Phim ma ngày càng thật và đáng sợ
Có hai phim kinh dị đang chiếu rạp Việt, một kể chuyện ma dựa trên “những sự kiện có thật”, và một nói chuyện người hành tinh đột nhập…phòng ngủ của bạn.
Những gì bạn không nhìn thấy chính là những thứ đáng sợ nhất. Công thức ấy đến nay còn đứng vững như là chân lý dành cho các nhà làm phim kinh dị. Nhưng thế chưa đủ, phim kinh dị hôm nay đang rút ra thêm bài học mới: mối đe dọa vô hình càng “thật” chừng nào, thì nỗi sợ hãi của khán giả càng lớn chừng ấy. Đồng nghĩa với việc phim…hốt bạc.
“Paranormal Activity” (Hiện tượng siêu nhiên)
Người ta nhìn thấy bài học như vậy được áp dụng thành công ở loạt phim ăn khách “Paranormal Activity” (Hiện tượng siêu nhiên). Còn nhớ năm 2007, anh chàng người Mỹ Oren Peli đã làm nên kỳ tích doanh thu 200 triệu USD cho “Paranormal Activity phần 1” khi trong tay chỉ có 15 ngàn USD làm kinh phí, cùng chiếc máy quay HD nhỏ gọn và vài diễn viên vô danh.
“Paranormal Activity” thuần túy sử dụng lại ý tưởng của phim kinh dị “The Blair Witch Project” rất ăn khách năm 1999. Tức về mặt hình thức, nó là phim giả tài liệu, gây cho khán giả cảm giác đang được xem một cuốn video “thật”, được ghi lại bởi nạn nhân của một mối đe dọa vô hình.
Nhưng bộ phim ăn theo lại “thật” hơn và gần gũi hơn ở cách nó đem nỗi sợ hãi vào ngay trong phòng ngủ, khi con người đang nửa mê nửa tỉnh, hay giật mình trong nỗi mơ hồ về những chiếc bóng xung quanh. Dù biết tỏng chiêu bài câu khách của cả loạt phim chỉ nằm ở cách các nạn nhân cố gắng dùng camera để ghi lại những hiện tượng “kỳ lạ” xảy ra khi họ đang ngủ, nhưng khán giả vẫn cứ bị nỗi tò mò thôi thúc phải mua vé vào xem!
Phim “The Haunting in Connecticut 2: Ghosts of Georgia”.
Tuy nhiên, “The Haunting in Connecticut 2: Ghosts of Georgia” (chiếu tại VN từ 29/3 với tựa “Bí ẩn ở Georgia”) lại có phương cách khác khi đi tìm “cái thật” khiến cho nỗi sợ hãi “đáng tin” và kịch tính hơn. Giống như phần 1, từ một phim tài liệu về những ám ảnh ma quỷ chiếu trên kênh Discovery, bộ phim khai thác thêm chất liệu ở các nhân chứng sống. Sau đó dàn dựng thành câu chuyện được quảng cáo là “dựa trên những sự kiện có thật”.
Thậm chí để tăng phần chân thật cho câu chuyện về một gia đình trẻ bị “ma ám”, đạo diễn Tom Elkins được nói là đã đem cả đoàn phim vào những nơi bị nhiều lời đồn là “có ma” để thực hiện những cảnh quay.
Trong khi đó, “Dark Skies” (tựa Việt: “Bầu trời đen”, khởi chiếu từ 29/3) cố gắng làm nỗi sợ hãi trên phim thật hơn và gần gũi hơn theo một hướng khác. Dù câu chuyện mà bộ phim kể lại là về cặp vợ chồng trẻ với 2 cậu con trai phải hứng chịu mối đe dọa bí hiểm và nguy hiểm, đến từ những sinh vật…ngoài trái đất.
Phim “Dark Skies”.
Bạn sẽ thất vọng với bộ phim nếu trông đợi được xem một cuộc tấn công hoành tráng của giống loài xa lạ và đáng sợ, rồi màn chiến đấu kiên cường và đoàn kết của con người giống như kiểu phim bom tấn. Nhưng bù lại, không thể phủ nhận kịch bản "Dark Skies" đã rất khéo léo trộn lẫn những nỗi sợ hãi vô hình lẫn hiển hiện (mất việc, mất nhà, con cái hư, phạm luật…) trong đời sống thường ngày của chúng ta.
Tuy nhiên, trên đường đi tìm tính chân thật cho câu chuyện siêu nhiên, không phải cách tiếp cận nào cũng dẫn bộ phim đi tới thành công doanh thu hay hiệu quả nghệ thuật. Giữa điện ảnh hiện thực xã hội (gợi trăn trở và suy tư) và điện ảnh khám phá những điều siêu thực (gợi tưởng tượng và cảm giác) là một khoảng cách không dễ gì xóa mờ, ngay cả khi cái siêu thực rất thật trong nỗi mơ hồ của chúng ta. Những sáng tạo mới mẻ, do vậy, vẫn luôn chờ đón phim kinh dị ở phía trước như thường lệ.