Chuyện chưa kể về cuộc truy lùng tử tù Nguyễn Văn Tình
Tình “gắn” với Sơn La là bởi trước khi bị bắt, hắn có thời gian hơn 1 năm lưu trú trong khu vực xã Tà Dê cùng với đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm là Nguyễn Thanh Tuân.
Việc nhanh chóng bắt được 2 tử tù trốn trại Lê Văn Thọ - tức Thọ “sứt” và Nguyễn Văn Tình đã thể hiện quyết tâm cao độ và sự phối hợp bài bản giữa lực lượng công an các địa phương và các lực lượng chức năng của Bộ Công an trong nỗ lực lấy lại niềm tin và bình yên cho nhân dân. Trong đó phải kể đến sự đóng góp cực kỳ hiệu quả của tập thể cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Sơn La, đơn vị đã trực tiếp bắt sống tử tù Nguyễn Văn Tình trên một lán nương thuộc địa bàn xã Tân Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
10h sáng 11-9, Đại tá Phùng Tiến Triển, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La nhận được tin báo 2 tử tù đã trốn khỏi buồng giam tù tử hình. Đại tá Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh lập tức cho triệu tập cuộc họp gấp. Tuy nhiên, do yêu cầu phải có mặt Trưởng Công an 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ nên cuộc họp được dời xuống 1h30 phút chiều.
Thượng tá Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Sơn La, là thành viên của Ban chỉ đạo Phương án 279, trực tiếp tham mưu tác chiến cho chuyên án giải quyết địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy tại xã Lóng Luông và vùng phụ cận được giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung cuộc họp.
Mặc dù chưa nhận được chỉ đạo hay yêu cầu phối hợp nào song Giám đốc Công an tỉnh Sơn La vẫn quyết tâm cho họp triển khai ngay là bởi đâu thì lạ chứ Sơn La chẳng lạ gì cả Tình lẫn Thọ “sứt”. Bản thân Thọ “sứt” mang trên mình 5 bản án có hiệu lực, với 8 hành vi phạm tội. Một trong số đó là hành vi gây án tại địa bàn Lóng Luông của Sơn La.
Công an tỉnh Sơn La họp triển khai kế hoạch chốt chặn, vây bắt.
Theo bản án cũng như kết luận điều tra của cơ quan điều tra Công an tỉnh, xuất phát từ việc mua bán thanh toán nợ nần nhau gì hơn 80 triệu không sòng phẳng, Thọ đem theo 3 đàn em đi ô tô thẳng vào bản Lũng Xá, tìm đối tượng để thanh toán. Nhưng đối tượng chính không có nhà nên Thọ cho đàn em mang súng vào nhà và bắt đi cháu gái Sồng Thị Giang 6 tuổi. Sau đó Thọ di chuyển liên tục về Hòa Bình, Hà Nội, Hải Dương.
Sau 3 ngày lẩn trốn, Thọ “sứt” bị bắt khi đang đi taxi ở địa bàn Hà Nội cùng 2 đối tượng khác. Thọ được di lý về Sơn La và lực lượng chức năng thực hiện giải cứu thành công bé Sồng Thị Giang. TAND tỉnh Sơn La đã khởi tố Thọ “sứt” 4 tội danh. Qua 2 cấp xét xử, với 4 hành vi phạm tội, Thọ bị tổng cộng mức hình phạt là 25 năm tù giam. Cái tên Thọ “sứt” gắn với Sơn La chính là bắt đầu từ vụ án này.
Sau đấy khi đang thụ án tại trại giam, qua thông tin nghiệp vụ, Cơ quan công an biết được Thọ điều khiển đàn em lên Sơn La truy sát nhà một điều tra viên của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Sơn La và một kiểm sát viên của VKSND tỉnh. Đây là 2 cán bộ tiến hành tố tụng một vụ án khác mà nguồn gốc của vụ án này là Công an tỉnh Sơn La bắt 2 đối tượng ở Điện Biên với 19 bánh heroin, thu giữ 1 khẩu súng K54 và 9 viên đạn.
Đó là tháng 2-2012. Đến tháng 8-2012 thì thi hành lệnh bắt khám xét, Công an Sơn La phối hợp với Công an Hà Nam bắt được 2 đối tượng tại Hà Nam và khám xét nhà của 2 đối tượng này thì thu được 3 khẩu AK, một khẩu súng Colt, một khẩu K54 và 215 viên đạn cộng với một số lượng ma túy khác.
Về phía Cục Cảnh sát hình sự, sau khi có thông tin, Cục quyết định phá án ở ngã ba Xuân Mai, tổ chức bắt gọn 8 đối tượng do Thọ “sứt” điều lên. Mục tiêu của chúng là mang súng AK, mìn tự tạo lên để sát hại 2 đồng chí nói trên. Sau đấy thì Thọ “sứt” bị bắt khi đang thi hành án trong trại và nhận án tử hình.
Bởi vậy, khi nghe tin Thọ “sứt” trốn khỏi trại tạm giam T16 thì không chỉ riêng Công an tỉnh Sơn La thực hiện giải pháp bảo vệ điều tra viên và kiểm sát viên nói trên mà Bộ Công an cũng chỉ đạo các đơn vị địa phương có thành phần tham gia tố tụng phải có giải pháp bảo vệ cho cán bộ. Với Lê Văn Thọ thì Sơn La hiểu và biết rõ vì thế.
Còn Nguyễn Văn Tình thì mang trên mình 2 bản án, trong đó Tình là 1 trong 8 đối tượng của chuyên án do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an triệt phá hồi tháng 5-2016 với 490 bánh heroin giấu và vận chuyển trong bình gas. Theo kết luận điều tra thì Tình có hành vi mua bán 80 bánh. Tình bị tuyên án tử hình.
Tình còn “gắn” với Sơn La là bởi vì trước khi bị bắt, Tình có thời gian hơn 1 năm lưu trú trong khu vực xã Tà Dê cùng với đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm là Nguyễn Thanh Tuân. Tuân là kẻ có 4 vợ và mang trên mình 5 lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc. Và nguồn của số ma túy 490 bánh cũng từ Tuân mà ra. Bởi vậy tuy Tình và Thọ “sứt” không cùng một vụ nhưng cả hai đều có liên quan đến địa bàn Lóng Luông.
Có thể nói cả 2 đối tượng này đều là đặc biệt nguy hiểm bởi tính gây án của chúng. Như vụ Thọ “sứt” vào bản Lũng Xá bắt cháu Giang, khi chạy ra khỏi bản, dân bản biết mất người mới ra đón chặn ở góc đường sân bóng tại bản Lóng Luông thì 3 đối tượng trên xe nổ súng cảnh cáo. Riêng Thọ thì rút súng nhằm thẳng đồng chí Công an viên bóp cò 2 phát. Đồng chí công an viên tuy được cấp cứu kịp thời nhưng đến nay, sau giám định, thương tích là 79%.
Đại tá Phùng Tiến Triển (người mặc quân phục) trực tiếp đón và hỏi thăm anh em khi vừa đưa được tử tù Nguyễn Văn Tình (đầu trọc, giữa) xuống núi.
Còn đối với Tình, cảm giác của một số anh em là nhìn cũng không đến nỗi bặm trợn, nhưng ở một địa bàn mua bán ma túy khối lượng lớn như thế, và đặc biệt quan hệ với những đối tượng diện truy nã co cụm ở trong địa bàn Lũng Xá - Tà Dê thì có thể nói là Tình rất quen với súng đạn. Tính nguy hiểm của Tình rõ ràng là cũng không vừa.
Bởi vậy ngay trong cuộc họp chiều ngày 11, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã xác định một số việc cần phải thực hiện ngay với 5 nội dung lớn. 1 trong 5 nội dung ấy là giao cho đồng chí Phùng Tiến Triển, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT chủ trì chỉ đạo, huy động, điều động các lực lượng Công an tỉnh Sơn La bằng mọi cách kiểm soát bằng được tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Sơn La, không để đối tượng vào và trường hợp đối tượng vào thì phải bắt được ngay. Lúc ấy Sơn La đang tính phương án đón bắt cả 2 đối tượng chứ không phải chỉ 1. Đấy là mệnh lệnh đầu tiên.
Sáng 12-9, Đại tá Phùng Tiến Triển về Hà Nội họp khẩn theo lệnh triệu tập của lãnh đạo Bộ Công an.
Đây là cuộc họp vô cùng quan trọng bởi đã đưa ra nhận định tình hình về Thọ và Tình sau khi trốn trại sẽ hành xử thế nào? Chúng có đi cùng nhau hay không? Nếu đi cùng nhau thì đi hướng nào? Nếu không đi cùng nhau thì sẽ thế nào? Chỉ đơn giản câu hỏi như liệu chúng có lên Sơn La, Tây Bắc hay không? Nếu lên thì lên tuyến nào? Địa bàn mênh mông thế này thì biết chúng đi đường nào đã là không dễ giải đáp.
Cả 2 tử tù này đều từng thực hiện hành vi phạm tội trên đất Sơn La, do vậy có thể cả 2 hoặc chỉ 1, sẽ quay trở về Sơn La. Nhận định rằng, mặc dù cả 2 đối tượng nói trên cùng hợp tác với nhau để trốn trại, nhưng ra ngoài có lẽ chúng sẽ chỉ đi với nhau một thời gian ngắn và sau đó sẽ tách nhau ra sau này đã cho thấy rất chuẩn xác, và cũng rất quan trọng bởi dựa vào đó, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ được phân công có định hướng hơn và địa phương cũng giăng lưới tập trung hơn.
Có một điểm mấu chốt nữa được xác định, đó là 2 tử tù này là 2 “hệ phái” khác nhau. Thọ “sứt” là tội phạm hình sự. Tất nhiên có liên quan đến ma túy. Nhưng Tình thì không phải là tội phạm hình sự chuyên nghiệp. Tình chỉ buôn bán ma túy.
Thọ “sứt” là giới giang hồ hình sự. Và thứ nữa là quê Thọ ở vùng Hà Nam, Hải Dương, các tỉnh gần nhau. Như vậy, một khi trốn trại bơ vơ không tiền, không quần áo thì khả năng lớn nhất là Thọ sẽ khai thác triệt để địa bàn này. Một điều nữa là anh em cũng nhận định 2 tử tù mà cùng chạy sẽ cách rách, dễ bị lộ. Lãnh địa lại khác nhau. Một là tội phạm hình sự, một là tội phạm chuyên về ma túy. Chắc chắn chúng không đi với nhau.
Ngoài ra, Thọ “sứt”, nếu nói về ngôi thứ trong giới giang hồ, thì còn là “đại ca” của Tình. Không bao giờ một “bề trên” như Thọ “sứt” lại phải chạy chui lủi nương tựa vào một thằng chỉ đáng đàn em như Tình. Thọ “sứt” lại chưa biết Tuân. Do vậy nếu có lên đi theo Tình thì dứt khoát chúng phải liên lạc với Tuân trước. Nghĩa là Tình phải giới thiệu sơ bộ về Thọ “sứt” để xin nương nhờ. Đó là điều mà xét về tâm lý, Thọ “sứt” khó mà chấp nhận.
Lán nương nơi tử tù Nguyễn Văn Tình ẩn náu.
Trong khi đó, đối tượng Nguyễn Thanh Tuân luôn ở trong thế bị Công an Sơn La và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ rình rập nhiều lần rồi. Và kể cả các mối thâm thù xã hội nữa. Thế nên bây giờ Tình quay trở lại Lũng Xá - Tà Dê mang theo Thọ “sứt” hay không thì chắc chắn phải được Tuân đồng ý. Tuân đâu phải loại vừa. Không thể tự dưng rước Thọ “sứt” lên đấy mà không biết rõ. Vớ vẩn ăn đạn ngay... Sự việc diễn ra về sau càng chứng minh những nhận định đó là hoàn toàn chính xác.
Từ những phán đoán như vậy đi đến kết luận đối với Thọ “sứt” chỉ có 5 đến 10% sẽ đi theo Tình lên Tây Bắc, lên Sơn La. Còn khả năng đó đối với Nguyễn Văn Tình sẽ là 95 đến 98%.
Và một trường hợp nữa anh em dự tính, là nếu chấp nhận, thì về lý chúng sẽ không bao giờ một phát phóng thẳng lên Tà Dê. Đi thẳng một lèo thì rất nhanh, nhưng chúng sẽ phải tìm đường nào đó để tránh. Có bước đệm từng đoạn một. Nghe ngóng xem truy đuổi thế nào. Đó sẽ là thời gian có lợi cho ta.
Phân tích các tuyến cho thấy, ra khỏi Thanh Thùy, Thanh Oai là Hà Đông, là QL6. Nhưng tuyến này nếu lên đến đường 6 rồi thì rẽ nhiều đường lắm. Và nếu để chúng vào Mai Châu rồi thì sẽ sang Vân Hồ rất thuận lợi. Thế nên cả Hòa Bình và Sơn La phải khống chế trên toàn tuyến QL6, đánh sâu dưới Mai Châu, Hòa Bình.
Tuyến thứ 2 là đề phòng chúng đi theo Láng Hòa Lạc, lên Sơn Tây, từ Sơn Tây lên Phù Yên, từ Phù Yên ra xã Gia Phù, từ Gia Phù rẽ ngang đường Vạn Yên để sang Mộc Châu. Đường ấy là đường vòng nhưng lại có vẻ “an toàn”.
Một tuyến nữa cũng có thể đi như thế nhưng đến ngã ba Gia Phù thì rẽ đi Bắc Yên hoặc ra đường chỗ Mai Sơn, tức là qua Cò Nòi rồi đi ngược xuống Mộc Châu, Vân Hồ.
Còn một tuyến thứ tư đi rất dài, nhưng nếu chúng đi đường này mà công an địa phương không cảnh giác thì sẽ rất dễ lọt. Đó là vọt lên Sơn Tây, từ tuyến đó đi lên Đoan Hùng, rồi lên Lào Cai, vòng xuống Yên Bái sang Than Uyên, từ Than Uyên vào Quỳnh Nhai rồi ra thành phố Sơn La để xuôi theo QL6 xuống. Hoặc không thì còn có một đường ngang trên Quỳnh Nhai ra thẳng Mai Sơn rồi đi tụt xuống. Trong khi đó lực lượng của ta lại quan tâm nhiều tới hướng đi ngược từ Hòa Bình lên.
Khả năng này là rất ít nhưng với tư duy chỉ đạo của mình, Đại tá Phùng Tiến Triển buộc phải tính đến. CA huyện Quỳnh Nhai là một, CA huyện Mường La, vì từ ở Lào Cai, Yên Bái ra thủy điện rất gần, được lệnh đón chặn đường độc đạo. Với dự lệnh chuẩn bị sẵn quân số, công cụ. Khi nào có lệnh lập tức triển khai.
Nghĩa là với việc 2 tử tù trốn trại, Sơn La hiểu và có cách giải quyết vấn đề để đảm bảo tính toàn diện, không cho sai số nào xảy ra ở đây cả. Thiên la địa võng đã được tính toán sẵn. Thế nhưng điều quan trọng là chưa bắt lại được Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ thì khó có thể đảm bảo rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra!
(Còn tiếp...)
Nghe Tình nói “chị ơi em đói quá, chị cho em xin bát cơm”, vợ chồng chị Thương động lòng thương em nên...