Tây Du Ký: Nhà đài tranh nhau, trẻ em "mắc bệnh"

Đã được 23 năm tính từ lần đầu tiên Đài truyền hình Việt Nam phát sóng bộ phim Tây Du Ký đầu tiên (năm 1990), cứ đến hè là hàng chục nhà đài khắp cả nước cùng nhau công chiếu bộ phim này. Theo thống kê, tất cả các đài truyền hình từ Trung ương tới các tỉnh đều đã phát sóng bộ phim Tây Du Ký: Đài phát ít nhất 1 lần, đài phát nhiều nhất 12 lần!

Mỗi năm đến hè là… Tây Du Ký

Như mọi năm trước, từ đầu tháng 6 đến nay, cứ đến 19h30 là nhiều gia đình có con nhỏ muốn hay không muốn cũng phải chuyển qua kênh số 32, đài Let Việt, SCTV 15 để xem Tây Du Ký. Đài Dramas (VTCV7) vốn kinh doanh phim cũng nhảy vào cuộc rất rầm rộ.

Ở nhiều gia đình, ông bố theo dõi thời sự ngồi riêng một mình ở phòng khách. Bà mẹ và 2 đứa nhỏ dán mắt theo dõi hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng. Dù đã xem nhiều lần, thuộc đường đi nước bước của phim, nhưng kỳ lạ thay, họ vẫn say mê theo dõi như xem lần đầu!

Tây Du Ký: Nhà đài tranh nhau, trẻ em "mắc bệnh" - 1

Các bản Tây Du Ký về sau, nhất là Tân Tây Du Ký (2012) áp dụng nhiều cảnh nóng bỏng hơn theo phong cách phim hiện đại...

Tây Du Ký: Nhà đài tranh nhau, trẻ em "mắc bệnh" - 2

Công nghệ làm phim cũng hiện đại hơn rất nhiều...

Nhiều nhà đài nhập cuộc phát Tây Du Ký ở những giờ khác nên khán giả được xem thỏa thích. Mới xem xong lúc chiều trên đài này, tối xem đài khác, vẫn hấp dẫn như thường! Kỳ diệu nhất là đài nào phát Tây Du Ký đều có đông đảo khán giả xem, nhất là khán giả nhí…

Người lớn cũng bị Tây Du Ký cuốn hút. Trừ những công chức, cán bộ nhà nước, doanh nhân không bỏ qua thời sự, còn lại nếu trùng hợp giờ, họ đều “ưu tiên” cho thầy trò Đường Tăng.

Ở nhiều quán cà phê, chủ quán nắm bắt được tâm lý của khách đều “sưu tầm” đài nào, giờ nào phát Tây Du Ký để mở phục vụ khách.

“Bệnh nghiện” Tây Du Ký

An, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn TP.HCM thú nhận: “Tới giờ em còn bị cái tật méo mồm giống Tề thiên trong Tây Du Ký. Thỉnh thoảng không biết cớ gì còn lấy 2 tay gãi đầu như Tề thiên vậy”! Trong phòng trọ trên đường Lê Đức Thọ ở quận Gò Vấp, các sinh viên nam trường Đại học công nghiệp còn “đóng vai” thầy trò Đường Tăng ghé qua xin cơm chay! Có phòng ký túc xá, các bạn nữ cũng không kém, giả làm “Vương quốc nữ giới”, tinh nghịch lấy gối chăn đè “Đường Tăng” xuống dọa… cởi quần dài khiến nam sinh chạy mất dép!

Nhưng “nghiện” Tây Du Ký đến “phát bệnh” học theo Tề thiên nhiều nhất vẫn là các em nhỏ. Anh Kiếm, làm ở 179 Lý Chính Thắng, q.3, TP.HCM kể: “Mấy đứa con tôi bị ảnh hưởng Tây Du Ký tới mức cứ lấy gậy múa, nhảy nhót, nhe răng cười khè khè…”. Thằng con trai lớn của anh mới lấy vợ, đùa với vợ kiểu Tề thiên, lấy tay cào cào vào nách vợ khiến vợ cười như nắc nẻ!

Ở nông thôn, sức thu hút của Tây Du Ký còn ghê gớm hơn. Môi trường nông thôn thoáng rộng, khung cảnh nên thơ nên dễ “cảm” với Tây Du Ký hơn. Trong những ngày hè này rất dễ bắt gặp hình ảnh mấy đứa trẻ cầm cành tre quật nhau, bụi bay mù mịt, giống như cảnh Ngộ không đánh nhau với yêu quái. Hoặc hình ảnh mấy đứa trẻ chăn trâu “đóng” cảnh thầy trò Đường tăng đi Tây trúc, đứa ngồi trên lưng trâu, vài đứa vác cây nhảy nhót chạy theo, một đám khác “vai” yêu quái xuất hiện. Thế là đánh nhau túi bụi, tiếng hò la rộn lên…

Dường như, thế hệ trẻ ở nước ta từ tuổi biết xem truyền hình đến toàn thể người lớn đều bị Tây Du Ký hút hồn mỗi khi đài truyền hình nào vang lên nhạc hiệu của phim này. Đa số đã xem vài lần nhưng xem nữa vẫn hấp dẫn, hào hứng vô cùng!

Tây Du Ký hấp dẫn không chỉ nội dung, cốt truyện, cảnh quay mà còn nhạc của phim. Khi bộ phim kết thúc, khán giả còn nán chờ nghe cho xong nhạc khúc “Đường chúng ta đi” với hình ảnh thầy trò Đường Tăng lội suối, băng rừng lảnh lót vang lên, rồi mới làm gì thì làm!

Tây Du Ký: Nhà đài tranh nhau, trẻ em "mắc bệnh" - 3

Nhưng bản Tây Du Ký đầu tiên năm 1986 vẫn là "vô địch" về sức hút với người xem.

"Cuộc chiến" Tây Du Ký

Hè 2012, xuất hiện nhiều phim Tây Du Ký mới. Kênh HTV7 của Đài Truyền hình TP.HCM đang phát bộ phim “Tân Tây Du Ký” mới nhất sản xuất năm 2012 của đạo diễn Trương Kỷ Trung, 66 tập, phát sóng từ 17h hàng ngày từ 27/5/2012. Một đài khác, STCV phát Tây Du Ký phiên bản 2011 của đạo diễn Trương Kiến do công ty điện ảnh Từ văn Bắc Kinh sản xuất. Đài Dramas (VTCV7) đang chiếu Tây Du Ký phiên bản 2010. Kênh STV15 cũng… Tây Du Ký. Thậm chí đài Dramas phát luôn bộ phim hài “ăn theo” mang tên “Bao công xử án Tôn Ngộ không”… Vì giờ phát sóng của các nhà đài dành cho các bộ phim này khác nhau nên khán giả tha hồ được xem Tây Du Ký các kiểu.

Tuy nhiên, phiên bản Tây Du Ký sản xuất năm 1986 của đạo diễn Dương Khiết và Lục Tiểu Linh Đồng đóng vai Tôn Ngộ Không vẫn là vô địch, không phiên bản nào sánh bằng dù sản xuất gần đây với nhiều công nghệ, kỷ xảo hiện đại hơn. “Phiên bản Tây Du Ký 1986 sống mãi với thời gian và ăn sâu vào ký ức nhiều thế hệ khán giả mà chưa có bất cứ bộ phim nào sánh được”, đó là đánh giá của Wikipedia.

Khán giả xem truyền hình bây giờ có “đẳng cấp” hơn ngày xưa rất nhiều nên họ biết nhà đài lời rất nhiều qua… quảng cáo! Hễ có Tây Du Ký là có quảng cáo, mới chiếu còn ít, vài ngày sau quảng cáo chen vào dày đặc khiến nhiều khán giả khó chịu. Có đài “tham lam” tới mức cắt luôn cả phần cuối phát bài nhạc kết phim, làm nhiều khán giả bực mình, tắt tivi chuyển qua kênh khác tìm… Tây Du Ký!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo giaoduc.net
Hậu trường phim Tây Du Ký 1986 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN