Cô gái Hà Nội bỏ phố theo chồng Tây về quê làm trang trại, chăn 300 con bò
Là một cô gái Hà thành 23 năm chưa 1 ngày trải qua công việc làm nông nghiệp, thế nhưng, Đỗ Thanh Thảo lại từ bỏ tất cả để theo chồng sang Úc, bắt tay vào làm trang trại rộng hơn 200 ha với hàng trăm con bò, ngựa, lạc đà không bướu…
Từng là giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, như bao cô gái Hà thành khác, Đỗ Thanh Thảo (sinh năm 1996) đã có những tháng ngày gắn bó với sự ồn ào, đông đúc của phố thị. Chưa một lần “chân lấm tay bùn” với nghề nông nhưng Thảo lại quyết định theo chồng sang Úc để tiếp quản trang trại của gia đình chồng khiến bao bạn bè ngỡ ngàng.
“Tôi vừa háo hức vừa lo sợ. Háo hức vì sẽ được đến một đất nước khác với bao điều chờ tôi khám phá, có một cuộc sống hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ, làm bạn với những con vật đáng yêu và một thảo nguyên rộng mênh mông, xanh ngát, cuộc sống hệt như truyện cổ tích. Lo sợ sẽ không có bố mẹ và bạn bè bên cạnh, không biết mình có thích nghi được không”, Thảo bộc bạch.
Bắt đầu công việc làm nông nghiệp ở tuổi 23, cô gái Hà Nội nhỏ bé này đã cố gắng từng ngày để thích nghi với môi trường mới ở nơi hoàn toàn xa lạ.
Quyết tâm sang Úc cùng chồng, Thảo thừa nhận đã có những thời điểm “buồn vô cùng tận” vì nhớ gia đình, nhớ Hà Nội, nhớ bạn bè và cuộc sống phố thị đã gắn bó hơn 20 năm. Dần dần, với sự động viên của chồng và bố mẹ chồng, Thảo đã tạo được niềm vui và tinh thần tích cực.
“Hai vợ chồng mình cùng nhau thức giấc, tập gym rồi ra trang trại đếm số lượng bò, chơi với lạc đà, cho ngựa ăn, trồng cây, trồng rau… Từ căn nhà cho đến vườn rau của quả và những con vật mình nuôi đều trở nên gắn bó. Bản thân mình cũng dần nảy sinh tình yêu cây cối, yêu thiên nhiên và động vật, cái mà trước đây mình đã bỏ lỡ khi còn ở Hà Nội”, Thảo tâm sự.
Trang trại rộng mênh mông hơn 200 ha của vợ chồng Thảo.
Với hơn 300 con bò được nuôi theo quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, đảm bảo để cung cấp cho chuỗi nhà hàng tại Úc.
Mỗi ngày hai vợ chồng đều phải tiến hành kiểm đếm đàn bò và theo dõi, chăm sóc những chú bê con mới sinh.
Vì cách siêu thị lớn hơn 70km nên mỗi tuần Thảo đi siêu thị 1 lần. 100% nước sinh hoạt, ăn uống của gia đình Thảo đều là nước mưa được chứa trong các bể lớn, sử dụng hệ thống lọc nước sạch cẩn thận.
Ngoài ra, điện sinh hoạt cũng dùng từ hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, vừa sản xuất điện vừa che nóng trong mùa hè, nếu dư thừa sẽ bán lại cho công ty điện.
Đàn bò nhà cô cũng luôn duy trì khoảng trên 300 con với quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng để cung ứng cho chuỗi nhà hàng tại Úc. Mùa xuân, khi cỏ lên xanh và non, hai vợ chồng lại cùng nhau cắt cỏ, tích trữ làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông.
Điện sinh hoạt được dùng từ hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà.
Nước mưa được chứa trong những bể lớn dùng làm nước sinh hoạt hàng ngày sau khi tiến hành lọc cẩn thận.
Không nề hà vất vả, cô tiểu thư Hà Nội ngày nào đã cùng chồng làm tất cả những công việc nhà nông.
Vì ở nơi có mưa bão nhiều, gió to làm đổ cây nên theo Thảo, mùa đông nào cả nhà cũng tranh thủ lúc đất mềm để trồng gần 1.000 cây xanh bao quanh trang trại. Khi cây đổ, cả nhà lại đi cắt về làm hàng rào hoặc làm củi đốt trong lò sưởi.
Đất rộng nên Thảo cũng tận dụng thời gian để trồng các loại rau, củ, quả để hướng đến cuộc sống tự cung, tự cấp hoàn toàn. “Đất trồng rau mình xúc ở ngoài đồi đem về trộn với phân bò đã được ủ với rác thải nhà bếp làm đất trồng rau. Điều hạnh phúc nhất là lúc nào cũng có chồng ở bên cạnh, từ việc ngoài vườn đến việc bếp, thấy vợ làm gì anh cũng sắn tay áo vào làm cùng, vui lắm”, Thảo bày tỏ.
Những chú đà mã, hay còn gọi là lạc đà không bướu này được nuôi làm thú cưng, canh giữ đàn bò.
Ngoài nuôi bò, lạc đà, vợ chồng Thảo còn nuôi thêm những chú dê...
Và những con ngựa....
Những que kem sau khi ăn xong cũng được tận dụng để ghi tên các loại rau được Thảo trồng trong vườn.
Hai vợ chồng Thảo hạnh phúc khi được cùng nhau làm việc, sống cuộc sống bình yên và hòa mình với thiên nhiên.
"Thời gian tới, tôi cùng chồng sẽ phát triển thêm kênh Youtube riêng, ghi lại những công việc hàng ngày để mọi người hiểu thêm về hành trình làm nông dân ở nước Úc của mình cũng như tạo niềm vui sau những giờ phút lao động mệt nhọc", Thảo chia sẻ.
Bỏ phố theo chồng làm nông nghiệp với Thảo là khởi đầu không hề dễ dàng nhưng hiện tại, cô đang có cuộc sống nhiều người mơ ước khi được hòa mình với thiên nhiên. Sáng thức dậy là khoảng trời xanh ngút ngàn của cánh đồng cỏ với hàng trăm con bò đang thong dong gặm cỏ, của chiếc cổng gỗ phủ đầy hoa hồng leo với những khoảnh khắc bình yên và hạnh phúc, vạn người mơ.
Quyết định bỏ hàng tỷ đồng về cải tạo 2ha đất bạc màu của gia đình để trồng hoa hồng cổ, chị Hồ Thị Diệu...
Nguồn: [Link nguồn]