"Phù thủy" tạo ra... Tôn Ngộ Không
"Dương Khiết cô có dám dựng bản phim truyền hình Tây Du Ký không?", câu nói của cục phó đài CCTV Hồng Dân Sinh trong buổi họp báo quảng bá phim "Hồng Lâu Mộng" khiến Dương Khiết sửng sốt...
Nếu Ngô Thừa Ân chính là người tạo ra một trong tứ đại danh tác của nền văn học Trung Hoa - Tây Du Ký, thì có thể nói điều tương tự với nữ đạo diễn Dương Khiết trong lĩnh vực phim truyền hình với tuyệt phẩm cùng tên, phát sóng năm 1986.
Sau này, "bà phù thủy" đã dựng nên những hình tượng bất hủ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Đường Tăng... có dịp kể lại về quá trình làm bộ phim kinh điển trong cuốn Hồi ký của mình. Người hâm mộ như thêm một lần nữa bị mê hoặc, được trở lại sống cùng những bước đường của 4 thầy trò sang Tây Trúc thỉnh kinh.
Dương Khiết nhận làm Tây Du Ký và hành trình đi tìm bối cảnh quay
Đến với Tây Du Ký như một định mệnh
“Dương Khiết, cô có dám dựng bản phim truyền hình Tây Du Ký không?”, cục phó đài CCTV Hồng Dân Sinh bất ngờ đưa ra câu hỏi trong buổi họp báo quảng bá cho bộ phim “Hồng Lâu Mộng” của đạo diễn Vương Phù Lâm, khiến Dương Khiết sửng sốt. Nhưng có lẽ phút sửng sốt đó cũng là khoảnh khắc lịch sử trong cuộc đời bà. Với bản lĩnh vốn có, họ Dương trả lời: “Có tiền thì có gì mà không dám làm!”. Cục phó Hồng lập tức giao việc luôn cho Dương Khiết: “Được, vậy Tây Du Ký sẽ do cô Dương Khiết đảm nhiệm!”.
Đoàn phim Tây Du Ký tại khu vực Sơn Tây, Bắc Kinh (1984). Đạo diễn Dương Khiết (áo xanh da trời đứng giữa).
Đó là tháng 11/1981, lời tuyên bố của ông Hồng khiến không chỉ Dương Khiết mà tất cả những người có mặt tại sự kiện ngày hôm đó đều cảm thấy hết sức ngạc nhiên. Ngay bản thân Dương Khiết cũng không tin vào tai mình khi một đề tài kịch khó đến như vậy lại được giao cho bà. Nhớ lại bà vẫn còn bồi hồi: “Nhanh thật, cục phó Hồng Dân Sinh ngay lập tức thực hiện lời hứa, vừa giao cho tôi một trọng trách vô cùng lớn lao nhưng cũng vô cùng vinh quang!”.
Ở Trung Quốc thời đó, hình tượng 4 thầy trò Đường Tăng thật ra đã trở nên quen thuộc trong tưởng tượng của mọi người, từ kịch đến phim hoạt hình đều đã phổ biến, nhưng phim truyền hình thì chưa. Dương Khiết đã mày mò và bỏ công sức để cải biên thành bản phim truyền hình với những nhân vật bằng xương bằng thịt bước ra từ danh tác Tây Du Ký. Phương châm 8 chữ mà Dương Khiết đặt ra cho chính bà cùng hai cộng sự biên kịch: “Trung thành nguyên tác, cải biên thận trọng”.
"Hú vía" suýt vuột mất nghệ sĩ hóa trang
Việc tạo hình nhân vật và hóa trang các nhân vật như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và hàng trăm yêu ma quỷ quái trong phim cũng đòi hỏi phải có một đội ngũ hóa trang chuyên nghiệp và sáng tạo. Khi đó, công việc này ở Trung Quốc lại khá mới mẻ và khá gian nan. Dương Khiết liền nghĩ tới ông Vương Hy Chung của xưởng phim Bắc Kinh, chỉ có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hóa trang điện ảnh như ông Vương mới có thể giúp Dương Khiết thành công với các nhân vật trong Tây Du Ký.
Nhưng đó mới chỉ là ý nghĩ của Dương Khiết, còn việc mời được Vương Hy Chung hay không mới là vấn đề. Ngay hôm sau Dương Khiết đến xưởng phim Bắc Kinh. Tại đây bà đã gặp đạo diễn nổi danh lúc đó là Lăng Tử Phong, đạo diễn Lăng cũng nói với Dương Khiết việc ông cũng đang chuẩn bị cho quay bản điện ảnh phim Tây Du Ký. Hai con người mừng vui lẫn lộn, Dương Khiết lo đạo diễn Lăng sẽ mời được Vương Hy Chung vì tên tuổi của bà khi đó không thể đọ lại nổi với Lăng Tử Phong.
Nghệ sĩ hóa trang Vương Hy Chung
Thế nhưng khi nói đến nghệ sĩ hóa trang, đạo diễn Lăng lại muốn mời một chuyên gia nổi tiếng của Mỹ tới trợ giúp. Lúc này, Dương Khiết mới thở phào nhẹ nhõm và bày tỏ ý định mời Vương Hy Chung làm chuyên gia hóa trang cho bà. Lăng Tử Phong vẫn khuyên Dương Khiết nên mời chuyên gia hóa trang từ Mỹ bởi họ có kinh nghiệm, có nhân lực vật lực chuyên nghiệp, thế nhưng Dương Khiết từ chối. “Chúng tôi mời người Trung Quốc thôi, hơn nữa cũng không có tiền nhiều”, bà nói. Lăng Tử Phong nửa đùa nửa thật khi thách đố với Dương Khiết: “Được, chúng ta cùng đấu xem ai hơn ai”. Dương Khiết càng thêm áp lực sau khi đạo diễn Lăng nói như vậy, nhưng khi đã mời được Vương Hy Chung thì bà thêm hưng phấn và hào hứng với nhiệm vụ nặng nề này.
Băng đèo lội suối tìm bối cảnh quay
Công việc khó khăn tiếp theo mà Dương Khiết gặp phải chính là bối cảnh quay cho mỗi tập phim. Thời gian đó, trường quay không sẵn như bây giờ, trong khi bối cảnh trong phim lại từ thời nhà Đường và của Ấn Độ. Dương Khiết liền nghĩ đến phong cảnh tự nhiên của Trung Quốc, những thắng cảnh kỳ quan ở Tứ Xuyên, Phật Đà Sơn… đều là những nơi sơn thủy hữu tình và một lợi thế cho đoàn phim cũng như cần được tận dụng một cách triệt để cho các cảnh quay của Tây Du Ký. Trong khi đó lại có người của đoàn phản đối việc đi tìm chọn bối cảnh ở những nơi xa xôi hẻo lánh: "Muốn quay ngoại cảnh, khu vực ngoại ô Bắc Kinh thiếu gì núi, sông hùng vĩ, hà tất phải đi đâu xa, vừa tiết kiệm tiền lẫn thời gian, tội gì phải đi tận đâu quay".
Cảnh sắc tại Trương Gia Giới, 1983.
Chùa Phúc Khánh ở tỉnh Hà Bắc, 1984.
Thế nhưng Dương Khiết lại cho rằng yếu tố quan trọng là bối cảnh lý tưởng phải có sự tương phản, việc miêu tả, khắc họa nhân vật cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Một câu chuyện thần tiên và phong cảnh tuyệt sắc, huyền diệu nếu biết kết hợp lại với nhau, ắt sẽ tạo ra những giá trị mỹ học vô tiền khoáng hậu. Đó cũng là lý do vì sao khán giả lại được chiêm ngưỡng và thưởng thức nhiều cảnh quay thần tiên, huyển ảo và đẹp lung linh đến vậy khi xem Tây Du Ký.
Đạo diễn Dương Khiết (áo đen), nam diễn viên Trì Trọng Thụy và quay phim Đường Kế Toàn trong quá trình tìm cảnh quay cho phim.
Vì thời gian cho quá trình chuẩn bị chỉ có nửa năm, nên đoàn phim được giao cho phó đạo diễn Châu Tiểu Phong. Việc tìm chọn diễn viên cho các nhân vật trong phim cũng được giao cho ông Châu, còn bản thân Dương Khiết ngay lập tức lên đường tìm bối cảnh, đồng thời hai biên kịch cũng được phân công viết kịch bản thử nghiệm cho tập “Trừ yêu ở nước Ô Kê”.
Đoàn làm phim với các gương mặt chủ chốt như quay phim Vương Sùng Thu, mỹ thuật Bàng Văn Lệ, nhiếp ảnh Tôn Vĩnh Thắng đều là những người được Dương Khiết mời trong đoàn của bà, một số khác thì được mời từ bên ngoài như thư ký trường quay Lý Thành Nho, quản lý trường quay Tiểu Trịnh cùng Dương Khiết là 6 người, hạn định cho việc tìm bối cảnh là 2 tháng, trong quá trình đi tìm cảnh đồng thời tuyển chọn luôn diễn viên nếu thấy thích hợp.
Cảnh quay tại hội bàn đào trên thiên đình.
Quá trình đi tìm bối cảnh của Dương Khiết diễn ra từ 1/3 - 5/4/1982 khi bà đi khắp các địa danh, thắng cảnh trên khắp Trung Quốc. Lịch trình được nữ đạo diễn nhớ lại như sau: Nam Kinh - Dương Châu - núi Hoàng Sơn, Cửu Hoa Sơn ở tỉnh An Huy, phong cảnh núi Dao Lâm ở Hàng Châu, chùa Thiên Đồng ở Ninh Ba, Triết Giang - Phổ Đà Sơn - Vân Khê ở Hàng Châu, núi Ngọc Bàn, động Thạch Điểu, động Hoàng Long, động Tử Vân, động Thủy Nhạc - Thiệu Hưng - núi Trống Phúc Châu ở Phúc Kiến, núi Thanh Chi - chùa Khai Nguyên ở Tuyền Châu - Nam Phổ Đà ở Hạ Môn - chùa Nam Sơn ở Chương Châu - đảo Sơn Đông, Cổ thành lầu ở Thành Quan Trấn - Sán Đầu - Quảng Châu, núi La Phù Quảng Đông - khe núi Thất Tinh Triệu Khánh - núi Tây Tiều, miếu Phật Sơn Mã - Trường Sa ở Hồ Nam - Đại Dung Trương Gia Giới - trại núi Thanh Nham Hoàng Sư - Đào hoa viên Từ Lệ ở Hồ Nam - trở lại Bắc Kinh kết thúc quá trình tìm cảnh giai đoạn một trong 35 ngày.
Thầy trò Đường Tăng với bối cảnh quay ở núi Vũ Di, 1984.
Lần tiếp theo, Dương Khiết cùng một vài đồng nghiệp tiếp tục tìm hiểu về Phật giáo khi đến chùa Thảo Đường ở Tây An tham dự nghi lễ của đức Bồ Đề Đạt Ma đồng thời tham vấn ý kiến từ các bậc cao tăng của chùa. Sau đó, đoàn tiếp tục tới ao Hoa Thanh - núi Thanh Thành, Thành Đô ở Tứ Xuyến, miếu Nhị Vương, chùa Báo Quốc, núi Nga My, chùa Phục Long, chùa Thanh Âm, đền Võ Hậu, thảo đường Đỗ Phủ - huyện Đại Ấp huyện Sùng Khánh... Tới Vân Nam Côn Minh - chùa Viên Thông, Long Môn, chùa Thái Hoa, chùa Pháp Thanh, chùa Hoa Đình, chùa Cùng Trúc, Thạch Lâm, Xây Sương Bản Nạp, Tư Mâu, Cảnh Hồng, Bột Hải, Lan Thương, Song Giang, Lâm Thương, Hạ Quan, Đại Lý, Hỷ Châu, Sở Hùng, Kim Điện, đầm Hắc Long, tháp Kim Cương - tới Hồ Nam, Lĩnh Thủy, Giang Ba, Nguyệt động và trở lại Bắc Kinh vào 8/5/1982.
Cảnh quay ở Hỏa Diệm Sơn, Tân Cương, 1986.
Thầy trò Đường Tăng trên thác nước lớn ở khu thắng cảnh Cửu Trại Câu, 1987.
Như vậy trong 2 tháng trời, Dương Khiết và cộng sự đã vượt qua hàng ngàn cây số. Xem ra ngày nào cũng đi không ngừng nghỉ, đi tìm hết cảnh này đến cảnh khác. Các phương tiện từ tàu hỏa, xe đò, thuyền, máy bay... nói chung ngày nào cũng ở trên đường với tinh thần làm việc vô cùng hăng say và háo hức, gian nan vất vả không nề hà. Có những nơi Dương Khiết không hề tưởng tượng rằng bà có thể tìm đến đó để quay như cảnh của Hỏa Diệm Sơn đã đưa bà đến tận vùng Tân Cương xa xôi.
Còn cảnh quay ở những tập cuối như Thiên Trúc hay Tây Thiên thì bà nghĩ đến vùng Tây Song Bản Nạp rồi trang trí thêm. Thế nhưng nếu làm như vậy thì lại đánh mất đi tính chân thực cũng như mọi nỗ lực cầu toàn của bà. Khi đó, trong đầu Dương Khiết đã nghĩ đến việc đưa đoàn phim sang Ấn Độ hoặc Thái Lan, nhưng những tập đó vẫn còn lâu mới khởi quay nên bà tạm gác lại rồi tính sau.