Đầu tư R&D - bí kíp thành công được Huawei áp dụng trong Nova 3i

Sự phát triển nhanh chóng đã biến Huawei trở thành một đối thủ nặng ký với Apple và Samsung trong cuộc chiến ngôi vương smartphone toàn cầu. Bí quyết nào đã giúp Huawei phát triển thần kỳ như vậy chỉ trong một vài năm?

Theo Forbes, thương hiệu Huawei được định giá lên đến 8,4 tỉ USD, tăng 15% so với năm trước. Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) được xem là nền tảng quyết định sự tăng trưởng thần kỳ của thương hiệu này trong vài năm trở lại đây.

Đầu tư mạnh vào R&D

Theo báo cáo thường niên vừa được Huawei công bố, trong năm 2017, đầu tư hàng năm của Huawei vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) là 89,7 tỉ CNY (tương đương 13,8 tỉ USD), tăng 17,4% so với năm 2016, đứng thứ 6 trong tốp 10 công ty đầu tư nhiều nhất vào R&D trên thế giới.

Với sự đầu tư cực lớn vào R&D, Huawei đã nhanh chóng vươn lên tầm ảnh hưởng toàn cầu. Hiện Huawei có đầy đủ những phòng lab để phục vụ các nghiên cứu và phát triển ứng dụng vào các sản phẩm cuối cùng của họ. Nếu có dịp ghé thăm các trung tâm R&D của Huawei, bạn sẽ được khám phá các phòng lab về âm thanh (tối ưu khả năng thu âm của micro trên điện thoại, âm thanh phát ra từ điện thoại...), sóng mạng (tối ưu khả năng bắt sóng của điện thoại trong mọi tư thế sử dụng của người dùng...)... cho đến các phòng kiểm định độ bền mỗi sản phẩm trước khi được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Đầu tư R&D - bí kíp thành công được Huawei áp dụng trong Nova 3i - 1

Mỗi sản phẩm của Huawei trước khi đến tay người tiêu dùng đều được kiểm định chất lượng chặt chẽ.

Huawei hiện có khoảng hơn 180.000 nhân viên trên toàn cầu, trong số đó 45% (khoảng 79.000 người) là nhân viên R&D. Hoạt động R&D được đầu tư mạnh mẽ nhất khi Huawei đã thành lập 15 trung tâm nghiên cứu và phát triển trên toàn thế giới, 36 trung tâm sáng tạo liên hợp. Nhờ đó, họ hiện đã có tổng cộng 74.307 bằng sáng chế cấp cho Huawei.

Việc thành lập nhiều trung tâm R&D trên toàn cầu giúp Huawei sử dụng tối đa nguồn nhân lực địa phương cũng như tận dụng những đặc điểm giữa mỗi vùng khác nhau và nhu cầu của các nhà khai thác để cung cấp các giải pháp mang tính địa phương hóa. Chẳng hạn, Huawei đã thành lập trung tâm thiết kế điện thoại di động tại Anh, xây dựng trung tâm R&D trong lĩnh vực sóng vi-ba tại Ý. Còn ở Ấn Độ, do nguồn nhân lực về phần mềm tại đây phong phú nên Huawei đã tích cực tận dụng và xây dựng trung tâm R&D lớn nhất của công ty tại nước ngoài…

R&D nền tảng thành công Huawei áp dụng cho Nova 3i

Vừa qua, sản phẩm mới nhất của Huawei đã chính thức ra mắt tại Trung Quốc với nhiều cải tiến được đánh giá là vượt trội so với người tiền nhiệm và các đối thủ cùng phân khúc. Thiết kế độc đáo với mặt kính phía sau phủ quang học, tông xanh trải dài sang ánh tím, đem lại cảm giác tươi mới và hiện đại. Thoạt nhìn, mẫu máy có ngoại hình sang trọng khá giống với P20 Pro. Điểm khác biệt chính là mặt lưng của mẫu máy bị lộ có gồm cảm biến vân tay. Ở P20 Pro, cảm biến này đặt ở cạnh đáy của mặt trước.

Đầu tư R&D - bí kíp thành công được Huawei áp dụng trong Nova 3i - 2

Hình ảnh Nova 3i đã được ra mắt tại Trung Quốc

Phiên bản này cũng sử dụng màn hình “tai thỏ” rộng 6,3 inch, tỷ lệ 19,5:9 cùng độ phân giải Full HD+. Theo thông tin từ buổi giới thiệu, máy dùng chip Kirin 710 cùng RAM 4GB. Cũng như "đàn anh", Nova 3i cũng có bốn camera, một đôi ở phía trước và một bộ đôi ở phía sau. Cụ thể, mặt trước là hai camera có 24 megapixel và 2 megapixel. Bộ đôi phía sau là camera 16 megapixel và 2 megapixel. Nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo AI, cặp camera này có thể tự nhận biết 22 khung cảnh khác nhau, từ đó đề xuất chế độ chụp ảnh phù hợp cho người dùng. Đại diện hãng công nghệ cho biết, máy có thể quay video slow-motion ở tốc độ 480 khung hình trên giây.

Theo dự kiến, buổi ra mắt chính thức sản phẩm sẽ diễn ra vào ngày 25/7 tại TP.HCM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN