Trò đời: Tấn bi kịch thời Âu hóa
Cứ mỗi 20h30 thứ 5 và thứ 6 hàng tuần, khán giả lại háo hức ngồi chờ bộ phim Trò đời phát sóng. Và rồi mọi người lại thấp thỏm lo lắng hay vui mừng trước những biến cố, đổi thay trong số phận các nhân vật. Sự mong chờ, đón đợi của khán giả phần nào cho thấy thành công của bộ phim này.
Từ những tác phẩm nổi tiếng: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây... của "ông vua phóng sự đất Bắc" Vũ Trọng Phụng, Trò đời là một bức tranh đầy đủ về xã hội Âu hóa tại Việt Nam những năm 1930-1940. Lối kể chân thực, cốt chuyện gần gũi với những tính cách, số phận nhân vật điển hình trong xã hội đã thực sự cuốn hút khán giả. Loạt bài Trò đời: Tấn bi kịch thời Âu hóa sẽ là những góc nhìn toàn cảnh về cả bộ phim và cận cảnh từng nhân vật, qua đó giúp khán giả thấy được một bức tranh đa sắc, đa diện. |
Một xã hội "Âu hóa" nửa mùa chân thực
Trò đời là tác phẩm thử nghiệm trong dự án phim lấy ý tưởng từ những tác phẩm văn học hiện thực những năm 1930 – 1945 như Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy tây của "ông vua phóng sự đất Bắc" Vũ Trọng Phụng. Điều đáng khen ngợi là từ ba tác phẩm khác nhau của nhà văn – nhà báo Vũ Trọng Phụng, đạo diễn đã chuyển hóa, lồng ghép cốt truyện một cách tài tình, mạch lạc, xuyên suốt.
Ấn tượng đầu tiên và xuyên suốt bộ phim là không khí của xã hội Việt Nam thuộc địa nửa phong kiến, "nửa Tây nửa ta" những năm 1930-1940 của thế kỷ trước. Trong công cuộc gọi là “cải cách văn minh”, “Âu hóa” đó có đủ những trò lố lăng, kệch cỡm và nhảm nhí. Bất cứ ai đã từng đọc những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều không khỏi ám ảnh bởi không khí này. Nó đã được họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, họa sĩ phục trang Nguyễn Thu Hà, giám đốc hình ảnh NSND Nguyễn Hữu Tuấn phục dựng cẩn trọng.
Bối cảnh của Trò đời đưa khán giả trở về đúng thời kì xã hội thực dân phong kiến Việt những năm 1930
Cùng với sự xuất hiện của từng nhân vật, không gian phim hiện lên vừa mang nét ồn ã, nhốn nháo của sự giao thoa trong thời kỳ xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Bên cạnh đó, phim cũng không mất đi nét trầm mặc, cũ kỹ, cổ xưa của một Hà Nội thời còn thưa vắng với những nếp tường đá ong, những hàng cây trải dài...
Khán giả xem phim sẽ thấy những chiếc xe kéo tay của gần 80 năm trước, những chiếu cô đầu với tiếng phách dìu dặt, tiếng hát ả đào và ánh đèn nến lay lắt, đôi guốc mộc, áo yếm xưa trong chiếc áo cánh hay tà áo dài khép nép rủ chấm gót, cổ cao kín đáo buổi đầu “Âu hóa” may đúng chất liệu tơ tằm...Tất cả được chăm chút cẩn thận, từng chút một để đưa khán giả vào không gian những năm 1930 – 1945.
Không gian ấy được tạo nên một phần cũng bởi mỗi khuôn hình đều thấm chất điện ảnh – yếu tố quan trọng làm nên sự hấp dẫn của phim.
Đạo diễn Nhuệ Giang từng chia sẻ: “Sự khác biệt ở đây là trong vấn đề chiếu sáng. Hình trong phim được làm kỹ lưỡng, sâu hơn, có bối cảnh, có chiều sâu của khuôn hình, tạo nên những lớp lang, có tiền cảnh, hậu cảnh, được hoạt động trong 1 không gian chiếu sáng rất nghệ thuật”.
Lớp vỏ văn minh bao trùm nên bộ phim đầy dị hợm, kệch cỡm
Những phận người mong manh
Trong cái xã hội nhiễu nhương, Tây – Ta lẫn lộn, trong trào lưu Âu hóa làm băng hoại, làm đảo lộn những giá trị, lễ nghi, phép tắc truyền thống ấy, tuyến nhân vật chính – phụ, dần dần hiện lên. Mỗi nhân vật chính điển hình cho một tầng lớp trong xã hội, tượng trưng cho những tấn trò đời từ miền quê yên ả đến chốn thị thành đô hội.
Xuân tóc đỏ (Việt Bắc thủ vai), từ nông thôn ra thành phố để kiếm sống với những tham vọng sinh tồn và đổi đời. Với sự “giúp sức” của xã hội Âu hóa lố lăng, Xuân đã tự biến mình thành kẻ lưu manh, láu cá, thủ đoạn để từng bước nhảy lên tầng lớp thượng lưu. Nhưng rồi chính những mặt trái đó khiến anh lại chìm sâu trong sự tha hóa tột cùng không lối thoát. Xuân là sản phẩm nhưng cũng chính là nạn nhân của xã hội nhố nhăng, nhiễu loạn, tha hóa ấy.
Từ chính đến phụ các nhân vật được xây dựng đầy tính cách, thân phận
Bà Phó Đoan (NSƯT Minh Hằng) là một nhân vật có nhiều đất diễn, mang tâm trạng phức tạp trong phim. Từ một cô thôn nữ chất phác, me Kiểm dần trở thành một mệnh phụ phu nhân đàng điếm nhưng ẩn dưới vỏ bọc một người văn minh. Me Kiểm đại diện cho tầng lớp me Tây, “kiếp làm vợ”, làm nhân tình của những người lính lê dương. Không chỉ có thế, trong bóng dáng của me Kiểm ta còn thấy hình ảnh của những Tú Bà, chuyên đi chăn dắt, lừa những cô gái ngây thơ vào con đường “bán thân nuôi miệng”.
Nhân vật Đũi (Thanh Bảo thủ vai) điển hình cho số phận những con sen ra thành phố kiếm sống với số phận long đong. Đũi còn là một phần hình ảnh của những cô gái nghèo ở quê, vì hoàn cảnh xô đẩy, phải ra thành phố kiếm sống, bị vùi dập, bị tha hóa. Và trong phim từ một cô thôn nữ dịu dàng, được ăn học quá trình tha hóa khi lên thành phố của cô diễn ra quá nhanh khiến khán giả gần như bị choáng ngợp.
Trong Trò đời không thể không nhắc tới ông phó lý làng Tam Điền - cha của Đũi. Chỉ vì mong muốn được mở mày mở mặt với làng xóm láng giềng, vì sĩ diện mà ông đã gán hết ruộng vườn mua một chức quan “hữu danh vô thực” mà vô tình đẩy đứa con gái của mình vào “chốn hang hùm”. Để rồi, chính bản thân ông, trong “bước đường cùng” phải ra nhập làng cơm thầy cơm cô, làm chân “người ngựa, ngựa người” cực khổ. Ông Phó Lý cuối cùng cũng chết vì bệnh tật, kiệt sức trong túng quẫn mà không gặp được cô con gái cũng đang phiêu bạt chốn thị thành.
Rồi còn những Văn Minh – nhà cải cách phong trào Âu hóa, tới TYPN, “đốc-tờ” Trực Ngôn, tới cụ Cố Hồng… tất cả hiện lên sinh động, lố lăng hơn bao giờ hết.
Mỗi nhân vật điển hình cho một tầng lớp, vừa là sản phẩm, vừa là nạn nhân của xã hội ấy. Họ đều có những nỗi đau khổ, dằn vặt riêng, nhưng không phải ai đã nhúng chân vào “tấn trò đời” đó đều “thoát” ra được.
Điều đọng lại, làm băn khoăn, nhức nhối người xem không chỉ là câu chuyện xưa mà còn nguyên giá trị hiện thực, mang hơi thở hiện đại. Giá trị đồng tiền, thân phận con người, khoảng cách giàu nghèo, cái tốt – xấu, mặt trái của hội nhập đe dọa tới những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông…
Dàn diễn viên đồng đều, thể hiện tròn vai từ những diễn viên giàu kinh nghiệm như NSƯT Minh Hằng (Phó Đoan), NSƯT Quốc Anh (Cụ cố Hồng), đến những diễn viên trẻ tuổi như Việt Bắc (Xuân tóc đỏ), Bảo Thanh (Đũi) đã giúp bộ phim được truyền tải trọn vẹn đến với người xem.
Mời độc giả đón xem kỳ 2: Có một Xuân tóc đỏ mới trong Trò đời vào 0h ngày 13/10/2013 tại mục PHIM 24h!