8X Nghệ An trở thành tỷ phú nhờ đặc sản Tây Nguyên

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau những khó khăn thách thức phải đối mặt, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Vạn đã trở thành một trong những gương mặt trẻ được nhiều người biết đến nhờ phát huy được những giá trị của đặc sản vùng Tây Nguyên.

Anh Nguyễn Đình Vạn (sinh năm 1989) quê gốc ở Nghệ An nhưng ngay từ nhỏ đã theo chân bố mẹ chuyển vào Đắk Lắk lập nghiệp. Dù được đặt nhiều kỳ vọng nhưng sau 4 năm tốt nghiệp cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng (Đại học Kiến trúc Đà Nẵng), năm 2015 chàng trai trẻ đã có quyết định đầy bất ngờ là bỏ phố thị ồn ào để trở lại Đắk Lắk lập nghiệp bằng việc mở quán cà phê và làm rẫy cùng bố mẹ. Quyết định này của Vạn khiến anh phải nhận không ít lời đàm tiếu xa gần của mọi người trong vùng.  

Sau nhiều nỗ lực, anh Nguyễn Đình Vạn đã tự phát triển cho mình một thương hiệu cà phê sạch riêng của bản thân

Sau nhiều nỗ lực, anh Nguyễn Đình Vạn đã tự phát triển cho mình một thương hiệu cà phê sạch riêng của bản thân

Chia sẻ về quyết định bỏ phố thị ồn ào để về quê khởi nghiệp, chàng trai sinh năm 1989 cho biết: “Mọi người nói tôi bằng đại học treo chuồng gà. Với tôi việc ra trường không đi làm không có nghĩa bạn trở thành người thừa của xã hội. Bạn cần học và làm điều bạn thấy ý nghĩa”.

Từ nguồn vốn của gia đình cộng với vay mượn, Vạn đầu tư gần 300 triệu đồng mở quán cà phê nhỏ tại thôn Kty 5. Hai năm đầu, chàng trai trẻ nhập cà phê bột từ thành phố Buôn Ma Thuột để kinh doanh, nhưng giá thành khá cao, giá cà phê thô liên tục biến động còn giá cà phê thương phẩm vẫn ổn định. Cùng với đó tình trạng cà phê bẩn tràn lan trên thị trường nên lợi nhuận chẳng đáng là bao.

Chứng kiến cảnh những người nông dân chăm bẵm cà phê mất rất nhiều công sức nhưng lợi nhuận thu về chẳng bao nhiêu. Chàng trải trẻ nghĩ đến việc làm ra thương hiệu cà phê riêng để giúp những người nông dân như bố mẹ mình nâng cao giá trị sản phẩm.

Để thực hiện mục tiêu của mình, anh vừa tranh thủ bán hàng vừa dành thời gian lên TP. Buôn Ma Thuột học hỏi quy trình sản xuất cà phê bột. Anh cũng chịu khó tìm tòi trên mạng Internet cũng như tham khảo các tài liệu, học tập kinh nghiệm từ bạn bè. Cuối năm 2017 “đứa con tinh thần” là thương hiệu cà phê nguyên chất riêng của Vạn xuất hiện trên thị trường.

Chàng trai trẻ chia sẻ, mục đích lúc bấy giờ là chỉ mong tìm cách để tăng giá trị thành phẩm cho gia đình, để thay đổi những nhận thức sai lầm trong chăm sóc cây trồng nông nghiệp. Bán ra những sản phẩm mà mình chắc chắn không gây hại cho sức khỏe người khác.

Dù đã có thời gian dài gắn bó với cây cà phê, nhưng anh Vạn thừa nhận để làm ra những sản phẩm sạch, được thị trường đón nhận là điều không hề dễ dàng bởi thời điểm này trên thị trường đã có rất nhiều sản phẩm khác nhau chế biến từ  hạt cà phê. Anh cho biết: “Để tạo ra cà phê sạch phải cẩn trọng từng khâu. Cà phê phải chín hoàn toàn, sau khi thu hái về được đổ vào bể nước để chọn những trái chất lượng. Sau đó ủ hạt tách vỏ, phơi sấy và phân loại trước khi rang xay”.

Kể về hành trình xây dựng thương hiệu cà phê sạch, anh Vạn cho biết đó cũng là một hành trình dài với nhiều khó khăn, thách thức. Anh chia sẻ sau nhiều lần thất bại và rút kinh nghiệm, cuối cùng anh cũng cho ra được mẻ cà phê bột nguyên chất ưng ý. Thời gian đầu các sản phẩm làm ra chủ yếu để mang tặng bạn bè, người thân thử nghiệm.

Dần dần, anh bán cho khách ở quán, khách quen và những người dân trong vùng. Cùng với đó, chàng trai trẻ cũng dành nhiều thời gian để tư vấn, hướng dẫn khách hàng cách phân biệt cà phê nguyên chất và cà phê pha trộn.... Lâu dần, anh được mọi người tin tưởng, ủng hộ đến đặt hàng cũng như giới thiệu cho bạn bè, người thân tìm đến mua sản phẩm làm quà biếu.

Sau những khó khăn, vất vả phải đối mặt, sản phẩm cà phê sạch của chàng trai trẻ dần được thị trường đón nhận: “Có lẽ trong sự nghèo khó người ta thường nảy ra được nhiều điều tích cực hơn”, chàng trai trẻ gốc Nghệ An chia sẻ.

Chàng trai trẻ là một trong những gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu của huyện Krông Búk

Chàng trai trẻ là một trong những gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu của huyện Krông Búk

Từng phải nghe những lời đàm tếu của người dân xung quanh về quyết định về quê khởi nghiệp của mình, đến nay anh đã làm ra một quy trình sản xuất cà phê sạch đưa thương hiệu cà phê ở một xã vùng sâu ra thị trường. Anh cho biết sau khi trừ đi tất cả các chi phí anh đang có thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình phát triển thương hiệu của anh Vạn cũng đang giúp nhiều gia đình nông dân liên kết có thêm thu nhập. Anh cho biết hiện nay, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 3-5 tấn cà phê sạch với giá bán từ 150.000đ đến 200.000đ/kg.

Đánh giá về mô hình khởi nghiệp của chàng trai trẻ Nguyễn Đình Vạn, anh Vũ Minh Cường, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Krông Búk cho biết: “Vạn là thành viên của câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp huyện Krông Búk. Vạn năng nổ nhiệt huyết, có trách nhiệm, có tâm trong sản xuất cà phê sạch, xây dựng được thương hiệu có uy tín, và được nhiều người tin dùng. Hiện quán cà phê của Vạn được chọn là nơi trưng bày hơn 100 đầu sách của câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp huyện”.

Sau những thành công bước đầu đạt được, chàng trai trẻ chia sẻ vẫn đang nỗ lực nâng cao chất lượng các sản phẩm mình làm ra và mở rộng thị trường tiêu thụ để giúp những gia đình nông dân liên kết có thêm thu nhập, giúp những người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm cà phê sạch chất lượng đảm bảo với giá thành rẻ hơn.

Chàng trai sinh năm 1989 cho rằng để đạt được điều mình muốn điều đầu tiên là phải trải qua những thất bại. Thất bại đến với chúng ta trong mọi hoàn cảnh, có khác là cách vượt qua của mỗi người. Thất bại thật sự là khi chúng ta dừng lại.

Nguồn: [Link nguồn]

Không xây dựng sân bay ở Hòa Lạc: Thêm bài học đắt giá về đầu cơ theo tin đồn?

“Sẽ không xây dựng sân bay ở khu vực Hòa Lạc như Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề xuất trước đó”… là thông...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN