Bình & Yoga
28 tuổi, tập yoga được hơn 3 năm, Bình đã 'lang thang' cùng yoga đến hơn 40 quốc gia khắp 6 châu lúc trên thế giới.
Gây dựng Việt Yogi khi các lớp yoga “mọc” lên khắp nơi, Nguyễn Đức Bình vẫn tạo được cho mình sự khác biệt khi theo đuổi yoga hiện đại, sử dụng những ca khúc nhạc trẻ sôi động làm nhạc nền để tập luyện. Dù mới lạ, nhưng Bình vẫn đảm bảo những triết lý quan trọng của yoga.
“Chẳng hạn chủ đề hôm nay sẽ là “mở tim”, gồm những động tác mở ngực, mở lưng, làm người ta cảm thấy thoải mái, và chấp nhận những thứ đến với cuộc đời mình,” Bình cho biết.
Theo Bình, yoga không giống như gym, tập không chỉ là cho đẹp, cho khỏe, mà để hoàn thiện con người mình. Trước khi bắt đầu mối quan hệ với mọi người xung quanh, mối quan hệ với chính bản thân mình là quan trọng nhất. “Những suy nghĩ viển vông, tiêu cực về chính mình hàng ngày sẽ lan sang các mối quan hệ xung quanh. Tập yoga sẽ giúp mình nhận ra năng lượng tiêu cực trong mình và thay đổi nó”, 9X chia sẻ.
Có tiếng trong cộng đồng yoga trẻ ở Việt Nam, thu nhập ổn định, cộng đồng học viên lớn mạnh, vẫn thu xếp được thời gian để đi du lịch, gặp bạn bè, cuộc sống của Bình có thể nói là lý tưởng. Nhưng đằng sau thành công của Bình là cả một quá trình nỗ lực không phải ai cũng biết.
Bình từng là một du học sinh năng động. Giành học bổng toàn phần cho chương trình cử nhân tại ĐH New Hampshire và thạc sĩ Tài chính tại ĐH Suffolk, Boston, Mỹ, Bình đã có thời gian thực tập tại một quỹ đầu tư mạo hiểm và hỗ trợ một số start-up tại Hoa Kỳ. Chàng trai trẻ cũng tham gia nhiều giải bóng đá với đội bóng sinh viên và nhóm nhạc acapella tại trường.
Sau khi tốt nghiệp, Bình ‘đầu quân’ cho Tập đoàn PwC tại Mỹ - một trong 4 Tập đoàn kiểm toán hàng đầu thế giới với mức lương hơn 5.000 USD/tháng.
Bình (hàng phía sau, thứ hai từ phải sang) luôn là sinh viên năng động.
Nhưng Bình ‘trót’ phải lòng bộ môn yoga hiện đại ngay từ lần gặp đầu tiên ở New York.
“Lần đầu tiên vào một lớp yoga hiện đại, mình phải đi mất 1 tiếng rưỡi tàu điện ngầm, rồi bị lạc vì tàu điện ngầm ở New York tìm đường khó kinh khủng. Hôm đấy trời còn mưa nữa, lúc đến được lớp người mình đã ướt sũng rồi. Nhưng thầy dạy mình rất chất, phong cách dạy rất vui. Ông là người da đen, dạy hip hop yoga, mà hip hop đúng là nhạc mình thích. Bài hát chủ đạo là nhạc trẻ, và mỗi lớp sẽ kết nối vào một triết lí của yoga. Thầy đã tạo cho mình những ấn tượng đầu tiên rất mạnh và thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình về yoga,” Bình nhớ lại.
Với 9X này, yoga trên nền nhạc trẻ giống như đi… hộp đêm cho tâm hồn (nguyên văn: “clubbing cho tâm hồn” – PV), cực kì “phê” mà không cần chất kích thích. “5 phút Shavasana sau khi tập (nhắm mắt và nằm hít thở sâu – PV) lại là lúc để mình lắng sâu, xem toàn bộ quá trình tập luyện như thế nào, xem những suy nghĩ nào xuất hiện trong đầu, có tiêu cực không.”
Bình cho rằng, sự bình yên trong tâm hồn và khía cạnh thiền định chính là cái giới trẻ đang cần trong lối sống hiện đại ngày nay: live fast, die young, and yolo (sống nhanh, chết trẻ, và “bạn chỉ sống một lần thôi”- PV).
Bình nhận ra đây là một cơ hội lớn để khởi sự tại Việt Nam và đem lại giá trị cho cộng đồng. Dù đã từng tính toán sẽ làm việc tại PwC 1- 2 năm để tích lũy tài chính nhưng niềm say mê quá lớn khiến Bình bỏ việc chỉ sau 2 tuần ngắn ngủi.
Từ công việc văn phòng trong một tập đoàn danh tiếng, Bình chuyển sang làm tại trung tâm yoga Lululemon ở New York với đủ thứ việc “thập cẩm” như bán quần áo tập yoga, tổ chức sự kiện về yoga, quét dọn cửa hàng và cả… dọn nhà vệ sinh. Với mức lương mới chỉ bằng khoảng 1/5 thu nhập tại PwC, Bình đã có những lúc sống qua ngày tại một căn phòng “vỏn vẹn 10 mét vuông, với chiếc giường của cậu bạn Ấn Độ và hai tấm thảm yoga trải xuống đất.”
Nhưng những nhọc nhằn về vật chất không áp lực bằng phản ứng của những người xung quanh, đặc biệt là gia đình.
“Hồi xưa bạn gái cũ cũng khá nể mình. Khi mình quen bạn ấy, mình cũng được nhận ở nhiều công ty có tiếng tăm, nên bạn ấy không thể hiểu sao mình lại chọn yoga. Có lẽ trong mắt mọi người, dạy yoga không phải là nghề danh giá,” Bình ngậm ngùi.
Bố mẹ của Bình cũng không thể hiểu nổi quyết định của anh. Họ đã kỳ vọng người con trai cả mà họ luôn tự hào sẽ làm việc vài năm ở New York và kiếm đủ tiền để nuôi em trai học thạc sĩ tại Mỹ. Với đồng lương chỉ đủ sống qua ngày, làm sao Bình lo được cho em trai mấy chục ngàn đô tiền học và ăn ở một năm?
Với Bình, nỗi sợ lớn nhất là thấy mẹ khóc vì mình không tròn nhiệm vụ làm con. Những tin nhắn “mẹ rất buồn" lặp đi lặp lại của mẹ, anh không bao giờ quên được. Để có thể vững lòng bước tiếp, trong suốt mấy tháng trời, Bình phải tạm thời không nói chuyện với bố mẹ và những người thân, bạn bè không ủng hộ mình.
Con đường yoga của Bình đã bắt đầu đơn độc như thế.
Sống và làm việc một thời gian tại New York, Bình chia sẻ rằng chính môi trường nơi đây đã tiếp sức cho anh vượt qua khó khăn để theo đuổi đam mê.
“Minh thấy những người New York, từ người Việt Nam cho đến những người nước ngoài đều coi tuổi trẻ là để theo đuổi đam mê. Khi muốn làm gì, họ sẽ làm tất cả để đạt mục tiêu. Không ai làm nửa vời kiểu năm nay không được, năm sau sẽ phấn đấu,” Bình nói.
Quyết tâm trải nghiệm các trung tâm yoga khác nhau tại Mỹ để học yoga và cách vận hành trung tâm yoga tương lai của riêng mình, ngoài giờ làm, ngày nào Bình cũng tập 2 - 3 lớp yoga tới khi cả người mỏi nhừ, đau đớn. Để được học miễn phí, Bình nhận làm đủ việc vặt trong các trung tâm yoga, từ lau dọn đến đưa học viên đi xem phòng tập. Dù rất vất vả nhưng khi bố ngỏ ý hỗ trợ về tài chính, anh vẫn từ chối vì vẫn tự lo được cho cuộc sống của mình.
Sau nửa năm tích lũy kinh nghiệm trong các trung tâm yoga tại Mỹ, tháng 06/2016, Bình dành gần hết số tiền mình kiếm được để tới Costa Rica học một khóa 200 giờ, lấy chứng chỉ dạy yoga. Bình cũng tìm học thêm nhiều người thầy uy tín như Ido Portal (bậc thầy về kỹ thuật vận động tại Israel) hay Dylan Werner (người Mỹ, đã đi dạy yoga tại 60 nước trên thế giới)… Tổng cộng, Bình đã có các chứng chỉ yoga từ Mỹ, Ấn Độ và Costa Rica với tổng thời lượng 1.000 giờ đào tạo.
Bình đã tiến bộ rất nhiều sau thời gian “khổ luyện” tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới.
Về Việt Nam từ cuối năm 2017, Bình cũng gặp không ít khó khăn khi mở lớp yoga. Có những ngày chỉ có một người bạn đến học để ủng hộ nên Bình hoãn lớp, rủ bạn… về ăn cơm.
Bình phải nhờ đến sự giúp đỡ của cậu em trai có tài quay phim để xây dựng blog, thu hút học viên. Anh cũng luôn nhìn về phía những bậc tiền bối để tiếp tục cố gắng.
Ngoài việc mở lớp, Bình bắt đầu xây dựng kênh Youtube của Việt Yogi để nhiều bạn trẻ biết tới những tư thế yoga cơ bản. Tuy nhiên, Bình chưa bao giờ tự nhận mình là một ‘thầy’ dạy yoga. Bình chỉ mong thông qua cộng đồng Việt Yogi để lan tỏa yoga và năng lượng tích cực tới các bạn trẻ.
“Đối với mình, Việt Yogi là một cộng đồng chứ không phải là nơi mình chỉ lên lớp dạy và thu tiền, cuối giờ chào mọi người đi về. Nhiều người gặp nhau ở Việt Yogi xong thành bạn thân, hay hẹn hò rồi cả cưới nhau nữa,” Bình vui vẻ chia sẻ.
Chàng trai trẻ cũng tiết lộ, nhiều bạn trai đến lớp có những người rất nóng tính, “nhưng tập một thời gian thì biết kiềm chế bản thân, có cách ứng xử phù hợp hơn với mọi người xung quanh.”
Một chuyến đi xa của cộng đồng Việt Yogi.
Đến nay, cộng đồng Việt Yogi đã được nhiều người trẻ biết đến và tham gia. Bình đã có thể chia sẻ những gì mình biết về yoga tới nhiều người hơn và không còn phải “sống qua ngày” nữa.
Quan trọng không kém, Bình và em trai đã luôn sát cánh bên nhau như bố mẹ kỳ vọng. Trong khi em trai giúp Bình quay rất nhiều clip cho Việt Yogi thì sự động viên tinh thần và hỗ trợ cả về tài chính của Bình đã tạo điều kiện cho cậu em theo đuổi con đường sản xuất phim như mơ ước.
Sau tất cả, dù đi khắp bốn bể năm châu và theo đuổi ước mơ táo bạo đến nhường nào, gia đình vẫn là nơi mà những người trẻ như Bình luôn hướng về.
Nội dung: San Vũ
Thiết kế: Quang Niên
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cảnh sát đã được huy động đến căn phòng có tiếng chuông reo bởi một cuộc gọi từ ngoài Trái đất.