động chân tay mệt nhọc, bao khó khăn chồng chất, cô vẫn chưa một lần có suy nghĩ bỏ cuộc.

Lao động chân tay mệt nhọc, bao khó khăn chồng chất, cô vẫn chưa một lần có suy nghĩ bỏ cuộc.

“Tôi phải học hỏi rất nhiều từ cách mua rồi sử dụng máy móc nặng, bê đồ gỗ và các vấn đề về kỹ thuật... Ngoài ra, tôi còn tham gia vào hội nhóm làm mộc để tìm hiểu, mày mò cách làm ra các sản phẩm. Hàng ngày, tôi còn phải đi đến các hộ làm mộc xung quanh để xin những mẩu gỗ thừa về làm ra sản phẩm của riêng mình”, cô kể lại.

Vì lượng công việc quá nhiều mà không ai giúp đỡ, Hảo đã phải làm việc miệt mài từ 6 giờ sáng đến 2 giờ đêm mà vẫn chưa hết việc. Khi đó, khách đặt gì cũng làm, có sản phẩm làm mất hai đến ba ngày mà chỉ nhận được vài chục nghìn đồng. Thế nhưng, cô gái trẻ vẫn cảm thấy vui bởi đó là cách giúp cô rèn luyện tay nghề và cũng là cách để khách hàng biết đến mình nhiều hơn.

Những sản phẩm đồ chơi cho trẻ em được thiết kế từ gỗ vụn.

Những sản phẩm đồ chơi cho trẻ em được thiết kế từ gỗ vụn.

Sau khi quen tay nghề, mỗi ngày, cô đều dành thời gian để nghiên cứu, sáng tạo và làm ra nhiều sản phẩm hơn, đa dạng mẫu mã hơn từ những mẩu gỗ vụn. Sản phẩm của cô làm chủ yếu về đồ trang trí nhà cửa và đồ chơi trẻ em.

Ngay cả lúc thu nhập kém, chưa bằng một người sinh viên mới ra trường, cô cũng chưa từng nghĩ sẽ phải dừng công việc này lại để quay trở về làm văn phòng. “Tôi quyết tâm lắm, đã xác định hướng đi là theo đuổi đến cùng. Vì vậy, tôi nhờ mẹ chồng chăm sóc con, còn mình cứ miệt mài làm việc, theo đuổi đam mê”, cô cho hay.

Sau một năm cố gắng, cô đã có thu nhập mà bao người mơ ước.

Sau một năm cố gắng, cô đã có thu nhập mà bao người mơ ước.

Sau 1 năm gắn bó với nghề mộc, tính đến thời điểm hiện tại, mỗi tháng xưởng của Hảo sản xuất ra khoảng 15.000 sản phẩm, đã có các đơn đặt hàng đi nước ngoài... và cung cấp giáo cụ cho khoảng 20 trường học cố định và các trường bán cố định (vào dịp tổ chức sự kiện).

Hiện tại, xưởng của cô có trên dưới chục nhân công, có đến 20-30 đơn đặt hàng mỗi ngày. Tính ra, mỗi tháng cô thu về cả trăm triệu đồng.

Làm mộc vì muốn nối nghiệp của bố

Nhắc lại lý do khiến Hảo muốn theo đuổi nghề mộc, cô kể lại trước đây bố của cô từng là thợ mộc có tiếng trong vùng. Thế nhưng, sau khi bị tai biến, ông không thể tiếp tục làm nghề.

"Từ nhỏ, tôi đã được chơi với dụng cụ làm mộc, mùn cưa, bã bào, các mẩu gỗ vụn. Lúc đó, tôi thích lắm. Có thể những ký ức hồi nhỏ, niềm hạnh phúc khi được chơi, được làm với bố chính là động lực thôi thúc tôi làm điều gì đó liên quan đến công việc này", Hảo tâm sự.

Bố mẹ của cô phụ cô cắt gỗ để cô thiết kế ra các sản phẩm độc đáo.

Bố mẹ của cô phụ cô cắt gỗ để cô thiết kế ra các sản phẩm độc đáo.

Mấy năm nay, sức khỏe ông tốt hơn nhờ điều trị tích cực. Ông có thể giúp cô xẻ gỗ, cắt thô hằng ngày, điều này như tiếp thêm động lực để tiếp tục phát triển trên con đường cô đã chọn. Cô chia sẻ mỗi tháng đều trích một phần doanh thu để “trả công” cho bố. Có tiền, bố tôi có thể tự mua quà bánh cho con cháu và thêm phần vui vẻ. Nghề mộc giúp ông quên đi nỗi đau của bệnh tật, lạc quan, bớt mặc cảm.

Không chỉ vậy, cô còn muốn con gái nhỏ của mình được sử dụng những đồ chơi đến từ thiên nhiên, được chạm vào thiên nhiên một cách gần gũi nhất và đặc biệt bảo vệ môi trường.

Cô nàng 9x bỏ việc nghìn đô về “chơi” với các mẩu gỗ vụn, thu trăm triệu/tháng - 7

Một số sản phẩm làm từ gỗ vụn.

Một số sản phẩm làm từ gỗ vụn.

“Tôi muốn mọi người thấy được và tận dụng các thứ tưởng chừng như vứt đi để làm ra các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống. Dù cái nghề liên quan đến bê vác, khoan cắt, đục đẽo, tưởng chừng khô khan, tôi lại thấy nó vô cùng thú vị và cảm nhận hạnh phúc mỗi ngày khi được làm các công việc đó”, cô cho hay.

Câu chuyện khởi nghiệp của Hảo như một minh chứng cho người phụ nữ hiện đại dám nghĩ, dám làm và dám theo đuổi ước mơ của riêng mình. Chỉ cần có đam mê và sự quyết tâm, phụ nữ cũng có thể làm được và đạt những thành công nhất định từ các công việc tưởng chừng chỉ dành cho phái mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Lão nông Nam Định xây nhà lầu, sắm xe hơi nhờ quyết định này

Nghĩ là làm, lão nông này bất chấp sự phản đối của gia đình để đầu tư chăn nuôi. Sau bao vất vả, ông cũng gặt hái...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN