Tôn Ngộ Không bị chó cắn rách quần
Tai nạn nghề nghiệp với chú chó của Nhị Lang Thần khiến Ngộ Không bị cắn rách một miếng khá lớn ở ống chân quần.
Chỉ riêng tại Trung Quốc, dù đã lên sóng hơn 2.000 lần nhưng "Tây du ký" phiên bản 1986 vẫn là bộ phim được yêu thích, cứ mỗi dịp năm mới lại có đài truyền hình chiếu lại, vẫn đạt rating rất cao. Thế nhưng, để có một tập phim được yêu thích như thế, đoàn làm phim đã trải qua rất nhiều khó khăn mà hiếm người biết được. Chuyên đề Tây Du Ký - Chuyện giờ mới kể sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn chân thật về quá trình thực hiện tác phẩm kinh điển nổi tiếng này. |
Một sự cố khá nguy hiểm mà Dương Khiết nhớ lại về sự cố dây cáp. Đó là thời gian tháng 4/1985, cảnh quay diễn ra ở Công viên bách thảo Lô Sơn ở Giang Tây, khi Nhị Lang Thần (Lâm Gia Khiêm đóng) sai Hao Thiên Khuyển (chó nhà trời) đuổi bắt Ngộ Không. Cảnh quay được sắp xếp quay ở trong rừng, đồng thời dễ dàng bố trí thiết bị dây cáp cho kỹ thuật “quá giang long” (quay treo người bằng dây cáp).
Cảnh giao đấu giữa Ngộ Không và Nhị Lang Thần (Lâm Gia Khiêm) tại Công viên Thập Độ, Bắc Kinh.
Dây cáp được giăng hai bên bờ một con sông đã cạn với chiều dài khoảng 70m. Cảnh quay này yêu cầu Ngộ Không phải bay ra từ trong rừng, Hao Thiên Khuyển thì đuổi dưới mặt đất, vừa bay vừa phải trêu đùa chó ở dưới. Chú chó thuộc giống béc-giê của Đức, là chó canh giữ công viên của nhân viên bảo vệ của công viên Lô Sơn cho đoàn mượn, tướng mạo có vẻ dữ dằn, Dương Khiết thì thầm nghĩ: “Nhị Lang Thần có chó Đức hay sao?”.
Chú chó này tỏ ra khá hung hãn, có lần một nhân viên của đoàn suýt nữa bị nó cắn vì sơ ý chắn ngang đường của nó. May nhờ chủ nhân của chú chó khi này cũng được tham gia làm diễn viên quần chúng, mặc trang phục thiên binh thiên tướng phát hiện kịp thời và ngăn lại, tuy nhiên nhân viên của đoàn vẫn bị dính "bộ nhá" của chú chó này dù không nặng lắm.
Lần quay đầu tiên chưa được ưng ý. Chó vừa được tháo xích liền chạy nhống lên vì được tự do, thậm chí còn chạy nhanh hơn cả người. Chú chó này dường như không thèm để ý đến Ngộ Không “bay” phía trên, chỉ khổ mấy nhân viên kéo dây chạy vòng vòng để kéo Ngộ Không bay là là trên mặt đất mà toát mồ hôi.
Lần quay thứ hai, chủ của chú chó đã kịp ra hiệu cho nó chú ý phải đuổi theo Ngộ Không, nhưng vì Kim Lai bị treo là là cách mặt đất thấp quá nên bị chó cắn một miếng vào ống quần, trang phục cũng vì thế mà bị rách một miếng khá lớn.
Cảnh rượt đuổi của Hao Thiên Khuyển và Tôn Ngộ Không tại Công viên Bách thảo Lô Sơn. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Như vậy là cảnh quay tiếp tục phải cắt. Đến lần quay thứ ba, Dương Khiết cho thay dây thép mới phòng trường hợp bị đứt, huy động thêm người kéo dây cho chắc và kéo cho Ngộ Không bay cao hơn một chút. Cảnh quay rượt bắt giữa hầu vương với thiên khuyển (vua khỉ và chó nhà trời) bắt đầu.
Nhân viên kéo dây bắt đầu chạy, người chủ của chú chó có ý định thả chó chậm một chút sau đó mới ra hiệu cho chó đuổi theo Ngộ Không, vì chó chạy bốn chân và cũng sẽ nhanh hơn với sức người.
Lúc này Ngộ Không bay trên không và cách mặt đất một đoạn cũng tương đối. Ngặt nỗi vì dây không đủ dài khiến sợi dây bị kéo căng ra, vì vậy có lúc Kim Lai bay lập lờ rất gần với mặt đất. Kim Lai cũng cảm thấy lo lắng nhưng để thực hiện đúng kịch bản nên phải thả lỏng để có thể trêu đùa chú chó bên dưới.
Ngộ Không và Hao Thiên Khuyển vật lộn tại Lô Sơn, Giang Tây. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Trong khi chó chạy ngày một gần và nhanh, như sắp chạy đến cắn Ngộ Không đến nơi. Nhân viên kéo dây đã bắt đầu thấm mệt vì nãy giờ đã kéo hết sức, ai nấy cũng lờ đờ. Dương Khiết lo nhỡ con chó cắn và làm thương Kim Lai liến yêu cầu chủ nhân của chú chó ra hiệu dừng.
Mặc dù liên tiếp phải đối mặt với nguy hiểm khi sử dụng cách thức “quá giang long” trên, bù lại hiệu quả nó mang lại cũng không hề nhỏ và giúp đoàn có thêm kinh nhiều kinh nghiệm. Theo tiết lộ của phó quay phim đoàn Tây Du Ký là Đường Kế Toàn, thực ra đoàn phim phải sử dụng hai chú chó, một con ở Công viên Bách thảo Lô Sơn, khá dữ dằn và không được “chuyên nghiệp”, chính con chó này đã cắn rách quần của Tôn Ngộ Không khi tác nghiệp. Con chó thứ hai mượn được của đội cảnh sát Bắc Kinh, là chó cảnh sát nghiệp vụ vì đã được đào tạo nghiệp vụ của cảnh sát khá bài bản và chuyên nghiệp.
Chú chó này tỏ ra rất nghe lời và hòa đồng với các thành viên trong đoàn. Mọi người trong đoàn đều cảm thấy yêu mến chú chó nghiệp vụ, ai cũng có thể chơi đùa với chú chó này (tất nhiên trong trường hợp được người huấn luyện phía cảnh sát nghiệp vụ cho phép). Nếu có giấu một vật cho dù ở chỗ thật kín, chỉ cần nhận được mệnh lệnh của nhân viên huấn luyện, sau một lúc chú chó nghiệp vụ cũng tìm ra nhờ được tập luyện vô cùng bài bản.
Cảnh giao đấu giữa Ngộ Không với Nhị Lang Thần và Hao Thiên Khuyển trong tập 3 - Đại náo thiên cung.
Cảnh quay vẫn là cảnh rượt đuổi giữa Ngộ Không với Hao Thiên Khuyển, nhưng được thực hiện quay tại khu danh thắng du lịch Thập Độ nổi tiếng ở thủ đô Bắc Kinh. Vì là chó nghiệp vụ nên chú chó này rất lanh lợi, thông minh và biết điều. Cảnh quay cũng thực hiện rất thuận lợi. Những cảnh quay với chú chó nghiệp vụ này lại đơn giản hơn hẳn so với cảnh quay phức tạp nhưng lại với chú chó dữ dằn ở Lô Sơn.
Cả đoàn ai cũng ước giá như lần trước khi Ngộ Không thực hiện cảnh treo dây mà gặp chú chó nghiệp vụ này thì tốt biết bao. Có thể phân biệt hai chú chó qua trang phục mặc trên người của chúng. Chú chó nghiệp vụ ở Bắc Kinh có thêm phần trang phục che ở phía gần hông, trong khi chú chó ở Lô Sơn chỉ có một mảnh áo choàng ở trên lưng.
Chú chó thứ hai là chó cảnh sát nghiệp vụ rượt đuổi Ngộ Không được quay tại Công viên Thập Độ, Bắc Kinh. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Phó quay Đường Kế Toàn của đoàn Tây Du Ký chụp ảnh lưu niệm cùng chú chó nghiệp vụ của cảnh sát Bắc Kinh. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Ngoài ra, vấn đề sợi dây bị lộ trên màn hình cũng là điều khiến đoàn phim đau đầu nhất. Cho dù sợi dây đoàn sử dụng đã nhỏ lắm rồi, đội kỹ xảo cũng cố gắng làm mờ đi thật nhanh hình ảnh sợi dây cũng như lợi dụng màu sắc của bối cảnh, tuy nhiên vẫn không ít lần bị lộ trên khung hình.
17 năm sau khi Dương Khiết bắt tay vào thực hiện những tập còn dang dở trong phần hai của Tây Du Ký thì vấn đề này đã không còn là trở ngại gì to tát nữa. Mặc dù kinh phí có hạn hẹp nhưng nhờ có kỹ thuật 3 chiều nên việc làm mờ sợi dây trên màn hình cũng đã được giải quyết. Hơn nữa, đã có thiết bị treo dây nên không cần phải lo đến việc diễn viên bị rơi bịch xuống đất một cách “bất thình lình” như trước nữa.
Khi thực hiện cảnh quay tại Thổ Lỗ Phàn, Tân Cương thì đoàn Tây Du Ký đã có thiết bị hiện đại hơn nhưng Ngộ Không vẫn không ít lần gặp nạn vì dây cáp. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Những cảnh quay mạo hiểm trước đây của đoàn Tây Du Ký, tất cả cũng chỉ vì muốn mang lại hiệu ứng nghệ thuật tốt nhất cho bộ phim, không quản mạo hiểm tính mạng, đồng thời cũng là cách để tự an ủi bản thân: Dù hiệu quả có ra sao thì mỗi người trong đoàn cũng đều đã cố gắng hết sức của mình.
Những câu chuyện thú vị về quá trình lam phim Tây du ký sẽ gửi đến độc giả vào ngày 14/7 tới.