Xót xa chuyện tử nạn vì nghề!
Vụ tai nạn của gia đình anh Lê Minh Phương khiến giới làm phim, các diễn viên bàng hoàng. Bức màn sự thật đằng sau những thước phim trên màn ảnh được vén lên khiến khán giả thêm hiểu về những người đứng sau ống kính – một nghề quá nguy hiểm và không ít lần đúng với câu “sinh nghề tử nghiệp”.
Sinh nghề tử nghiệp: Bàng hoàng và xót xa
Vụ nổ kinh hoàng rạng sáng ngày 24/2/2013 tại TPHCM đã làm sụp đổ hoàn toàn 3 ngôi nhà nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3, TPHCM).
Và nơi là trung tâm của vụ nổ là căn nhà 384/7 của ông Lê Minh Phương (58 tuổi, Giám đốc công ty Lạc Việt, thường được gọi là "Phương khói lửa"). Theo những kết quả ban đầu thì trong nhà của ông Phương có chứa một lượng khá lớn thuốc pháo (loại thường được sử dụng trên các phim trường).
Cascauder Quốc Thịnh đã túc trực bên gia đình và lo lắng mọi chuyện hậu sự cho Phương khói lửa
Ngay khi thông tin đầu tiên được đưa ra vụ nổ đã khiến dư luận bàng hoàng. Những người hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh, từng hợp tác hoặc chỉ nghe nói đến Phương khói lửa vừa hụt hẫng, vừa xót xa. Trong giới, anh là một trong những cây đại thụ chuyên phụ trách phần khói lửa, hậu kì cho rất nhiều bộ phim lớn.
“Thương xót nhưng cũng giận anh vì thái độ tất trách với loại nghề nghiệp nguy hiểm như vậy. Đây không phải là tai nạn đầu tiên của những người làm khói lửa phim trường nhưng chưa lần nào gây thiệt hại về người như lần này. Cẩn thận và trách nhiệm một chút thì đâu đến nỗi anh Phương ơi..!” – Đạo diễn Trần Cảnh Đôn vừa giận, vừa thương viết trên trang cá nhân.
Đạo diễn Lê Cung Bắc cũng đến viếng gia đình Phương cháy nổ
Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng (biệt danh Dũng Nghệ) – người đang hợp tác với Phương khói lửa trong 1 dự án phim truyền hình 40 tập cũng bàng hoàng.
“Vừa nghe hung tin anh Phương (Chuyên gia cháy nổ ở SG) bị tai nạn cùng gia đình mà không thể nào tin nổi. Cả gia đình 10 người, không còn một ai. Phim vẫn đang quay. Anh Phương là người trực tiếp phụ trách phần cháy nổ. Mình còn mời anh một vai nho nhỏ trong phim. Vậy mà giờ đây, anh và cả gia đình đã không còn nữa... Cầu chúc cho vong linh của anh và những người xấu số được siêu thoát ...” – Dũng Nghệ thổn thức trên trang cá nhân sau khi nghe hung tin.
DV Võ Thành Tâm đến viếng gia đình Phương cháy nổ tại lễ an táng chiều 26/7
Anh cũng là người theo dõi thông tin thường xuyên về vụ việc này và “Vẫn chưa hết bàng hoàng, vẫn chưa hết cay cay nơi khoé mắt khi đọc những bài báo liên quan đến vụ nổ đó...”.
Cascadeur Bảo Anh, người từng có nhiều lần hợp tác với Phương khói lửa thì cho rằng: "Chú Phương tính rất cẩn thận. Mỗi lần diễn cảnh cháy nổ, chú đều yêu cầu tắt hết điện thoại vì thuốc nổ được kích hoạt bằng sóng. Chú có nhiều "đệ tử" nhưng giờ thì rơi rớt hết. Nghề này rất ít người theo vì đòi hỏi phải tập trung cao độ, phải có tính kỹ lưỡng và lại rất nguy hiểm trong khi tiền công thì ít. Riêng chú, thì theo nghề cho đến giờ này vì tình yêu nghề".
Tuy nhiên, khi thông tin của cascadeur Quốc Thịnh được đưa ra khiến nhiều người bàng hoàng. Ngoài việc ca ngợi "Phương khói lửa" là một người rất mực yêu nghề thì anh còn cho hay đa số các loại thuốc nổ mà anh "Phương khói lửa" sử dụng đều do anh tự chế và nguyên liệu được mua chủ yếu tại chợ Kim Biên.
DV Huỳnh Anh cũng có mặt giữa lễ hỏa tang của Phương cháy nổ
Lời cảnh tỉnh: Đừng đùa với tử thần
Theo lời của hầu hết các đạo diễn, diễn viên, cascadeur và những người hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh thì phần việc của các Chuyên viên cháy nổ luôn là nguy hiểm nhất, thù lao rất thấp và không có nhiều người theo nghề này.
Tại cả kinh đô điện ảnh Hollywood cũng như ở Việt Nam, những tai nạn liên quan đến chuyện cháy nổ đã không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, tai nạn như trường hợp của Phương khói lửa thuộc dạng “xưa nay hiếm” không chỉ ở Việt Nam.
Những cảnh quay cháy nổ luôn là nỗi ám ảnh với bất cứ người làm phim nào
Họa sĩ thiết kế Mã Phi Hải kể rằng anh đã có khá nhiều năm hoạt động trong nghề nhưng tai nạn vừa qua thực sự quá lớn. Sự cố về cháy nổ mà anh gặp duy nhất cho đến thời điểm này xảy ra ở hậu trường hãng phim Nguyễn Đình Chiểu khiến một chuyên viên có tên Cầu bị thương nặng. Anh này gặp nạn khi đang trộn thuốc tạo nổ cho một bộ phim hợp tác giữa Thái Lan, Hong Kong và Việt Nam. Sau tai nạn, anh được đưa sang Thái Lan để điều trị.
Diễn viên Johnny Trí Nguyễn – người từng đảm nhận vai diễn trong Bẫy rồng cũng kể lại sự cố trong thời gian anh thực hiện bộ phim này. “Ở Việt Nam, đạn được dùng trong các cảnh quay là đạn mã tử tự chế hoặc vỏ đạn cũ làm lại nên không an toàn và khá nguy hiểm. Khi làm phim Bẫy rồng, lúc quay cảnh bắn nhau, đạn bắn ra trúng hai người đoàn phim gây chảy máu. Anh quay phim bị nặng hơn, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu”.
Đạo diễn Dũng Nghệ, người từng thực hiện series Cảnh sát hình sự cũng từng gặp sự cố này nhưng cũng chỉ là tai nạn nhỏ.
“Hồi làm phim Cảnh sát hình sự: Hành trình bí ẩn (năm 2007) ở Tam Đảo chính người phụ trách cháy nổ của đoàn phim đã bị mảnh vỡ của đạn mã tử găm vào mặt. Cũng may là vết thương không gây hậu quả nghiêm trọng. Với phim truyền hình quy mô nhỏ, ít có đại cảnh cháy nổ lớn, nên các sự cố cũng ít hoặc không đáng kể. Còn các phim điện ảnh thì chuyện tai nạn nghề nghiệp gần như xảy ra thường xuyên” – Dũng Nghệ cho hay.
Johnny Trí Nguyễn cũng từng chứng kiến một tai nạn đối với các thành viên đoàn phim trên trường quay
Vị đạo diễn này cũng cho rằng sở dĩ ngày càng có nhiều tai nạn liên quan đến cháy nổ vì đa phần các phim Việt đều thực hiện "trong điều kiện phương tiện kĩ thuật thiếu thốn, lạc hậu, kinh phí dành chon nó cũng quá ít, diễn viên không được mua bảo hiểm…"
Cùng chung quan điểm này, đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn khẳng định: “Nước ngoài họ không dùng đồ thật để tạo cháy nổ trong phim như Việt Nam. Họ dùng chất hóa học để tạo ra và đạt được hiệu ứng về hình ảnh nhưng không có sức công phá và gây thương tích.
Việt Nam hay dùng thuốc nổ TNT, như thế rất nguy hiểm mà hiệu quả điện ảnh lại không đạt được bao nhiêu; vì dùng thuốc nổ thiệt diễn viên không được đứng gần nơi có cháy nổ, mà đứng xa máy quay lại không bắt được hình ảnh sắc nét.
Trong phim của tôi cần cháy nổ, nếu chuyên gia cháy nổ Việt Nam nói dùng TNT là tôi không dùng. Nếu thấy nguy hiểm, tôi sẽ mời chuyên viên Thái Lan qua hỗ trợ”.
Thực tế cho thấy, phim Việt dù có lịch sử vài chục năm nhưng chỉ thực sự phát triển trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là ở lĩnh vực phim điện ảnh. Do đó, những tai nạn như trường hợp của chuyên viên cháy nổ Lê Minh Phương là lời cảnh tỉnh đối với những người làm nghề.
Để có được những cảnh cháy nổ như trên phim, rất nhiều những người làm công việc này chấp nhận sống và làm việc trong mối nguy hiểm rình rập. Họ lặng thầm cống hiến để khán giả có những thước phim chân thật, sống động. Đón đọc bài viết: Chuyên viên cháy nổ: Nghề “chơi” với tử thần để hiểu thêm về nghề của những người hoạt động trong lĩnh vực này trên mục PHIM lúc 0h30 ngày 3/3/2013. |