Bà mẹ 35 tuổi mất 900 triệu, đóng cửa quán bar vì những quyết định sai lầm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau 6 năm bước trên con đường khởi nghiệp, chị Hà Minh Nga cho biết đã phải vượt qua rất nhiều thử thách, trả những khoản “học phí” lớn cho những quyết định sai lầm.

Chị Hà Minh Nga (1985) quê Bình Thuận chia sẻ từng nhận được mức lương 15 triệu đồng/tháng khi làm việc ở một trường quốc tế tại TP HCM năm 2014. Tuy nhiên, do chán cảnh khói bụi, ngột ngạt, kẹt xe, ngập nước,... tháng 11/2014 chị quyết định chuyển ra Phú Quốc làm việc. Thời gian đầu chị xin làm trong một resort, được bao ăn ở, toàn bộ số tiền lương nhận được chị hùn vốn với một người bạn để thuê 250m2 đất mở một cửa hàng tiện lợi.

Trước khi khởi nghiệp tại Phú Quốc, chị đã được đi nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau

Trước khi khởi nghiệp tại Phú Quốc, chị đã được đi nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau

Sau nửa năm, chị xin nghỉ để tập trung vào công việc kinh doanh của mình. Chị được sếp cũ khi làm việc tại TP HCM cho vay 100 triệu, mẹ đẻ vay hộ cho 35 triệu nữa để mở thêm một quán nhỏ bán bia, nước ngọt, cocktail cho khách du lịch trên mảnh đất đã thuê. Chị chia sẻ trải qua 1 năm đầu tiên tự kinh doanh với rất nhiều khó khăn, nhiều đêm một mình đối mặt với mưa gió bão bùng trên đảo nhưng bù lại đã trả hết nợ vay.

Nhận thấy khu mình ở toàn resort cao cấp, khách là các cặp đôi, chưa có thị trường để khai thác khách ba lô, khách đi một mình, năm 2015, chị nhờ mẹ ở quê thế chấp nhà đất để vay 500 triệu đầu tư làm hostel (nhà nghỉ tập thể) phục vụ khách du lịch lẻ. Chị chia sẻ khi đưa ra đề xuất này, cả mẹ và chị cũng run và lo lắm bởi lỡ thất bại thì sao? Không có tiền trả ngân hàng lấy nhà, rồi mẹ, chị gái, và em trai chị sẽ ở đâu? Tuy nhiên chị cho biết đây giống như cơ hội ngàn năm có một, phải biết tận dụng.

Chị Nga cho biết mình đã gặt hái nhiều thành công khi khai thác được thị trường ngách trong ngành du lịch

Chị Nga cho biết mình đã gặt hái nhiều thành công khi khai thác được thị trường ngách trong ngành du lịch

Sau khi nhận được tiền, chị thuê thêm 500m2 đất với giá 7 triệu đồng/tháng để xây hostel. Chị xây 3 phòng tập thể mỗi phòng 35m2 và 2 phòng riêng mỗi phòng 15m2, phần đất còn lại làm sân vườn và khu sinh hoạt chung. Qua gần 4 tháng xây dựng thì công trình hoàn thành, chị đăng ký tài khoản trên các trang web và ứng dụng cho đặt phòng trực tuyến. Giá 1 giường phòng tập thể là 5 USD, còn phòng riêng là 15 đến 20 USD tùy tháng. Nhờ đánh trúng thị trường còn thiếu nên từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2016 là mùa cao điểm du lịch Phú Quốc, khách rất đông.  

Qua mùa đón khách du lịch đầu tiên, sau khi trừ hết chi phí chị còn dư được 350 triệu đồng. Chị gửi về quê cho mẹ 250 triệu đồng để trả bớt tiền vay ngân hàng, còn 100 triệu đặt cọc mua miếng đất 500m2 của người bạn với giá 1 tỷ đồng, trả góp trong 3 năm. Bước vào mùa mưa năm 2016, hostel của chị xuống cấp trầm trọng, đang suy nghĩ không biết tính sao cho hay thì có người tới hỏi thuê. Chị đồng ý cho thuê luôn với mức giá 20 triệu đồng/tháng trong thời hạn 4 năm. Người thuê trả trước số tiền 1 năm là 240 triệu đồng. Phần sân trước cửa hàng được chị tận dụng hùn vốn với người bán đất cho mình mở nhà hàng Tây.

Khi giá đất Phú Quốc lên cơn sốt đỉnh điểm cuối năm 2016, người bạn bán đất cho chị bẻ kèo, bán cho người khác với giá cao hơn bù lại người bạn đó để lại cho chị toàn bộ phần góp vốn mở nhà hàng Tây. Công việc kinh doanh nhà hàng thuận lợi, chị quyết định thuê thêm 250m2 bên cạnh để mở rộng và xây lên 1 ngôi nhà nhỏ 2 phòng để ở. Số lượng nhân viên cũng tăng lên 10 người. Nhận thấy nhu cầu của khách du lịch ngày một lớn, chị tiếp tục mở rộng hệ thống kinh doanh bằng việc thuê thêm đất để mở một nhà hàng Việt Nam và một quán bar.

Trước dịch Covid-19, cơ sở kinh doanh của chị đón rất nhiều du khách người nước ngoài

Trước dịch Covid-19, cơ sở kinh doanh của chị đón rất nhiều du khách người nước ngoài

Nhưng rồi, những quyết định kinh doanh sai lầm trong nửa cuối năm 2018 đầu năm 2019 đã khiến chị gánh khoản lỗ 900 triệu đồng và buộc phải đóng cửa quán bar vì vận hành nhiều mô hình kinh doanh khác nhau nên không quản lí nổi. Bên cạnh đó, quán bar cũng gần nhà dân nên tiếng ồn ảnh hưởng và làm phiền người xung quanh. Hiện chị còn là chủ của một quán nước, một hostel cho thuê, một nhà hàng Tây, một nhà hàng Việt Nam xây dựng lên từ nền đất đi thuê.

Chia sẻ về những khó khăn, thử thách đã đối mặt và trải qua, chị Nga thừa nhận đã là làm ăn thì phải chấp nhận được mất. Bản thân đã vài lần ra quyết định sai lầm và đã phải trả những cái giá không hề nhỏ, nhưng dù sao thì tình hình hiện tại vẫn tốt hơn so với hồi chân ướt chân ráo ra đảo.

Chị cũng cho biết trong quá trình làm kinh doanh khả năng ra quyết định được xem là nhân tố sống còn để giải quyết những vấn đề phát sinh. Sau 6 năm tự thân khởi nghiệp và trải qua những cú vấp, bản thân chị đã đúc kết ra một số nguyên tắc cần phải có trong kinh doanh là:

- Quên tiền bạc đi, rồi tiền bạc sẽ đến

- Cung cấp dịch vụ khách hàng tốt nhất có thể

- Nói “cảm ơn” một cách thường xuyên và chân thành

- Kinh doanh cái mà mình đam mê và làm giỏi nhất, không phải cái mà thị trường đang hot.

Nguồn: [Link nguồn]

Những bí mật mà ngân hàng không bao giờ muốn khách hàng biết được

Bạn có phải là kiểu người hoàn toàn tin tưởng vào ngân hàng và luôn ký tên mà không cần đọc điều khoản trong giấy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN