Phiếm đàm: Ai bảo Hà Nội không thanh lịch?
Nhiều người Hà Nội từ xưa hay vừa nhập hộ khẩu tạm trú đều nói người nhập cư làm xấu bộ mặt Hà Nội?!!
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” là câu thơ bất hủ mà bất cứ một ai cũng biết và hiểu nó như một lời tuyên ngôn về sự thanh lịch độc quyền của người Tràng An xưa và Hà Nội nay.
Ấy thế mà gần đây, thỉnh thoảng dân mạng lại rộ lên những đợt tranh luận kịch liệt về việc liệu Hà Nội bây giờ có còn thanh lịch thật không? Thậm chí có người mang tư tưởng cục bộ địa phương nêu câu hỏi mang tính phân biệt vùng miền rất nguy hiểm, rằng giữa Hà Nội và Sài Gòn, ở đâu thanh lịch hơn?
Như một phương pháp nghiên cứu khoa học, muốn biết Hà Nội có thanh lịch hay không thì trước hết ta cần phải hiểu thanh lịch là như thế nào?
Bỏ qua việc cắt nghĩa từ Hán Việt theo kiểu nho sỹ Bắc Hà, ta có thể hiểu nôm na rằng về cơ bản người thanh lịch là người biết yêu cái đẹp, hào hoa, ăn nói nhẹ nhàng, lịch sự, không xô bồ. Xét theo tiêu chuẩn đó thì Hà nội có thừa.
Đầu tiên phải kể đến là người Hà Nội đẹp và rất yêu cái đẹp. Người thường chân lấm tay bùn nên đương nhiên là không thể đẹp bằng người phố lên xe xuống ngựa. Hà Nội đẹp một cách hào hoa chứ không phải là cái đẹp của sự khoe khoang lố bịch bề ngoài. Bởi thế mà ở Hà Nội, một ông xe ôm cũng cần phải mặc vest. Người Sài Gòn thấy thế có thể coi là lạ lẫm, nhưng đó chính là sự thanh lịch đấy, nếu không phải người Hà Nội thì ta khó mà hiểu nổi.
Đẹp và yêu cái đẹp là một đặc trưng cơ bản và là thế mạnh của Hà Nội. Hãy nhìn người Hà Nội cuồng nhiệt với lễ hội hoa để thấy họ yêu cái đẹp cỡ nào. Nếu như người Sài Gòn chỉ đến đường hoa Nguyễn Huệ ngắm qua loa rồi lạnh nhạt ra về, thì người Hà Nội sẽ không dừng ở đó, họ sẽ tìm mọi cách bê chậu hoa về nhà mình để thưởng thức tiếp.
Ai cũng hiểu hoa anh đào mang từ Nhật Bản về công phu như thế nào để người Hà Nội chiêm ngưỡng, nhưng chỉ một loáng là được các nam thanh nữ tú vặt trụi lủi, bởi nó quá đẹp không thể cưỡng lại. Rất nhiều lần phố hoa Hà Nội vừa khai trương đã bị bầm dập, tan nát. Một số người Hà Nội bày tỏ tình yêu hoa mãnh liệt bằng cách chen lấn, giẫm đạp lên hoa, và khi vẫn chưa thỏa khát khao thì tiếp tục ngắt hoa mang về... Một cách thể hiện tình yêu rất riêng, mang đậm chất thanh lịch của người Hà Nội.
Người Hà Nội nói năng rất nhỏ nhẹ, ngọt ngào. Nhiều người đến Hà Nội thấy tấm biển ghi “Không biết đường đừng hỏi”, hoặc “Hỏi đường 2 phút 10 nghìn”... thì ra vẻ thắc mắc lắm, nhưng thực ra đó chính là những minh chứng hùng hồn cho cái sự thanh lịch. Bởi lẽ, người Hà Nội thích nhỏ nhẹ, họ không thể nói to như người nơi khác, vì thế họ không thể đứng trên vỉa hè ồn ào mà chỉ đường được. Vậy nên người Hà Nội ghi sẵn tấm biển để đừng có hỏi nhiều mà mất đi vẻ thanh lịch. Bạn từ nơi khác đến hỏi đường, nếu thấy người ta im im quay đi, hoặc miễn cưỡng đưa tay chỉ bâng quơ vài cái và không nói không rằng, thì đó đích thị là người Hà Nội thanh lịch đấy.
Người Hà Nội thanh lịch thì không suồng sã, xô bồ. Bởi vậy, khi vào quán ăn, bạn đừng bao giờ hy vọng người Hà Nội nào cũng cười tươi mời gọi một cách niềm nở. Khách vào quán Hà Nội phải lịch sự từ tốn, có gì dùng nấy, đừng đòi hỏi nhiều và phải chấp nhận tác phong từ tốn của người phục vụ, nếu sốt ruột muốn nhanh thì bạn tự đi mà bưng bê lấy mà ăn. Nếu khách cứ đòi hỏi lằng nhằng thì có chủ quán còn quát cho rằng không ăn thì biến. Đó là cách mà nhiều chủ quán Hà Nội áp dụng để tập cho khách thói quen ngồi im một cách thanh lịch.
Sự thanh lịch của người Hà Nội còn thể hiện ở sự khiêm nhường, ân cần và tế nhị. Người Hà Nội rất ý thức giữ gìn bản sắc và thấy rất buồn vì người nhập cư sống xô bồ, ít nhiều làm giảm đi sự thanh lịch. Dù là người có gốc Hà Nội từ thủa loài người còn đóng khố, hay là người vừa nhập hộ khẩu... tạm trú hôm qua, họ đều luôn nêu cao ý thức rằng mình là người Hà Nội gốc và nhiều người trong số đó cực lực lên án những người nhập cư làm xấu bộ mặt thanh lịch của Hà Nội.
Vậy đấy, Hà Nội lúc nào cũng tôn thờ và đặt sự thanh lịch lên hàng đầu. Nhiều “người Hà Nội” vẫn vừa thể hiện sự “thanh lịch” nêu trên vừa ngâm nga câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài...”, và tất nhiên họ còn “thanh lịch” với bạn hơn nữa nếu bạn nói họ chỉ xứng đáng là cái... bình để cắm hoa nhài mà thôi!