Phim Việt ngày càng... chịu chơi
Nhà sản xuất sẵng sàng chi bạo tay cho đoàn phim sang nước ngoài quay cả tháng, thậm chí còn mời diễn viên ngoại quốc tham gia.
Thi nhau xuất ngoại
Trong bối cảnh các phim truyền hình ngày càng thắt chặt hầu bao, chi phí càng thấp càng tốt, quay càng nhanh càng tốt, nhờ vả càng nhiều càng tốt để tiết kiệm chi phí thì thì gian gần đây, việc có tới hai dự án phim do VTV đặt hàng được tiến hành quay tại nước ngoài với chi phí tốn kém được coi là một hiện tượng.
"Hai phía chân trời" được quay tại nhiều bối cảnh ở CH Séc
"Hai phía chân trời" (đạo diễn Trần Quốc Trọng, Vũ Trường Khoa), một dự án phim truyền hình dài 33 tập xoay quanh cuộc sống của bà con Việt kiều tại châu Âu với những bối cảnh quay chính tại CH Séc, Ukraine.... vừa kết thúc gần 2 tháng quay tại nước ngoài. Bộ phim dài 40 tập "Bí mật tam giác vàng" (đạo diễn Nguyễn Dương, kịch bản Nguyễn Như Phong) xoay quanh những vụ buôn lậu ma túy tại khu vực tam giác vàng liên quan đến trùm ma túy khét tiếng một thời Vũ Xuân Trường thì dự kiến sẽ ghi hình tại Lào và Thái Lan vào tháng tới.
Sự cạn kiệt các đề tài và bối cảnh trong nước là hai trong số những lý do chính khiến các hãng phim chuyển hướng sang khai thác những nội dung liên quan đến nước ngoài. Trước đây cũng đã có một vài dự án phim "đổi món" thực hiện các cảnh tay tại nước ngoài như Đôla trắng, Bước chân hoàn vũ (Thái Lan), Đua nhau làm giàu (Mỹ), Tình ca phố (Hong Kong)... nhưng chỉ có tính chất cưỡi ngựa xem hoa là chính, thêm vào ba cảnh quay ở nước ngoài cho mới lạ. Hai dự án phim lịch sử đến nay vẫn chưa phát sóng là Thái sư Trần Thủ Độ và Lý Công Uẩn - Đường tới Thành Thăng Long, do không có trường quay nên phần lớn cảnh quay đều phải thuê các bối cảnh tại trường quay Hoành Điếm, Trung Quốc.
"Đô la trắng" từng thực hiện nhiều cảnh tại Thái Lan
Tuy nhiên, với những dự án phim khai thác những câu chuyện và nhân vật tại nước ngoài như "Hai phía chân trời" thì không nhiều do không chỉ có nhiều rủi ro, tốn kém mà còn đòi hỏi thời gian chuẩn bị rất dài. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc TT sản xuất phim truyền hình, Đài THVN (VFC) cho hay "Hai phía chân trời" bắt đầu được khởi động cách đây 4 năm. "Đề tài này nhiều người nghĩ đến làm phim nhưng phải có điều kiện cần và đủ mới thực hiện được.
Đời sống của người Việt xa xứ, tâm tư tình cảm của bà con đã tác động lớn với nghệ sĩ chúng tôi. Ước mơ thực hiện bộ phim vừa nói đúng tâm tư tình cảm của bà con, trong điều kiện làm phim như hiện nay, nếu không chuẩn bị kỹ chúng ta dễ rơi vào tình trạng cưỡi ngựa xem hoa. Nếu chỉ để đưa 1 đoàn với số người khiêm tốn với vài cảnh ở nước ngoài rồi ghép vào bối cảnh trong nước vào phim cho xong thì chúng tôi không mong muốn làm điều đó".
Để chuẩn bị cho dự án phim này, tháng 4/2011, VFC cử hai nhà văn Trần Hoài Văn và Phạm Ngọc Tiến sang CH Séc, Ba Lan trong 1 tháng để khảo sát thực tiễn cuộc sống của bà con cộng đồng và thu thập thêm những chất liệu sáng tác, sau đó quay về viết kịch bản. Tháng 9/2011, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cùng một nhóm sản xuất của VFC sang châu Âu kết hợp làm phóng sự về cộng đồng người Việt tại CH Séc và Ukraine và kết nối kế hoạch sản xuất phim với ĐSQ VN tại Séc, Hội người Việt tại Séc để đảm bảo phim hiệu quả cao nhất, tận dụng được những bối cảnh vào các dịp thời tiết khác nhau. Tháng 2/2012, ê kíp tiền trạm sang Séc chọn cảnh, tuyển chọn diễn viên, chuẩn bị khởi quay.
Sẵn sàng chi nhiều hơn nếu cần
Diễn viên và bối cảnh nước ngoài bắt đầu xuất hiện trên phim truyền hình Việt
Cuối tháng 3 đến tháng 5/2012, VFC cử đoàn làm phim hơn 40 người gồm 2 êkíp quay và các diễn viên sang Đức và CH Séc để chính thức bấm máy. Để tiết kiệm chi phí mua vé máy bay, và cũng đẻ vận chuyện khối thiết bị quá lớn mang từ VN sang, sau khi bay từ Hà Nội đến Frankfurt (Đức), đoàn phải di chuyển bằng ô tô tới biên giới Đức-Séc và tiến hành quay luôn tại đây trong thời tiết giá lạnh xuống tới -25 độ C, đúng lúc tiết trời có bão tuyết. Liên tục trong gần 2 tháng, 2 ê kíp quay được tiến hành song song để cho kịp thời gian và giảm chi phí. Liên tục trong nhiều tuần các diễn viên phải làm việc từ sáng sớm đến đêm mà không có ngày nghỉ, đến một bữa cơm do bà con Việt kiều tại đây mời đoàn cũng không có thời gian để ăn.
"Sảy nhà ra thất nghiệp. đi tỉnh này sang tỉnh khác đã thấy khó khăn rồi, huống hồ đi hàng chục ngàn cây số", đạo diễn Quốc Trọng nói. Lần đầu tiên tổ chức quay ở nước ngoài nên việc đưa thiết bị, diễn viên sang gặp nhiều khó khăn. Đã thế các diễn viên nước ngoài lại nói tiếng Séc nên cứ mỗi cảnh đạo diễn chỉ đạo lại phải chờ người dịch lại cho diễn viên, khó khăn vì thế lại càng tăng lên gấp bội. "Với dự án phim này không thể tính được bao nhiêu tiền cho đủ. Sau khi khảo sát, làm dự toán rồi thì cũng không biết với số tiền mình có có đủ hay không.
Đạo diễn Trần Quốc Trọng trong những ngày quay phim tại CH Séc
Ngoài kinh phí được duyệt như làm phim trong nước, chúng tôi được Đài được bổ sung thêm tiền vé máy bay, khoản ăn ở cũng như những chi phí đặc biệt (bối cảnh, diễn viên nước ngoài, phiên dịch). So với kinh phí trong nước (180-200/tập), nếu tỉnh đủ thì phim này có thể lên đến cả tỉ do vậy chúng tôi phải tính toán liệu cơm gắp mắm. Đây là dự án 100% kinh phí của VTV. Kinh phí trên 300 triệu/tập", đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc sản xuất phim Hai phía chân trời tiết lộ.
Tương tự, dự án "Bí mật tam giác vàng" do Lasta sản xuất theo đơn đặt hàng của VTV cũng được duyệt ngân khác trên 300 triệu đồng/tập. Tuy nhiên, hãng này cho hay có có thể phải đầu tư lên tới 500 triệu đồng cho mỗi tập. Ngoài thời gian chuẩn bị trong 2 năm, "Bí mật tam giác vàng" dự kiến đoàn phim còn phải quay 3 tháng ròng rã với các cảnh quay tốn kém thực hiện tại các nước Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam, một bộ phim mà những người thực hiện biết trước sẽ rất khó khăn.
Chi phí cho các diễn viên VN ra nước ngoài quay phim cũng không phải là nhỏ
Nói về việc đầu tư cho các phim thực hiện tại nước ngoài, ông Nguyễn Hà Nam, trưởng ban thư ký biên tập Đài THVN cho hay: "Đây là lần đầu tiên VFC có một dự án thực hiện tại nước ngoài đúng nghĩa là lớn thế này. Từ nội dung phim đến bối cảnh đều thực hiện tại nước ngoài chứ không chỉ cho có như phim khác. Do sản xuất tại nước ngoài nên kinh phí duyệt phim cao hơn nhiều các phim sản xuất trong nước.
Từ 2011 đến nay VTV đã bỏ cách sản xuất phim theo giá trần, nhất là với các phim đặt hàng. Tiêu chí là chất lượng, phim cần đầu tư đến đâu thì đầu tư đến đó về mặt nội dung chứ không gói gọn ở mức giá trần 200 triệu. Vì thế kinh phí cho Hai phía chân trời cũng như một số phim khác sẽ ở mức cao hơn nếu yêu cầu nội dung cần phải như thế. Bên cạnh Hai phía chân trời hiện VTV đang đặt hàng cho Lasta sản xuất bộ phim Bí mật tam giác vàng cũng đang quay tại Lào và Thái Lan. Do vậy năm nay sẽ có tới hai dự án phim khai thác tại nước ngoài lên sóng".
Cái giá cho sự mới lạ xem ra không phải là ít.