Bỏ phố thị, 9X Hà Nội lên rừng khởi nghiệp, kiếm trăm triệu/tháng

Dù mới 31 tuổi nhưng chàng trai người Hà Nội, Trương Tất Đạt đang có doanh thu mỗi năm cả tỷ đồng nhờ quyết định lên rừng để khởi nghiệp.

Sinh năm 1990, tại Hà Nội, ngay từ nhỏ Trương Tất Đạt đã rất thích kinh doanh. Năm cuối thời sinh viên, chàng trai trẻ đã cùng một người quen góp vốn để mở quán trà chanh vỉa hè khu Định Công (Hà Nội). Đạt chia sẻ, đây cũng là bài học đầu tiên của anh về những điều khó khăn sẽ gặp phải khi bước chân vào con đường làm kinh doanh.

Anh Trương Tất Đạt cho biết ngay từ nhỏ đã rất thích kinh doanh

Anh Trương Tất Đạt cho biết ngay từ nhỏ đã rất thích kinh doanh

Cuối năm 2012, bước ngoặt lớn đã đến với chàng trai trẻ khi Đạt với sự ủng hộ của gia đình quyết định rời Hà Nội vào huyện Đắk Glei – tỉnh Kon Tum để thực hiện giấc mơ khởi nghiệp.

Tại mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió, Đạt đã trải qua nhiều công việc từ chế biến tăm nhang, chế biến phôi que xiên tre, hợp tác mở xưởng nghiền bột bời lời…trước khi dành nhiều thời gian để học hỏi kinh nghiệm những người đi trước trong việc nghiên cứu về chế biến các loại cây dược liệu tại địa phương.

Trong thời gian này, Đạt nhận ra rằng tốc độ “chảy máu” của các dược liệu tại địa phương quá nhanh. Anh đau lòng khi nhìn thấy thảo dược quý là thảo quả, quế rừng, vỏ đắng, rễ na rừng, máu chó, vằng đắng, chè rừng và đặc biệt là cây lan kim tuyến, một loại dược liệu nằm trong sách đỏ của Việt Nam bị thương nhân nước ngoài thu mua.

Dù vậy, nguồn giống sâm Ngọc Linh và Hồng đẳng sâm bản địa tại dãy Ngọc Linh - huyện Đắk Glei - tỉnh Kon Tum vẫn được bà con đồng bào địa phương bảo tồn và phát triển. Khi công việc của gia đình bắt đầu rơi vào bế tắc, thua lỗ và chưa tìm ra lối thoát, năm 2018 chàng trai trẻ đã dành toàn bộ thời gian của mình để tập trung vào việc nghiên cứu và chế biến cây Hồng Đẳng Sâm.

Theo Đạt, cảm quan rất dễ nhận ra của củ sâm trồng ở xã Mường Hoong và Ngọc Linh của huyện Đắk Glei – tỉnh Kon Tum so với một số vị trí địa lý khác là lúc nhai vị sâm ngọt, sâm có màu vàng, nhiều thân nhánh, và điểm đặc biệt là dù để héo trong bóng râm 2-3 ngày nhưng khi nhai củ sâm vẫn rất giòn.

Chàng trai gốc Hà Nội đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về cây Đẳng sâm Ngọc Linh để thương mại hóa sản phẩm

Chàng trai gốc Hà Nội đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về cây Đẳng sâm Ngọc Linh để thương mại hóa sản phẩm

Hiện cũng có ít loại thảo dược nào lại dễ sử dụng như đẳng sâm. Có thể dùng sâm tươi, nhưng phổ biến hơn là dùng sâm khô hoặc các sản phẩm được chế biến từ sâm vì dễ bảo quản, lại tiện dụng. Đẳng sâm núi Ngọc Linh loại khô thích hợp ngâm rượu, ngâm mật ong, sắc nước uống, pha trà, hầm với các thực phẩm bổ dưỡng khác như thịt bò, chim câu, gà ác, thịt dê,…

Trên thị trường giá của đẳng sâm rừng Ngọc Linh khô dao động trong khoảng 700 nghìn đến 2-3 triệu/kg tuỳ theo trọng lượng củ sâm tươi được đem đi sấy.

Tất Đạt chia sẻ trong thời gian đầu nghiên cứu sản phẩm, cùng với việc đọc các tài liệu chuyên môn, bản thân anh cũng tìm hiểu về các phương thức chế biến sâm trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do không có điều kiện về máy móc nên Tất Đạt sử dụng những công cụ có sẵn để chế biến củ Hồng Đẳng sâm thành các sản phẩm khác nhau để bản thân, gia đình sử dụng thử.

Từ những thành quả bước đầu, chàng trai trẻ quyết định thương mại hóa sản phẩm của mình bằng việc từng bước đầu tư hệ thống máy theo công nghệ hiện đại.

Anh đã đầu tư hệ thống máy sấy lạnh, cối đá granite nghiền bột siêu mịn. Cùng với đó là đầu tư thêm máy thái sâm, rửa sâm, máy đóng chân không, chiết rót, hàn miệng túi… để đảm bảo quy trình sản xuất là khép kín.

Chàng trai 31 tuổi quê Hà Nội cho biết đến nay đã đầu tư cả tỷ đồng vào việc xây dựng mẫu mã, nhà xưởng, máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình.

Những sản phẩm của chàng trai trẻ đã được giới thiệu đến những thành phố lớn của cả nước

Những sản phẩm của chàng trai trẻ đã được giới thiệu đến những thành phố lớn của cả nước

Tất Đạt chia sẻ sau những năm nghiên cứu và thử nghiệm đến nay đã cho ra đời nhiều sản phẩm từ cây Hồng Đẳng sâm như bột từ củ, từ lá, ngâm mật ong, sấy lạnh, trà ... Các sản phẩm này đã được giới thiệu đến người tiêu dùng tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM,... với giá bán trung bình từ 250.000 - 400.000/hộp sản phẩm có trọng lượng từ 50 đến 150gram.

Đạt cho biết sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, công việc của anh cũng đã dần ổn định trở lại. Anh cũng tiết lộ nhận được sự ủng hộ của khách hàng, đến nay doanh thu hiện tại cũng đã lên tới hơn trăm triệu đồng một tháng.

Điều này không chỉ giúp cho anh có được nguồn vốn để quay vòng sản xuất mà còn giúp nhiều người lao động tại địa phương có được nguồn thu nhập ổn định từ việc trồng, chăm sóc và khai thác loại dược liệu quý này.

Đầu tháng 12/2020, sản phẩm của Đạt đã được trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đặc biệt khó khăn của Văn Phòng Điều Phối Nông Thôn Mới Trung Ương.

Sau những lần khó khăn, vất vả trong quá khứ, Tất Đạt hy vọng rằng thời gian tới sẽ không còn những chuyến xe dược liệu rác từ biên giới chở về, trong khi những dược liệu quý được mua với giá rẻ mạt mà sẽ là những sản phẩm Made by VietNam, mang cái hồn của nước Việt.

Nguồn: [Link nguồn]

Bỏ nghề báo về quê nuôi loại gà đặc biệt, có con bán được 27 triệu đồng

Đã từng làm phóng viên của một tờ báo, suốt 4 năm rong ruổi viết phóng sự, thế nhưng, Nguyễn Huy Ba lại bỏ phố về...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN