Bỏ lương nghìn USD để khởi nghiệp, 9x Quảng Trị thu cả triệu USD từ đặc sản địa phương

Từ bỏ mức lương nghìn USD để khởi nghiệp và phải làm lại từ đầu chỉ với 500.000 đồng, đến nay 9x Quảng Trị này đã ký được hợp đồng xuất khẩu đặc sản địa phương mình lên tới cả triệu USD, tạo công ăn việc làm cho cả trăm lao động trực tiếp và gián tiếp.

Sinh năm 1991 tại Quảng Trị, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Nhật Thuận cho biết trước khi ký được hợp đồng xuất khẩu đặc sản địa phương đến năm 2026 trị giá 5 -6 triệu USD, anh đã trải qua quãng thời gian đầy khó khăn.

Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận học đại học tại TP.HCM ngành quản trị kinh doanh và ra trường làm việc cho một công ty chuyên về logistics với mức lương lên tới 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên, do luôn ấp ủ hoài bão phải làm được những điều có ích cho quê hương nên anh quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp vào năm 2015.

Ban đầu là một quán nhỏ trong hẻm với vài bàn ghế nhựa ở Q.Tân Phú, một thời gian sau, anh dời quán ra một phố ăn uống có tiếng ở Q.Phú Nhuận. Món đầu tiên giúp anh tạo thương hiệu là bánh ướt Phương Lang, rồi mở rộng sang cháo bột cá lóc, cháo bột vịt, gà bóp rau răm, miến lươn xào. Toàn bộ nguyên liệu, gia vị đều được Thuận mua từ Quảng Trị và vận chuyển bằng máy bay để phục vụ thực khách ngay trong ngày.

Nguyễn Đức Nhật Thuận cho biết đã ký được hợp đồng xuất khẩu đặc sản địa phương đến năm 2026

Nguyễn Đức Nhật Thuận cho biết đã ký được hợp đồng xuất khẩu đặc sản địa phương đến năm 2026

Nhờ đông khách, Thuận phát triển được tổng cộng 3 quán cho đến năm 2018. Tuy nhiên, mở rộng quy mô đi liền với hàng loạt khó khăn về quản lý. Thuận kể, cuối năm 2018 hai vợ chồng còn đúng 500.000 đồng và một khoản nợ lớn, tài sản cuối cùng là chiếc laptop cũ được mang đi cầm cố để trả nợ. "Đây là thời điểm đau đớn nhất của mình, bởi khởi nghiệp khó khăn thì đành chấp nhận, nhưng để vợ con, gia đình phải chịu theo, thật sự rất đau", Thuận chia sẻ. Tết đó, anh tắt điện thoại, đóng cửa phòng suốt 3 ngày để rà soát thiếu sót và xốc lại tinh thần.

Qua tết năm đó, chàng trai 9x quyết định tái cơ cấu hoạt động kinh doanh bằng cách thu hẹp từ 3 quán thành một, nhân sự và tài chính được kiểm soát chặt chẽ hơn. Trải qua 6 tháng tái cơ cấu, hoạt động kinh doanh của chàng trai trẻ bắt đầu có lợi nhuận tốt nhờ doanh số bùng nổ. Lúc này, 9x Quảng Trị cũng mua được nhà bằng một phần thu nhập tích góp từ quán cộng thêm tiền vay ngân hàng và người thân.

Trong năm 2023, anh Thuận đã xuất đi hơn 5 container chính ngạch đi các thị trường nước ngoài

Trong năm 2023, anh Thuận đã xuất đi hơn 5 container chính ngạch đi các thị trường nước ngoài

Đến đợt dịch Covid-19, quán không được mở bán, anh cùng đội ngũ nhân viên đã duy trì bếp cơm yêu thương để tặng các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly khó khăn suốt gần 4 tháng với số lượng 700-800 phần cơm mỗi ngày. Cũng trong thời gian này, anh đã nghiên cứu đóng gói món cháo bột cá lóc (hay còn gọi là bánh canh cá lóc), một món đặc sản nổi tiếng của quê hương Quảng Trị. Thuận chia sẻ: “Quảng Trị không chỉ có cháo bột cá lóc. Quảng Trị còn rất nhiều món ngon khác. Tôi muốn thông qua những món ăn sẽ quảng bá văn hóa, con người Quảng Trị”.

Ban đầu, Thuận đóng theo gói lớn dùng cho 5 người ăn nhưng kích thước cồng kềnh gây trở ngại cho việc bảo quản và vận chuyển. Chưa kể nếu ăn không hết, tiếp tục bảo quản sẽ khiến cho món ăn bị mất chất. Thuận lại tiếp tục mày mò nghiên cứu. Tháng 6/2022, sản phẩm cháo bột cá lóc phiên bản tiện lợi, kích thước nhỏ gọn bằng gói mì ăn liền thông dụng, dành cho một người ăn được ra mắt. 

Sau hơn một năm tung sản phẩm ra thị trường, chàng trai trẻ 9x đã xây dựng được hàng chục đại lý cung cấp cho các tỉnh thành trong cả nước như: TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Huế, Đắk Lắk, Đắc Nông…và lân la đến Mỹ theo đường xách tay để thăm dò.

Thuận kể, trong tất cả các địa phương, việc sản phẩm "cháo bột cá lóc" đứng chân được ở quê hương Quảng Trị là một thành tích đáng tự hào. Không những tạo ra công việc cho hệ thống cửa hàng, phân phối, chàng trai trẻ còn giúp đầu ra ổn định cho nhiều người tại quê hương Quảng Trị đang chế biến, cung cấp nguyên liệu.

Cùng với việc phát triển mở rộng thị trường trong nước, Thuận cũng tự mày mò tìm hiểu quy trình để xuất khẩu, trực tiếp gửi thư cho cơ quan quản lý thực phẩm bên Mỹ. Nhưng thật bất ngờ, một đối tác phân phối tại Mỹ tình cờ thưởng thức được món bánh canh cá lóc đóng gói từ nguồn hàng xách tay nên chủ động liên hệ. Trong thời gian đàm phán, hai bên giúp đỡ lẫn nhau hoàn tất các thủ tục giấy tờ để đưa sản phẩm nhập khẩu chính ngạch vào Mỹ.

Tháng 6/2023, container bánh canh cá lóc Quảng Trị đầu tiên của Thuận bắt đầu đi Mỹ bằng đường biển. Trong năm 2023, anh đã xuất đi hơn 5 container chính ngạch đi các thị trường, Thuận thừa nhận đây thực sự là một giấc mơ.

"Đối với tôi, những hợp đồng ký được, những lô hàng xuất đi là niềm khát vọng lâu nay, nhưng tôi không ngờ nó lại đến quá nhanh như vậy, cứ như một giấc mơ", Thuận thổ lộ. Hợp đồng ký đến năm 2026, trị giá hơn 5 triệu USD... 

Xưởng sản xuất của chàng trai trẻ đặt tại huyện Hóc Môn, lúc cao điểm có khoảng 40-50 công nhân tham gia trực tiếp sản xuất

Xưởng sản xuất của chàng trai trẻ đặt tại huyện Hóc Môn, lúc cao điểm có khoảng 40-50 công nhân tham gia trực tiếp sản xuất

Hiện tại, bên cạnh cháo bột cá lóc, Thuận cũng đã cho ra mắt thêm miến lươn, bún lươn xào nghệ và đã xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường lớn như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan.... Xưởng sản xuất của chàng trai trẻ đặt tại huyện Hóc Môn, lúc cao điểm có khoảng 40-50 công nhân tham gia trực tiếp sản xuất 200.000-300.000 sản phẩm một tháng. 

Thuận  đang có kế hoạch xây thêm một xưởng ở Quảng Trị để tăng công suất và đa dạng mẫu mã. Thương hiệu của anh cũng góp phần bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm đến từ nông nghiệp, giúp giải quyết công ăn việc làm cho hơn 50 bà con nông dân.

"Chúng tôi may mắn được ủng hộ nhờ câu chuyện khởi nghiệp, chứa đựng tinh thần quê hương trong sản phẩm. Để cạnh tranh cần thời gian chứ tiền bạc không thể làm được ngay hết", anh nhận định.

Sau những khó khăn đã trải qua, Thuận cho rằng năm 2018, trong muôn vàn khó khăn, anh đã luôn giữ bản thân một niềm tin, rằng thách thức nào rồi cũng vượt qua được, chỉ cần giữ vững tinh thần tích cực và ý chí chiến đấu. Câu chuyện của anh ngày hôm nay là rất nhỏ nhoi nếu đem so với những người anh chị lớn, nhưng Thuận tin trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng như hiện tại, hy vọng đây sẽ là một lời động viên các bạn trẻ đang khởi nghiệp.

Không chỉ cắt giảm nhân viên, thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp BĐS này cũng giảm mạnh cùng đà giảm của kết quả kinh doanh trong năm vừa qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Khởi nghiệp với số vốn nhỏ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN