8X Phú Yên biến thứ rác bỏ đi của người nông dân thành... tiền
Chàng trai 8X Phú Yên đã khéo léo biến thứ rác từng bị bà con nông dân vứt đi hoặc đốt bỏ thành... tiền. Ngoài thu nhập của bản thân, anh cũng giúp nhiều gia đình có thêm nguồn thu nhập.
Anh Nguyễn Văn Tuyến sinh năm 1984, tại Phú Yên tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư Kinh tế, trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM. Trước khi “khởi nghiệp”, anh đã có 8 năm cùng với nhóm bạn của mình gom những thứ bỏ đi như xác mía, vỏ tỏi, râu bắp đến cây đậu nhổ bỏ, lá xoài... và biến tất cả thành hàng xuất khẩu, xuất qua các thị trường nước ngoài khó tính nhất.
Sau khi tích lũy được những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ rác và thân thiện với môi trường, đến giữa năm 2019, anh quyết định nghỉ việc ở công ty chung để tìm hướng đi riêng.
Anh Nguyễn Văn Tuyến (giữa) cho biết con đường khởi nghiệp còn nhiều chông gai phía trước
Trong một chuyến đi công tác tại Quảng Ngãi và Hội An (Quảng Nam), anh nhận thấy ở những vùng quê nơi đây người dân trồng nhiều cau và lượng mo cau cũng “rất khủng” mà chủ yếu người dân chỉ dùng để đốt chứ cũng không tận dụng để làm gì.
Lúc đó anh đã ấp ủ làm sản phẩm thân thiện từ mo cau vì theo anh tìm hiểu trên thế giới những sản phẩm dạng này đã thịnh hành cả chục năm, tuy nhiên ở Việt Nam thì mới manh nha và còn nhiều tiềm năng.
"Những lần đi thực tế tôi thấy Quảng Ngãi trồng cau rất nhiều. Mo cau bị bỏ không mà nhiều nước trên thế giới lại đang sử dụng, nên tôi nghĩ Việt Nam cũng sẽ làm được. Chén đĩa từ mo cau là một sản phẩm rất hữu ích, góp phần giảm rác thải nhựa", anh Tuyến cho biết.
Chàng trai trẻ tính toán, 1 ha cau có thể cho thu hoạch hơn 12.000 mo mỗi năm. Với giá thu mua mỗi mo cau chỉ 1.000đ thì mỗi mùa vụ người nông dân cũng có thu nhập thêm cả chục triệu đồng bên cạnh thu nhập từ bán quả.
Sau một thời gian chuẩn bị, đến tháng 10/2019, anh chính thức bắt tay vào thực hiện dự án sản xuất chén, dĩa, muỗng, tô, ly... bằng mo cau với nhà máy sản xuất đặt ngay tại Quảng Ngãi để có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có.
Trong thời gian đầu thay vì đầu tư nhà xưởng luôn với chi phí vốn lớn, anh đã tìm thuê xưởng rồi cải tạo lại theo mô hình sản xuất của mình để tiết giảm chi phí. Máy móc bên cạnh hàng nhập khẩu từ nước ngoài thì anh cũng tự thuê gia công lại theo mong muốn của mình để tiết kiệm chi phí.
Anh Tuyến chia sẻ, sau nguyên liệu khô được thu mua từ bà con nông dân, những chiếc mo cau được ngâm nước cho mềm và giặt sạch. Tiếp đó, mo cau sẽ được đưa vào máy ép gia nhiệt, ép cắt trên khuôn để tạo thành các sản phẩm với nhiều hình dạng khác nhau, từ chén tròn, vuông, đĩa tròn, vuông, cho đến muỗng, thìa,… Hình dạng này có thể thay đổi tùy theo yêu cầu của đơn đặt hàng.
Cuối cùng tới công đoạn xử lý tia UV để sản phẩm được khử trừng, đóng gói bằng màng co kèm theo túi hút ẩm rồi đóng thùng carton để giao cho khách hàng.
Anh cho biết chén, dĩa, muỗng… làm ra khá ổn và hiện nay có hơn chục mẫu, trong đó có 5-6 mẫu phổ thông. Sản phẩm có thể dùng nhiều lần nếu giữ gìn làm sạch và khô chứ không chỉ một lần. Hiện mỗi tháng công ty của anh xuất bán ra thị trường khoảng 50.000- 60.000 sản phẩm với giá bán từ 1.000 đến 3.000 đồng.
Bên cạnh những sản phẩm là chén, dĩa, muỗng,... anh còn sản xuất cả giày nam và nữ từ mo cau
Nếu khách hàng đặt số lượng trên 1.000 cái thì giá khá tốt, như chén còn 1.700 đồng cái, muỗng 400 đồng/cái, dĩa cũng ngang giá chén, sản phẩm có cả hình vuông, chữ nhật, tròn, tùy chọn.
Không chỉ làm các sản phẩm tiện dụng một lần, anh Tuyến còn nghiên cứu các sản phẩm dùng lâu dài khác. Theo đó, anh đã cho ra đời thêm những sản phẩm mới là giày bằng mo cau, thiết kế cả cho nam và nữ.
Các sản phẩm từ mo cau của anh hiện được cung ứng cho thị trường các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… Anh cũng cho biết hiện nay đang chào hàng hệ thống siêu thị và xa hơn là nhắm đến thị trường xuất khẩu.
Chàng trai trẻ quê Phú Yên nhận định khi đưa hàng vào siêu thị và xuất khẩu có những khắt khe về chất lượng sản phẩm nên phải điều chỉnh và đảm bảo theo yêu cầu của đối tác.
Anh Tuyến cho biết những sản phẩm từ mo cau không hóa chất, mẫu mã đẹp, mùi thơm dịu nhẹ, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và mở ra cơ hội phát triển quy mô lớn hơn cho các cơ sở sản xuất.
Anh cũng khẳng định rất mong dự án này sẽ góp phần chung tay giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần: “Dự án mới ở giai đoạn đầu, trước mắt còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên mình sẽ đeo đuổi đến cùng”.
Đã từng làm phóng viên của một tờ báo, suốt 4 năm rong ruổi viết phóng sự, thế nhưng, Nguyễn Huy Ba lại bỏ phố về...
Nguồn: [Link nguồn]