Thương tâm bé 3 tuổi tử vong do tự điều trị bỏng
Bị bỏng nước sôi, không đi khám mà đắp thuốc thầy lang, sau 2 tháng vết thương không lành, bé được chuyển cấp cứu tới Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng nhiễm trùng, suy kiệt và đã tử vong.
Đó là trường hợp của bé Hoàng Quang Vũ, người dân tộc Nùng ở Cao Lộc, Lạng Sơn. Theo lời kể của gia đình, bé bị bỏng nước sôi từ cách đây 2 tháng, nhưng do ngại đến bệnh viện, gia đình đã đưa con tới thầy lang gần nhà lấy thuốc đắp. Thế nhưng vết thương mãi không khỏi, bé từ 13 kg sụt còn 5 kg, người suy kiệt, ốm yếu, gia đình mới đưa đi khám và được chuyển cấp cứu xuống Viện Bỏng Quốc gia.
BS Ngọc Minh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) cho biết, bé Vũ nhập viện ngày 4/6 trong tình trạng suy kiệt, cơ thể rất yếu, diện tích bỏng khoảng 15% ở lưng. Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng đến ngày hôm sau thì bé rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong.
Bé Vũ tại Viện Bỏng Quốc Gia
Trước đó, một phụ nữ 22 tuổi, ở Hà Nội bị bỏng cả một bên chân, thế nhưng lại ở nhà, không điều trị gì, sau 2-3 ngày chân sưng phồng, gia đình mới gọi điện cấp cứu.
Theo BS Minh, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc mà ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, nhiều người cũng vẫn chủ quan, khi bị bỏng không đến chuyên khoa bỏng mà đi chữa thầy lang, đến khi tai biến quá nặng mới nhập viện thì không còn khả năng cứu chữa.
Thực tế, các thầy lang thường chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian, theo kinh nghiệm, không biết vết bỏng sâu đến mức độ nào. Họ dùng một bài thuốc cho tất cả các loại bỏng, nên việc điều trị chỉ có tính may rủi. Trong khi đó, tùy theo mức độ tổn thương của vết bỏng, độ 1, 2 hay 3 mà bệnh viện chuyên ngành sẽ có cách điều trị phù hợp. Trong trường hợp bỏng sâu thì phải cắt bỏ phần hoại tử.
Viện Bỏng Quốc gia đã cứu chữa thành công nhiều trường hợp bỏng sâu, diện tích bỏng rộng. Hiện tại khoa Hồi sức cấp cứu đang điều trị cho một bệnh nhân nam 31 tuổi, bỏng 90% diện tích cơ thể, trong đó có đến 60% diện tích bỏng sâu. Bên cạnh đó có một trẻ bỏng đến 90% diện tích cơ thể đã điều trị khỏi và đang tập phục hồi chức năng. Vì vậy, theo BS Minh khi trẻ bị bỏng cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế có chuyên khoa bỏng điều trị thay vì nhờ các thầy lang. |