Phim TH Trung Quốc "đuối" với phim Hàn
Trung Quốc phát sóng hàng ngàn bộ phim truyền hình với gần chục ngàn tập phim một năm nhưng con đường xuất khẩu lại không được như mong đợi.
Theo tờ Thanh Niên Bắc Kinh, năm 1978 Trung Quốc (TQ) chỉ phát sóng tám tập phim truyền hình (PTH). 30 năm sau, nước này phát sóng đến hàng ngàn bộ PTH với gần chục ngàn tập phim một năm.
Năm 2011, Trung Quốc chính thức trở thành nước sản xuất PTH nhiều nhất thế giới: 469 bộ phim với 14.942 tập. Sáu tháng đầu năm 2012, nước đông dân nhất thế giới này sản xuất 220 bộ phim với 7.168 tập. Tuy nhiên, con đường xuất khẩu PTH TQ lại không như mong đợi.
1.000 NDT/tập phim
Ngành sản xuất PTH đang là lĩnh vực khá béo bở ở nước này. Các nhà đầu tư đổ xô vào sản xuất, tranh giành nhau những đạo diễn, biên kịch hay diễn viên giỏi, đẩy thù lao diễn viên tăng lên chóng mặt.
Vì thù lao diễn viên cao nên phải cắt giảm các chi phí khác, rút ngắn thời gian quay, từng có bộ phim lập kỷ lục trong vòng 55 ngày quay xong 30 tập. Tổng cục Điện ảnh truyền hình phát thanh TQ trong một cuộc tọa đàm về PTH gần đây từng yêu cầu hạn chế số lượng và nâng cao chất lượng PTH.
Bình quân giá bản quyền một bộ PTH cho các đài truyền hình địa phương từ 500.000-1.000.000 NDT/tập (1 NDT = 3.300 đồng), tuy nhiên khi bán ra nước ngoài lại rớt giá thê thảm. Một bộ phim giá thành 500.000 NDT/tập, có nơi trả giá 1.000 NDT/tập. Người trong ngành cho biết nếu không giảm giá, phim TQ hầu như không địch nổi phim Hàn Quốc.
Ngôi nhà hạnh phúc, Vườn Sao Băng là 2 bộ phim truyền hình Hàn Quốc rất ăn khách
Hiện nay việc xuất khẩu phim truyền hình chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi Trung Quốc, vì giá bản quyền phát sóng một bộ phim ở nước ngoài nhiều khi chỉ bằng bản quyền phát sóng một tập phim ở trong nước. Tuy nhiên khó có thể thu hút các nhà đài bằng giá rẻ, vì nếu tỉ lệ xem đài thấp thì có biếu không họ cũng không phát sóng. (Ông Mã Nhuận Sanh-giám đốc Tổng công ty Truyền hình quốc tế TQ) |
Theo tờ Thanh Niên Bắc Kinh, năm 1994 bộ phim Tam Quốc diễn nghĩa của Đài CCTV bán cho Hong Kong và Đài Loan với giá 8.000 USD và 12.000 USD/tập. Nhưng sau 20 năm, giá bản quyền phát sóng ở hai thị trường này vẫn chỉ là 3.000-10.000 USD/tập, không bằng 50% giá thành sản xuất, thấp hơn nhiều so với bản quyền phát sóng PTH Hàn Quốc (25.000 USD/tập, gấp 10 lần PTH TQ).
Nếu như 50% doanh thu của PTH Hàn Quốc đến từ thị trường nước ngoài, hơn 100.000.000 USD, thì doanh thu xuất khẩu của PTH TQ chỉ có 100.000.000 NDT. Mặc dù có ưu thế về giá, nhưng thị trường xuất ngoại của phim TQ ở một số khu vực có dấu hiệu thu hẹp dần.
Nhiều nguyên nhân
Năm 1998, bộ phim truyền hình Trung Quốc Hoàn Châu cách cách từng tràn ngập sóng truyền hình Hong Kong, Đài Loan, Đông Nam Á và một số nước phương Tây. Đó cũng là thời hoàng kim của PTH nước này ở hải ngoại.
Theo ông Trương Lâm - giám đốc phòng phát hành phim thị trường hải ngoại Tổng công ty Điện ảnh quốc tế TQ, sau hơn chục năm xuất khẩu, phim cổ trang vẫn chiếm ưu thế như Tứ đại danh tác, đề tài võ thuật như phim Lý Tiểu Long truyền kỳ.
Đông Nam Á là thị trường xuất khẩu chính của PTH TQ vì có khá đông người Hoa sinh sống, có nét văn hóa tương đồng. PTH TQ từng chiếm lĩnh thị trường này thời gian đầu với các loạt phim như Mãi không nhắm mắt, Chiếc gương rỗng, Hồng phấn nữ lang, Cây long não...
Tuy nhiên những năm gần đây thị trường này đã bị làn sóng PTH Hàn Quốc thay thế. Còn thị trường các nước Âu - Mỹ thì khó thâm nhập vì nội dung phim của TQ không phổ biến, nhiều khác biệt văn hóa, lại không có phụ đề tiếng Anh, nhà đài chỉ phát sóng PTH ngắn khoảng 10 tập.
Phim Hoàn Châu cách cách nổi tiếng một thời
Một nguyên nhân nữa là TQ không có nhiều diễn viên truyền hình nổi tiếng. Ngoài Trần Đạo Minh (phim Khang Hy đế quốc), Trương Quốc Lập (phim Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam) hay Triệu Vy (phim Hoàn Châu cách cách) được nhiều khán giả châu Á biết đến, các thị trường khác hầu như không biết tên diễn viên truyền hình TQ nào, đó cũng là một trong những khó khăn khi quảng bá PTH TQ.
Mặt khác, nhà làm phim Tào Bình cho rằng PTH là sản phẩm văn hóa mang đậm nét văn hóa địa phương, các nước đều rất có ý thức trong việc bảo vệ PTH trong nước. Như Hàn Quốc không phát sóng PTH nước ngoài trong giờ vàng. Còn đạo diễn Tôn Hạo cho rằng TQ thường làm phim theo phong trào, bộ phim nào có tỉ lệ xem đài cao sẽ có hàng loạt phim đề tài tương tự được sản xuất, nên thường thiếu tính sáng tạo.