Bất ngờ bên trong khu tập thể từng là khách sạn cao cấp bậc nhất ở phố Cổ Hà Nội
Khu tập thể Hàng Bông từng là một khách sạn cao cấp người Pháp đã xây dựng tại Hà Nội. Trải qua hơn 80 năm, nơi đây trở thành nơi ở của hàng chục hộ dân và là một trong những khu tập thể nổi tiếng nhất phố Cổ Hà thành nhưng là nổi tiếng về những điều… không ai mong muốn.
Khu tập thể Hàng Bông (đoạn ngã tư Hàng Bông giao với Phủ Doãn) có tổng diện tích khoảng 380m2. Cách đây 80 năm, nơi này từng là một khách sạn cao cấp của người Pháp xây dựng, được dùng làm chỗ nghỉ chân của các bệnh nhân giàu có thời kỳ đó. Về sau, khi đất nước mở cửa, toàn bộ khu này được chia làm hai phần, phần trên là sàn nhảy của Tây bên dưới là hợp tác xã.
Trải qua gần một thế kỷ, khu tập thể Hàng Bông hiện là nơi ở của hơn 10 hộ dân với các phần đất chia cắt không đồng bộ. Được mệnh danh là một trong những khu đất đắt đỏ bậc nhất phố cổ khi giá đất mặt đường lên tới 300 – 400 triệu/m2, đất nhà dân khoảng 110 triệu/m2, tuy vậy cuộc sống của người dân nơi đây vẫn tạo ra một “huyền thoại” về sự khổ sở mà ít ai có thể tưởng tượng được.
Cận cảnh cuộc sống của người dân trong khu tập thể Hàng Bông – Khu đất “kim cương” của phố cổ Hà Nội:
Khu tập thể Hàng Bông – Phủ Doãn rộng 380m2, từ ngoài nhìn vào gồm 4 tầng và 1 tầng tum. Đây hiện là nơi sinh sống và kinh doanh của hơn 10 hộ dân.
Khác với vẻ ngoài nhộn nhịp và những gì người ta biết về sự đắt đỏ của khu đất này, khi đi qua những “con ngõ mật đạo” mở ra một cuộc sống trái ngược hoàn toàn với đô thị - Nơi người dân vẫn thường gọi là “sống khổ như người phố cổ”.
Giống như bên trong nhiều ngõ nhỏ khác ở Hà Nội, khu đất ở tập thể Hàng Bông cũng được chia thành nhiều mảnh nhỏ, không đồng bộ về kết cấu cũng như diện tích.
Mỗi căn nhà ở đây rộng từ 10 – 30m2, để tận dụng tối đa diện tích sinh hoạt, người dân thường tiến hành cải tạo, kiên cố nhà cửa, chia nhà thành nhiều gác nhỏ khác nhau tạo thành một tổ hợp ngổn ngang cả trong lòng nhà và trong lòng khu tập thể.
Nhà nhỏ, cũ, chật hẹp, xuống cấp… nhưng mỗi gia đình ở đây có tới 4 – 5 người sinh sống, có nhà 3 thế hệ cùng ở chung.
“Huyền thoại” về sự khổ sở của khu tập thể Hàng Bông so với nhiều nơi khác là tình trạng mất nước liên tục và đến nay, hơn 10 hộ dân, hàng trăm con người vẫn đang phải sử dụng chung một nhà vệ sinh.
Cô Nguyễn Ngọc Ánh, một người dân sống ở đây cho biết: “Hàng ngày phải thức dậy từ 4 giờ sáng để xếp hàng đợi lấy nước đủ dùng cho cả ngày. Có hôm mất điện, không có nước dùng tôi và con trai phải đi xe bus về nhà ông bà ngoại để sinh hoạt đến đêm mới về lại nhà.”
Nhà cô Ánh rộng 16m2, được chia làm 3 gác xép nhỏ. Trước đây gia đình 3 thế hệ gồm bố mẹ cô Ánh, cô Ánh và con trai của cô cùng sống chung trong căn nhà này nhưng từ khi bố cô bệnh nặng, sinh hoạt nhiều bất tiện nên hai ông bà đã chuyển đi nơi khác.
Người trong khu tập thể đưa ra quy định mỗi người chỉ được sử dụng nhà vệ sinh 15 – 20 phút vào buổi sáng. Cứ đến giờ cao điểm, lũ lượt người trong ngõ lại cầm khăn tắm, xà phòng,… đứng trước cửa nhà vệ sinh đợi tới lượt.
Hiện tại, giá bất động sản khu này dao động từ 110 – 150 triệu/m2 đất nhà dân trong ngõ. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay người dân tìm người mua nhưng không ai bán được vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thành phố Hà Nội đang triển khai Đề án Giãn dân phố cổ. Theo đó, khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm phải di chuyển trên 6.500 hộ dân với khoảng 27.000 người sang khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên). Đề án được chia làm 2 gia đoạn và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2020.
Ngôi nhà được mua với giá đắt khiến ai cũng phải choáng và nằm ở vị trí đắc địa.
Nguồn: [Link nguồn]